Hôm thứ ba, Ủy ban ứng phó COVID-19 của Vatican đã đưa ra lời kêu gọi giải trừ vũ khí toàn cầu trong đại dịch coronavirus và đầu tư vào những các biện pháp hòa bình như chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực và môi trường.
Đức Hồng y người Ghana Peter Turkson, người đứng đầu Bộ Phát triển con người toàn diện của Vatican và Chủ tịch của Ủy ban ứng phó COVID-19, cho biết trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 7 rằng thế giới hiện đang đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai.
Cuộc khủng hoảng môi trường kết hợp với sự đe dọa của một cuộc suy thoái kinh tế rộng lớn và con số thương vong đáng kể trong bối cảnh hệ thống chăm sóc sức khỏe mong manh, đã gây ra “một cơn sóng thần khủng hoảng nhân đạo”, ngài nói, lưu ý rằng bạo lực gia đình, phân biệt đối xử, thành kiến, và các cuộc xung đột toàn cầu đều đã trở nên nặng nề trong đại dịch.
Nhắc đến lời kêu gọi mới đây của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về một lệnh ngừng bắn toàn cầu trong khi cố gắng giải quyết những hậu quả của coronavirus, ĐHY Turkson nhấn mạnh rằng “hòa bình và liên đới” là những gì thế giới cần để chống lại virus. Với việc chi tiêu toàn cầu cho quân sự năm 2019 là 1,9 ngàn tỷ đô la Mỹ, gấp 300 lần ngân sách của Tổ chức Y tế Thế giới, Đức Hồng y Peter Turkson cho rằng, cần toàn cầu hóa tình liên đới, bởi vì hiện nay, mặc cho khủng hoảng virus corona, người ta vẫn tiếp tục chi tiêu cho vũ khí.
Đức Hồng y cho rằng “việc giảm xung đột là khả năng duy nhất để giảm bất công và bất bình đẳng. Thực tế, bạo lực vũ trang, các cuộc xung đột và nghèo đói là nguyên nhân ngăn chặn hòa bình, vi phạm nhân quyền và cản trở sự phát triển”.
Nữ tu Alessandra Smerilli, điều phối viên kinh tế của Ủy ban ứng phó COVID-19 của Vatican, nhấn mạnh rằng, “chúng ta đang ở một giai đoạn trong đó chúng ta phải biết chỉ đạo các nguồn lực tài chính trong quá trình chuyển đổi mô hình này.” Chị cho rằng cần tăng cường các hệ thống y tế, chuyển đổi các công ty sản xuất vũ khí.” “Chúng ta cần bảo vệ, chống lại các bệnh truyền nhiễm và đầu tư vào phòng ngừa: COVID-19 đã cho thấy chúng ta không đủ tài chính cho việc điều trị bệnh truyền nhiễm tại trung tâm của nhiều hệ thống y tế,” chị thẳng thắn nhận định.
“Đức Thánh Cha đã yêu cầu chúng tôi phải đưa ra các giải pháp sáng tạo” – chị nói. “Chúng ta hãy tự hỏi: điều gì sẽ xảy ra nếu thay vì chạy đua vũ trang, chúng ta chạy đua cho thực phẩm, sức khỏe và công việc? Người dân đang cần điều gì ngay lúc này? Họ cần một nhà nước mạnh về quân sự, hay một nhà nước đầu tư cho công ích?”.
Khi được hỏi về vấn đề mất việc làm như là kết quả của giải trừ quân bị, chị nhấn mạnh rằng những tổn thất này sẽ được cân bằng bởi việc tạo ra công ăn việc làm mới nhờ đầu tư vào việc chăm sóc sức khỏe và môi trường.
“Chúng ta cần các nhà lãnh đạo dũng cảm, những người có thể chứng minh rằng họ tin vào công ích, những người cam kết đảm bảo những gì cần thiết nhất hiện nay,” chị nói.
Hoàng Tiến