Vatican đang kêu gọi việc giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân. Theo kết luận sơ bộ của một cuộc hội thảo cấp cao vừa kết thúc, với tựa đề “Triển vọng về một Thế giới không có Vũ khí Hạt Nhân và về việc giải trừ vũ khí hoàn toàn”, việc giải trừ toàn bộ là nhu cầu cấp bách tức thì và đồng thời cũng là một quá trình dài hạn.
Hội nghị chuyên đề, được tổ chức bởi Thánh Bộ Cổ võ sự Phát triển Con người toàn diện, đã được tiến hành khi những căng thẳng hiện đang ngày càng leo thang giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên.
Hội nghị đã chứng kiến sự tham gia của 11 người đoạt giải Nobel hòa bình, các quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc và NATO, các chuyên gia hàng đầu, các nhà lãnh đạo các tổ chức chính trị và các tổ chức xã hội dân sự, cũng như đại diện các Hội đồng Giám mục, các giáo phái Kitô giáo và các tôn giáo khác. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã có phát biểu tại hội nghị này vào hôm thứ Sáu vừa qua.
Tóm kết hội nghị chuyên đề hôm thứ Bảy, Đức Hồng Y Peter Turkson, Chủ tịch Thánh Bộ Cổ võ Sự Phát triển Con người Toàn diện, đã tuyên bố những kết luận sơ bộ sau đây:
Thánh Bộ đã quy tụ các nhà lãnh đạo tôn giáo và các đại diện của các tổ chức xã hội dân sự, các quan chức của các quốc gia và các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu nổi tiếng, những người đoạt giải Nobel và nhiều sinh viên, để làm sáng tỏ mối quan hệ giữa việc giải trừ quân bị hoàn toàn và phát triển toàn diện, và đồng thời khám phá mối liên hệ giữa phát triển, giải trừ quân bị và hoà bình. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta, “tất cả mọi thứ đều có sự nối kết với nhau”.
1. Việc sử dụng và sở hữu vũ khí hạt nhân đáng bị lên án vì chúng là những công cụ bừa bãi và không cân xứng của chiến tranh. Trong bài phát biểu với chúng ta, ĐTC Phanxicô nói, “Nếu chúng ta cũng tính đến nguy cơ của việc xảy ra một vụ nổ bất ngờ như là kết quả của bất kỳ sai sót nào, thì mối đe doạ về việc sử dụng chúng, cũng như việc sở hữu chúng, sẽ bị lên án nghiêm minh”. Tương tự như vậy, điều đáng chỉ trích đó là các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phóng xạ nguyên tử vốn đã làm ô nhiễm không khí và đại dương; khi công ích toàn cầu bị sự ô nhiễm của chúng có thể cấu thành những tội ác chống lại nhân loại.
2. Việc ngăn chặn [bằng vũ khí] hạt nhân không giải quyết một cách thỏa đáng những thách thức về vấn đề an ninh trong một thế giới đa cực. Vào tháng 3 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô của chúng ta đã viết trong một thông điệp: “Nếu chúng ta xem xét các mối đe dọa chính đối với vấn đề hòa bình và an ninh với nhiều khía cạnh của chúng trong thế giới đa cực này của thế kỷ 21, chẳng hạn như chủ nghĩa khủng bố, các cuộc xung đột bất đối xứng, an ninh không gian mạng, các vấn đề về môi trường, tình trạng đói nghèo, chắc chắn có sự không tương xứng trong việc ngăn chặn [bằng vũ khí] hạt nhân như là một phản ứng có hiệu quả đối với những thách thức như vậy”.
3. Việc ngăn chặn [bằng vũ khí] hạt nhân không tạo ra một nền hòa bình ổn định hoặc vững chắc; nó góp phần vào sự sợ hãi và xung đột. Như ĐTC Phanxicô đã nói: “Các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là các loại vũ khí hạt nhân, không tạo ra điều gì ngoài một cảm thức sai lầm về vấn đề an ninh”. Chúng cũng tạo ra một nền văn hoá của việc “đe dọa lẫn nhau” trong hệ thống quốc tế.
4. Chi tiêu cho các loại vũ khí hạt nhân sẽ làm lãng phí các nguồn lực vốn cần thiết để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của các cuộc xung đột, cũng như việc thúc đẩy phát triển và hòa bình.
5. Về phương diện nhân đạo, việc sử dụng các loại vũ khí hạt nhân đều mang tính chất tàn phá.
6. Một thế giới không có vũ khí hạt nhân là hoàn toàn có thể xảy ra. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích chúng ta hy vọng rằng “… sự phát triển đó là hiệu quả và toàn diện có thể đạt được điều không tưởng về một thế giới không có các công cụ gây hấn chết người …”
7. Hòa bình được xây dựng trên nền tảng của công lý. Việc giải trừ quân bị hoàn toàn và phát triển toàn vẹn có sự nối kết với nhau. Như ĐTC Phanxicô đã nhắc lại, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI “đã trình bày khái niệm về sự phát triển con người toàn diện và đồng thời đề xuất nó như là ‘cái tên mới cho hòa bình’”.
8. Việc giải trừ vũ khí hạt nhân là một vấn đề toàn cầu, đòi hỏi một phản ứng toàn cầu. Như ĐTC Phanxicô đã viết vào tháng 3 năm 2017: “Sự phụ thuộc lẫn nhau và toàn cầu hoá ngày càng gia tăng có nghĩa là bất kỳ phản ứng nào đối với mối đe dọa vũ khí hạt nhân cần phải được tập hợp và phối hợp, dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau”.
9. Việc giải trừ quân bị hoàn toàn là nhu cầu khẩn cấp tức thì và đồng thời cũng là một quá trình dài hạn. Vào tháng 3 năm 2017, ĐTC Phanxicô đã nói rõ: “Việc đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân liên quan đến một quá trình dài hạn, dựa trên nhận thức rằng” tất cả mọi thứ đều có sự nối kết với nhau” trong quan điểm của một hệ sinh thái toàn diện (Laudato Si’, 117, 138). Vận mệnh chung của nhân loại đòi hỏi việc tăng cường đối thoại, xây dựng và củng cố các cơ chế của sự tin tưởng và hợp tác, có khả năng tạo ra những điều kiện cho một thế giới không có các loại vũ khí hạt nhân”.
10. Đối thoại là điều cần thiết. Cuộc đối thoại này phải bao hàm, bao gồm cả các quốc gia sở hữu hạt nhân lẫn các quốc gia không sở hữu hạt nhân, và liên quan đến xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế, các chính phủ và các cộng đồng tôn giáo. Cụ thể, Giáo hội Công giáo cam kết thúc đẩy cuộc đối thoại này ở tất cả mọi cấp độ.
11. Kêu gọi các quốc gia chưa làm như vậy xem xét việc ký kết và phê chuẩn Hiệp ước về Ngăn cấm Vũ khí Hạt nhân.
12. Quan trọng nhất, chúng ta hãy cam kết mọi nỗ lực của chúng ta đối với việc kêu gọi giải trừ hoàn toàn các loại vũ khí hạt nhân.
Tất cả mọi thứ đều có sự nối kết với nhau; và mọi người đều có sự liên hệ với nhau. Chúng ta có thể cùng nhau thoát khỏi thế giới vũ khí hạt nhân, đầu tư vào việc phát triển con người toàn diện và xây dựng hòa bình. Những kết luận sơ bộ này không thể hiện sự kết thúc của việc đối thoại, mà là sự khởi đầu cho cuộc đối thoại và hành động trong tương lai.
Minh Tuệ chuyển ngữ