
Cha Dmytro Dnistrian làm phép những giỏ tthực phẩm của người dân Ukraina chứa đầy các loại thức phẩm truyền thống được dùng trong bữa tối vào dịp Lễ Phục sinh tại Nhà thờ Công giáo Ukraina dâng kính hai Thánh Phêrô và Phaolô ở Saskatoon, Saskatchewan. Ở các quốc gia và các thành phố bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19, việc làm phép các giỏ thực phẩm Phục sinh theo truyền thống sẽ không thể thực hiện (Ảnh: Todd Korol/ Reuters)
Vatican đã yêu cầu các Giám mục Công giáo trên khắp thế giới, thuộc nghi thức Latinh cũng như các Giáo hội Công giáo Đông phương, cung cấp cho các tín hữu của họ các nguồn lực để hỗ trợ cho việc cầu nguyện cá nhân và gia đình trong suốt Tuần Thánh và dịp Lễ Phục sinh, đặc biệt là ở những nơi đại dịch COVID-19 ngăn cản họ không thể đến nhà thờ.
Hôm 25 tháng 3, Thánh Bộ các Giáo Hội Đông phương đã công bố “những chỉ dẫn” cho việc cử hành Tam Nhật Thánh trong các Giáo hội mà Thánh Bộ hỗ trợ, đồng thời kêu gọi những người đứng đầu các Giáo hội đó ban hành các quy tắc cụ thể cho việc cử hành các nghi thức “theo các biện pháp được thiết lập bởi chính quyền dân sự nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm vi rút”.
Tuyên bố được ký bởi Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng Trưởng Thánh Bộ các Giáo Hội Đông phương, và đồng thời yêu cầu các Giáo hội Đông phương “sắp xếp, và phân phát thông qua các phương tiện giao tiếp xã hội, các phương tiện hộ trợ cho phép một người trưởng thành trong gia đình giải thích cho những người nhỏ hơn về ‘Mầu nhiệm’ (ý nghĩa tôn giáo) của các nghi thức mà trong điều kiện bình thường sẽ được cử hành trong nhà thờ với sự hiện diện của giáo dân”.
Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, cập nhật một lưu ý ban đầu được công bố vào ngày 20 tháng 3, cũng đã yêu cầu các Hội đồng Giám mục và các Giáo phận “xem xét các nguồn lực được cung cấp để hỗ trợ cho việc cầu nguyện trong gia đình cũng như việc cầu nguyện cá nhân” trong Tuần Thánh và dịp Đại lễ Phục Sinh nơi mà họ không thể tham dự Thánh lễ.
Những đề nghị của Thánh Bộ các Giáo Hội Đông phương về việc cử hành các nghi thức Phụng vụ giữa bối cảnh đại dịch không cụ thể như những đề xuất được ban hành cho các tín hữu Công giáo theo nghi thức Latinh, bởi vì các Giáo hội Công giáo Đông phương có nhiều truyền thống phụng vụ khác nhau và có thể theo lịch Julian, với việc Chúa nhật Lễ Lá và Lễ Phục sinh năm nay được cử hành trễ hơn một tuần so với lịch Gregorian được sử dụng bởi hầu hết các tín hữu Công giáo.
Tuy nhiên, Thánh Bộ này cho biết, trong các Giáo hội Công giáo Đông phương, “các buổi cử hành phụng vụ này được tổ chức đúng vào những ngày dự kiến theo lịch phụng vụ, phát sóng hoặc truyền phát những buổi cử hành các nghi thức phụng vụ có thể để các tín hữu có thể theo dõi ngày tại nhà”.
Một ngoại lệ là nghi thức phụng vụ mà trong đó “các loại Dầu Thánh”, hay các loại dầu để cử hành Bí tích, được làm phép. Mặc dù việc làm phép các loại Dầu Thánh vào sáng Thứ Năm Thánh đã trở thành phong tục, “nhưng việc cử hành nghi thức này, không được liên kết trong Giáo hội Đông phương cho đến ngày nay, có thể được chuyển sang một dịp khác”, tuyên bố cho biết.
Đức Hồng y Sandri yêu cầu các vị đứng đầu các Giáo hội Công giáo Đông phương xem xét những cách thức để thích nghi với phụng vụ của họ đặc biệt bởi vì “sự tham gia của một ca đoàn hợp xướng và các Giám mục được mong đợi bởi một số truyền thống nghi lễ là không thể thực hiện vào thời điểm hiện tại, khi mà sự thận trọng khuyến cáo việc tránh các cuộc tụ tập với số lượng đáng kể”.
Thánh Bộ cũng đề nghị các Giáo hội bỏ qua các nghi thức thường được tổ chức bên ngoài nhà thờ và trì hoãn bất kỳ lễ rửa tội nào được lên kế hoạch trong dịp Đại lễ Phục sinh.
Các giáo Kitô giáo Đông phương có rất nhiều lời cầu nguyện lâu đời, các bài thánh ca và bài giảng mà các tín hữu được khuyến khích đọc dưới chân Thánh giá vào Thứ Sáu Tuần Thánh, tuyên bố cho biết.
Ở những nơi không thể tổ chức phụng vụ Đại Lễ Phục sinh vào ban đêm, Đức Hồng y Sandri đề nghị “các gia đình có thể được mời gọi, ở những nơi có thể thông qua âm thanh vui mừng hân hoan của tiếng chuông nhà thờ, cùng nhau quy tụ để đọc Tin Mừng Phục sinh, thắp nến và hát một số bài hát theo truyền thống Đông phương hay những bài hát tiêu biểu cho truyền thống của họ mà các tín hữu thường biết đến theo trí nhớ”.
Và, Đức Hồng y Sandri nói, nhiều tín hữu Công giáo Đông phương sẽ thất vọng vì họ không thể đi xưng tội trước lễ Phục sinh. Để phù hợp với Sắc lệnh được ban hành ngày 19 tháng 3 bởi Tòa Ân Giải Tối Cao, “các vị Mục tử phải giải thích và trình bày cho các tín hữu một số lời cầu nguyện sám hối theo truyền thống Đông phương để các tín hữu đọc với tinh thần ăn năn sám hối”.
Sắc lệnh từ Tòa Ân Giải Tối Cao, Tòa án tối cao của Giáo hội liên quan đến các vấn đề về lương tâm, yêu cầu các Linh mục nhắc nhở các tín hữu Công giáo đang đối mặt với “sự bất lực đau đớn khi không thể lãnh nhận Bí tích Hòa giải” rằng họ có thể thực hiện một hành động ăn năn sám hối trực tiếp với Thiên Chúa qua việc cầu nguyện.
Nếu họ chân thành và hứa sẽ đi xưng tội ngay khi có thể, thì họ “đã nhận được ơn tha thứ đối với mọi tội lỗi, thậm chí là cả những tội trọng”, Sắc lệnh nhấn mạnh.
Đức Giám mục Kenneth Nowakowski thuộc Công giáo Ukraina đã phát biểu với hãng tin ‘Catholic News Service’ hôm 25 tháng 3 rằng một nhóm các Giám mục Ukraina đã làm việc theo những chỉ dẫn đối với các Giáo hội của họ.
Một truyền thống Phục Sinh phổ biến, đặc biệt được tuân giữ bởi những người dân Ukraine sinh sống ở nước ngoài mà không có gia đình, Đức Giám mục Kenneth Nowakowski nói, đó là xin các Giám mục hoặc Linh mục làm phép chúc lành giỏ thức ăn Phục Sinh của họ, bao gồm trứng, bánh mì, bơ, thịt và phô mai.
“Chúng tôi muốn tìm cách để phát livestream các nghi thức phụng vụ và giúp các tín hữu của chúng tôi hiểu rằng chính Chúa Kitô là Đấng chúc lành cho họ”, chứ không phải vị Giám mục hay Linh mục, Đức Cha Nowakowski nói.
Ngoài ra, Đức Cha Cha Nowakowski nói, “Thiên Chúa của chúng ta không bị giới hạn bởi các Bí tích; Ngài có thể đi vào cuộc sống của chúng ta qua những hoàn cảnh đầy khó nhọc này bằng nhiều cách thức khác nhau”.
Minh Tuệ (theo Crux)