Trong vòng vài tuần nay, có vẻ các phương tiện truyền thông tỏ ra quan tâm đến mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc. Và đây không chỉ là chuyện quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia, mà là một thực tế rất phức tạp và tế nhị.
Khía cạnh đạo đức
Tiến trình bình thường hóa quan hệ Vatican – Trung Quốc khiến cho nhiều người đặt vấn đề về phương diện tôn giáo, với những bận tâm luân lý ở nhiều cấp độ.
Tòa Thánh có hành động đúng đắn hay không, khi ngồi vào bàn nói chuyện và xây dựng quan hệ với một nhà nước vô thần có một hồ sơ nhân quyền rất nghèo nàn và lắm vấn đề?
Phải chăng điều đó có nghĩa là về cơ bản những gì Trung Quốc đang làm là đúng đắn xét trên phương diện đạo đức, vì rõ ràng Vatican có một vai trò quan trọng trong việc đưa ra tiếng nói của đạo đức và của các giá trị luân lý?
Đối với các quốc gia và những nhà hoạt động đối lập với Trung Quốc hoặc đang đấu tranh chống lại một số chính sách nào đó của Trung Quốc, điều đó có ý nghĩa gì?
Việc bình thường hóa quan hệ Vatican – Trung Quốc có thể xảy ra mà cũng có thể không xảy ra, nhưng vấn đề là có nhất thiết phải vội vã không?
Tại sao Tòa Thánh Vatican lại có vẻ vội vã như vậy? Tại sao không chờ đợi thêm một vài năm, hoặc thậm chí vài thập kỷ nữa, âm thầm đến Trung Quốc, mà không cần phải khom lưng để có được một vài thỏa hiệp do những người cộng sản vô thần áp đặt?
Tác động chính trị
Dù sao đi nữa, trong thực tế, việc hòa giải của Vatican với Trung Quốc vẫn có thể bị hiểu là một kiểu “phước lành” của Giáo hội dành cho Đảng cộng sản Trung Quốc. Đảng này đã cai trị đất nước Trung Quốc một cách tàn bạo và độc đoán từ năm 1949, bị “vạ tuyệt thông” của Tòa Thánh từ năm 1950, đang khi Vatican lại đã từng có một vai trò quan trọng trong việc làm cho đế quốc Xô Viết tan rã. Vì thế, nhiều người hy vọng Vatican sẽ đứng về phía những lực lượng chống lại Bắc Kinh hiện nay. Nhưng có vẻ Vatican không hành động theo hướng đó, và đây không chỉ là một chọn lựa dành cho Bắc Kinh, mà cả trong quan hệ với Cu Ba và Việt Nam nữa.
Thực tế, quan hệ bình thường giữa Vatican và Trung Quốc sẽ có khả năng tác động trên các quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước bận tâm về Bắc Kinh và Trung Quốc. Nếu và khi quan hệ bình thường giữa Vatican và Trung Quốc được thiết lập, thì nhiều quốc gia sẽ phải tính toán lại lập trường của mình đối với Trung Quốc.
Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại ở phạm vi các quan hệ ngoại giao hay quân sự, kinh tế.
Trung Quốc đang gia nhập thế giới được chi phối bởi các giá trị phương Tây. Từ cách đây nhiều thế kỷ, Vatican vẫn là thành trì bảo vệ các giá trị và tầm nhìn Tây Phương, bất chấp các biến động lịch sử. Liệu Vatican có thể đảm nhận vai trò gì trong tiến trình hội nhập thế giới của Trung Quốc?
Từ quan điểm của Trung Quốc, việc bình thường hóa quan hệ này có thể là một lực đẩy lớn cho việc tiếp tục phong trào tiến trình hiện đại hóa. Vì vậy nó có thể có tác động rất lớn đối với tất cả các kiểu loại cải cách bên trong Trung Quốc. Hoặc nó có thể được biến thành một lá bùa giúp bảo vệ hiện trạng của Đảng cộng sản.
Những tác động trực tiếp và gián tiếp nói trên là rất lớn lao, và tất nhiên sẽ gây ra nhiều mối bận tâm, thậm chí là quan ngại.
Quan trọng: sự hiệp nhất của Giáo hội
Tuy nhiên đối với Giáo hội, trên tất cả những điều đó, điều đáng quan tâm nhất, chính là sự sống của Giáo hội tại Trung Quốc.
Quan sát những bước đi của Tòa Thánh trong các cuộc đàm phán với Bắc Kinh vài năm gần đây, người ta buộc phải chấp nhận rằng: đối với Tòa Thánh, không có sự phân chia rạch ròi hai Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc, như các phương tiện truyền thông thường mô tả. Nói về Công giáo tại Trung Quốc, người ta thường hình dung có hai Giáo hội kình chống nhau hoặc chí ít là không thuận thảo với nhau: Giáo hội quốc doanh và Giáo hội hầm trú, với điểm khác biệt chính yếu: một bên trung thành với nhà nước cộng sản và bên kia trung thành với Đức Giáo hoàng. Nhưng trong thực tế, ít là theo một cách lý giải có vẻ đang được chấp nhận, hầu như tuyệt đại đa số tín hữu Công giáo Trung Quốc đều chống lại, cách công khai hay âm thầm, việc tách họ khỏi Đức Giáo hoàng Rôma.
Nỗ lực của Tòa Thánh trong những năm vừa qua có vẻ là tìm cách hiệp nhất Giáo hội duy nhất đang bị chia rẽ từ mấy chục năm qua. Và bước đi quan trọng nhất được chọn lựa là thiết lập một hàng giám mục được cả hai khối chấp nhận. Dù chính thể Trung Quốc vẫn giữ hình thái như hiện nay hay sẽ thay đổi và thậm chí sụp đổ, thì điều cần thiết để Giáo hội Công giáo Trung Quốc hiệp nhất, sẽ vẫn là không để xảy ra tình cảnh “bên thắng cuộc – bên thua cuộc” ngay trong lòng Giáo hội.
Theo một số nhà quan sát, vì thế, mục tiêu của Vatican hiện nay chưa phải là thiết lập mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Trung Quốc và Tòa Thánh, nhưng là bình thường hóa quá trình lựa chọn các giám mục, để bảo vệ vai trò cần thiết của Đức Giáo hoàng trong một khuôn khổ chính trị đặc thù, vốn tự bản chất luôn sợ hãi từ chối “sự can thiệp của nước ngoài.”
Và hình như đây cũng là điều đã được Vatican xác quyết trong liên hệ với Bộ Ngoại giao Đài Loan. Theo đó, Đức Hồng y Parolin nói các cuộc đàm phán Vatican – Trung Quốc chỉ bàn về những vấn đề liên quan đến Giáo hội và đã không đề cập đến các vấn đề chính trị hay quan hệ ngoại giao.
Tân Thanh