Vatican công bố báo cáo đầu tiên về nỗ lực bảo vệ trẻ vị thành niên của Giáo hội trên toàn thế giới

Đức Giáo hoàng Phanxicô tham gia cùng với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên trong buổi cầu nguyện tại Vatican vào ngày 7 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Giáo hoàng Phanxicô tham gia cùng với Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên trong buổi cầu nguyện tại Vatican vào ngày 7 tháng 3 năm 2024 (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Hôm thứ Ba, Vatican đã ban hành báo cáo thường niên đầu tiên đánh giá các chính sách và thủ tục của Giáo hội Công giáo nhằm ngăn chặn vấn nạn lạm dụng ở các Giáo phận trên toàn thế giới, từ Châu Phi đến Châu Đại Dương.

Báo cáo dài 50 trang của Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên là báo cáo đầu tiên trong loạt báo cáo thường niên nhằm mục đích phân tích các biện pháp bảo vệ tại các Giáo phận, tổ chức Công giáo và các Dòng tu trên toàn cầu trong 5 đến 6 năm tới.

Được công bố vào ngày 29 tháng 10, báo cáo mở đầu phát hiện rằng “một phần đáng kể của Trung và Nam Mỹ, Châu Phi và Châu Á không có đủ nguồn lực chuyên dụng” dành cho các nỗ lực bảo vệ.

Ủy ban Giáo hoàng cũng đã xác định “mối quan ngại dai dẳng liên quan đến tính minh bạch trong các thủ tục và quy trình pháp lý của Giáo triều Rôma”, đồng thời lưu ý rằng sự thiếu minh bạch này có khả năng “gây mất lòng tin giữ các tín hữu, đặc biệt là cộng đồng các nạn nhân/người sống sót”.

Ủy ban Giáo hoàng đặc biệt chỉ trích Bộ Giáo lý Đức tin (DDF) vì xử lý các trường hợp chậm trễ và các thủ tục Giáo luật kéo dài, điều mà Ủy ban cho rằng có thể là “nguồn gây chấn thương tái phát cho các nạn nhân”.

Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên đã trở thành một phần của DDF kể từ khi Đức Giáo hoàng Phanxicô cải cách Giáo triều Rôma vào năm 2022, tuy nhiên ủy ban này thường xuyên nhấn mạnh tính độc lập của mình khỏi Thánh Bộ này.

Ủy ban cũng kêu gọi một luật sư hoặc thanh tra chuyên trách tại Vatican để hỗ trợ các nạn nhân và vận động nghiên cứu thêm về các chính sách bồi thường.

Báo cáo không phải là một cuộc kiểm toán các vụ việc lạm dụng trong Giáo hội mà là một cuộc xem xét các chính sách và thủ tục bảo vệ. Ủy ban chỉ ra rằng các báo cáo trong tương lai có thể phát triển để bao gồm chức năng kiểm toán về tỷ lệ lạm dụng, bao gồm cả việc đo lường tiến độ trong việc giảm thiểu và ngăn ngừa vấn nạn lạm dụng.

Báo cáo thí điểm của ủy ban đã đánh giá các hoạt động bảo vệ của các Giáo phận tại hàng chục quốc gia, bao gồm Mexico, Bỉ, Cameroon và Papua New Guinea, cũng như 2 Dòng tu và trên khắp các văn phòng khu vực của Caritas.

Các phát hiện của ủy ban khác nhau ở các khu vực. Trong khi một số khu vực của Châu Âu thể hiện các biện pháp bảo vệ tiên tiến, bao gồm sự hỗ trợ dựa trên chấn thương, các khu vực như Trung và Nam Mỹ, Châu Phi và một số khu vực của Châu Á phải đối mặt với những thách thức đáng kể do nguồn lực hạn chế và việc đào tạo không đầy đủ.

Ủy ban đã nêu ra những trở ngại quan trọng, từ rào cản văn hóa và tài chính cho đến tình trạng thiếu hụt nhân sự được đào tạo trong các lĩnh vực như Giáo luật và tâm lý học.

Ở Papua New Guinea, những hạn chế về tài chính hạn chế việc đào tạo các chuyên gia bảo vệ, và các bộ dụng cụ điều tra hiếp dâm đắt đỏ hạn chế khả năng thu thập bằng chứng cho các cuộc điều tra tội phạm. Việc thiếu các chuyên gia được đào tạo về Giáo luật và tâm lý học cũng cản trở công việc của các văn phòng bảo vệ của Giáo hội tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Trong khi đó, Zambia phải đối mặt với những rào cản về văn hóa, chẳng hạn như “xã hội gia trưởng” và “văn hóa im lặng”, khiến những nạn nhân, đặc biệt là các bé gái, không dám báo cáo tình trạng bị lạm dụng.

Theo báo cáo, tại Mexico, rào cản văn hóa trong việc báo cáo tình trạng lạm dụng cũng là rào cản đáng kể đối với công lý.

Để ứng phó với những thiếu hụt trong các nguồn lực của việc bảo vệ, đặc biệt là ở các khu vực đang phát triển, ủy ban đã giới thiệu “Sáng kiến ​​Memorare”, lấy cảm hứng từ lời cầu nguyện truyền thống với Đức Trinh Nữ Maria. Chương trình này nhằm mục đích hỗ trợ việc thành lập các trung tâm báo cáo lạm dụng và dịch vụ hỗ trợ nạn nhân ở Nam Bán cầu.

Các khuyến nghị khác bao gồm các thủ tục hợp lý hóa để loại bỏ các nhà lãnh đạo Giáo hội có liên quan đến hành vi lạm dụng hoặc bao che, cũng như các chính sách thúc đẩy việc bồi thường công bằng cho các nạn nhân.

Báo cáo cũng đề xuất rằng Vatican nên hợp tác với các trường Đại học Giáo hoàng để tạo ra các khóa học chuyên sâu về việc bảo vệ dành cho hàng giáo sĩ và nhân viên của Giáo hội.

Nhìn về phía trước, ủy ban có kế hoạch xem xét từ 15 đến 20 Hội đồng Giám mục mỗi năm trong các chuyến viếng thăm Ad limina, với mục tiêu xem xét toàn bộ Giáo hội trong vòng 5 đến 6 năm.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã yêu cầu ủy ban lập báo cáo vào năm 2022. Đức Hồng y Seán O’Malley, người lãnh đạo ủy ban kể từ khi được Đức Gióa hoàng Phanxicô thành lập vào năm 2014, nhấn mạnh rằng các báo cáo thường niên được coi là công cụ giải trình và là bước tiến tới khôi phục sự tin  tưởng vào cam kết bảo vệ và sự minh bạch của Giáo hội.

Hoàng Thịnh (theo CNA)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết