Theo sau tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào ngày 6 tháng 12 rằng ông sẽ di chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Israel tới Giêrusalem, Toà Thánh đã bày tỏ mối quan ngại về các vụ bùng phát bạo lực gần đây và đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo thúc đẩy hòa bình và an ninh.
Một bản thông cáo của Vatican ngày hôm 10/12 đã chỉ ra những lo ngại về vấn đề hòa bình và an ninh tại Giêrusalem và đồng thời nhắc lại sự tin tưởng của mình rằng “chỉ có một giải pháp được thương thuyết giữa người Do Thái và người Palestine mới có thể mang lại một nền hòa bình bền vững và lâu dài” cũng như “đảm bảo việc cùng nhau chung sống trong hoà bình của hai quốc gia trong những phạm vi được quốc tế công nhận”.
Tuyên bố ngắn gọn đã được công bố chỉ vài ngày sau những tin tức được đưa ra cho thấy Tổng thống Trump sẽ công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel và đồng thời chuyển Đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Giêrusalem – một quyết định gây tranh cãi rộng rãi vốn đã gây ra một phản ứng hỗn hợp từ cộng đồng quốc tế.
Vatican cho biết Tòa Thánh đang theo dõi chặt chẽ tiến triển của tình hình, đặc biệt là ở Giêrusalem, “một thành phố thánh thiêng đối với các Kitô hữu, người Do Thái và người Hồi giáo trên toàn thế giới”.
Lời tuyên bố cũng nhắc lại lập trường của Tòa Thánh về tầm quan trọng của việc duy trì việc giữ nguyên hiện trạng tại Giêrusalem theo như những yêu cầu được lặp đi lặp lại của cộng đồng quốc tế cũng như hàng giáo phẩm của các cộng đồng Kitô hữu và Công giáo tại Đất Thánh.
Nhắc lại lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung hôm 6 tháng 12, tuyên bố nhắc lại “những lời cầu nguyện tha thiết” của Đức Thánh Cha đối với các nhà lãnh đạo quốc gia, ngõ hầu họ cam kết đối với việc thúc đẩy hoà bình, công lý và an ninh cũng như ngăn chặn “một vòng xoáy mới của bạo lực ” tại quốc gia.
Theo truyền thống, Israel luôn luôn công nhận Giêrusalem là thủ đô của mình. Tuy nhiên, người Palestine tuyên bố rằng phần phía đông của thành phố là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Bằng việc công nhận Giêrusalem là thủ đô của Israel, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên làm như vậy kể từ khi quốc gia này được thành lập vào năm 1948.
Cuộc tranh luận về vấn đề này theo nhiều cách thức chính là mấu chốt của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, vốn được các nhà lãnh đạo Ả Rập ủng hộ, bao gồm Ả-rập Xê-út, và thế giới Hồi giáo rộng lớn hơn.
Theo thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine năm 1993, tình trạng cuối cùng của Giêrusalem sẽ được thảo luận trong giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán hòa bình. Chủ quyền của Israel trên Giêrusalem chưa bao giờ được công nhận bởi cộng đồng quốc tế, và tất cả các nước có quan hệ ngoại giao đều đặt đại sứ quán của họ tại Tel Aviv.
Hơn 30 công dân Palestine đã bị thương trong các cuộc đụng độ trên khắp Bờ Tây và dải Gaza giữa bối cảnh của các cuộc biểu tình phản đối quyết định của Trump.
Lập trường của LHQ về vấn đề Giêrusalem đó là phần phía Đông Giêrusalem nằm choán lãnh thổ Palestine, và sau cùng thành phố này sẽ trở thành thủ đô của hai quốc gia Israel và Palestine.
Vatican từ lâu đã ủng hộ giải pháp hai quốc gia đối với cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, và trên bình diện ngoại giao cũng thừa nhận và đề cập đến cả “Nhà nước Israel” cũng như “Nhà nước Palestine”.
Minh Tuệ chuyển ngữ