Mùa Vọng đã kết thúc, và giờ đây các tín hữu cùng nhau quy tụ quanh máng cỏ Bê-lem và chờ đợi sự trở lại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Chúng ta chờ đợi Ngài, và vẻ đẹp cũng như sự khích lệ của hành động thiêng liêng về tình bạn vào dịp Lễ Giáng Sinh nằm ở chính cốt lõi ý nghĩa của việc nhận biết Chúa Giêsu Kitô và được Ngài yêu thương.
Sự giáng sinh của Đấng Mê-si-a được chờ đợi từ lâu là một khoảnh khắc huyền nhiệm và vinh quang. Nó ứng nghiệm thời ngàn xưa và thúc giục chúng ta suy tư về cõi vĩnh hằng. Vào dịp lễ Giáng sinh, lời hứa về Vườn Địa Đàng được thực hiện. Lời hứa đầu tiên, lời hứa được ấp ủ của dân Chúa, rằng Đấng được xức dầu – nhưng mang thương tích – Đấng Cứu Thế sẽ đến và cứu chuộc chúng ta khỏi vương quốc của tội lỗi và sự chết, đang xuất hiện và sự ứng nghiệm của lời hứa đó được các Thiên thần cũng như các mục đồng vui mừng loan báo.
Vào lễ Giáng sinh, vang vọng lời của Tiên Tri Dacaria, Bình minh từ trên cao tỏa chiếu xuống chúng ta. Thiên Chúa đã nhìn thấy sự tuyệt vọng đau khổ của chúng ta và đến với chúng ta. Sau hàng thiên niên kỷ mong đợi, Đấng Cứu Thế đã ở đây.
Khi thời gian viên mãn đã đến, lời hứa đạt đến đỉnh điểm. Đấng Cứu Thế đã ở đây, và đó là chính Thiên Chúa. Không một Tiên tri nào thời xưa có thể từng nghĩ hoặc thậm chí nằm mơ thấy rằng Đấng Cứu Thế đã hứa sẽ thực sự là chính Thiên Chúa. Những lời tuôn ra từ Thánh Gioan thật không thể tưởng tượng được: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa… Và Ngôi Lời đã trở nên người phàm, và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật”.
Chưa hết, Thiên Chúa đã đến với chúng ta. Ngài đến với chúng ta ngay lúc này đây. Ngài cư ngụ giữa chúng ta và sống một cuộc đời như chúng ta. Thiên Chúa yêu bằng trái tim con người, làm việc bằng đôi tay con người và khóc những giọt nước mắt của con người. Ngài đã chọn con đường đau khổ như phương thế cứu độ chúng ta.
Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận xét: “Đấng bao trùm vũ trụ cần được ôm ấp trong vòng tay của người khác. Đấng tạo dựng nên mặt trời cần được sưởi ấm. Sự dịu dàng nhập thể cần được nâng niu chiều chuộng. Tình yêu vô hạn có một trái tim bé nhỏ đập nhẹ nhàng”.
Đấng Cứu Thế được chờ đợi từ lâu đã không xuất hiện một cách lạ lùng. Ngài không từ biển trồi lên hay từ trên trời sa xuống. Khi đến thời của Ngài, Đấng Cứu Thế xuất hiện với tư cách là một người trong số chúng ta. Ngài được sinh ra bởi một người mẹ, sinh ra trong một dân tộc cụ thể. Ngài học cách kiếm sống, đau buồn vì mất cha mất mẹ và cảm nếm những thử thách của cuộc sống từ trong ra ngoài….
Đó là con đường của nhân loại chúng ta, giữa một thế giới sa ngã, đó là con đường cứu rỗi của chúng ta. Ngài chấp nhận sự đau khổ và tiết lộ cho chúng ta sức mạnh của sự đau khổ. Khi Thiên Chúa đến giữa chúng ta, Ngài đã chỉ cho chúng ta cách yêu thương cao cả hơn của Ngài. Đó không phải là một tình yêu rẻ tiền. Đó là một tình yêu sẵn sàng chấp nhận gian khổ.
Nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được trao cho một bằng chứng tối thượng về lời kêu gọi hướng thượng của chúng ta hướng đến sự tốt lành và thánh thiện. Sự chào đời thánh thiêng của Chúa Giêsu đã tuyên bố một lời hiệu triệu mỗi người chúng ta hãy sống ơn gọi làm người của mình một cách tốt đẹp và nuôi dưỡng một trái tim quảng đại trong chúng ta đối với Thiên Chúa và tha nhân.
Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta cách sống như con cái Thiên Chúa, và qua cuộc sống và cái chết của Người, Người đã dạy chúng ta rằng sự đau khổ có thể mang lại ơn cứu độ. Gỗ của Máng cỏ chỉ cho chúng ta thấy gỗ của cây thập giá của Người. Cả hai đều là một phần cuộc sống của Người. Việc bước theo Ngài đồng nghĩa với việc đón nhận cả niềm vui lẫn nỗi buồn.
Câu trả lời cho bóng tối và sự sa ngã của thế giới chúng ta đã được trao cho chúng ta ở Bê-lem. Câu trả lời cho những nỗi buồn trong tâm hồn chúng ta đã trở nên xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Ngài đã cư ngụ giữa chúng ta và cùng đồng hành với chúng ta. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và mong muốn trở thành Đấng Cứu Độ, Người Bằng Hữu và Người Bạn Đồng Hành của chúng ta. Như Đức Thánh Cha Phanxicô trước đó đã cầu nguyện trong lễ Giáng sinh: “Tôi hy vọng rằng mọi người sẽ cảm nhận được sự gần gũi của Thiên Chúa, sống trong sự hiện diện của Người, yêu mến Người và tôn thờ Người”.
Lễ Giáng sinh năm nay, chúng ta được đề nghị con đường dẫn đến sự cứu độ và hạnh phúc. Nó tương phản với sự đau khổ hay tiêu cực của một thế giới sa ngã. Để tìm ra con đường này, chúng ta cần định hướng lại cuộc đời mình và hướng đến Bêlem. Ở đó, chúng ta có thể thấy Đấng Mê-si-a được chờ đợi từ lâu đã giáng sinh cho chúng ta.
Minh Tuệ (theo Crux)