Chúng ta có thể gặp nơi dung mạo ông Phêrô trong bài Tin Mừng, kinh nghiệm của nhiều anh chị em tín hữu chúng ta.
Ông Phêrô vốn là một người làm nghề chài lưới. Ông đã hơn một lần kinh nghiệm thế nào là sự vất vả lao nhọc của những đêm làm việc cật lực mà không thu được gì. Nhưng bỗng xảy đến trong cuộc đời ông một sự Hiện Diện huyền nhiệm, mời gọi ông lao tác theo lời Người. Nói cách khác, ông được mời gọi sống cuộc sống và nghề nghiệp của mình hoàn toàn như một biến cố quyền năng của Chúa Giêsu Kitô. Ông đã buông mình theo lời mời gọi đó và đã gặp thấy một kết quả phong nhiêu mà trước đây ông chưa bao giờ biết đến. Đó có lẽ cũng là kinh nghiệm của rất nhiều Kitô hữu ngày nay.
Hôm ấy, « giảng xong, Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Simôn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (Lc 5,4-5).
Đối diện với đề nghị bất ngờ và có phần kỳ lạ của Đức Giêsu (c.4), ông Simôn trình bày một hoàn cảnh bi đát: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả” (c.5a). Theo lẽ thường, đó là một hoàn cảnh bế tắc. Lời đề nghị của Đức Giêsu có vẻ sai lầm, thiếu kinh nghiệm và đi ngược lại với tất cả những hiểu biết cũng như kinh nghiệm của những người từng trải trong nghề đánh cá như ông Simôn. Lời đề nghị đó, vì thế, bao hàm một đòi hỏi ông Simôn và các bạn ông phải từ bỏ chính mình, từ bỏ kinh nghiệm của mình, từ bỏ những hiểu biết của mình. Các ông được mời gọi chỉ dựa vào lời của Đức Giêsu mà thôi.
Dù sao, sau khi trình bày hoàn cảnh, ông Simôn cũng đã lấy một quyết định rất quan trọng: “Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” (c.5b). Quả thực ông Simôn rất liều lĩnh, nhưng ông không hề mù quáng và thiếu suy nghĩ như nhiều người có thể nghĩ. Thật ra, ông đã từng được chứng kiến quyền năng của Đức Giêsu khi Người làm cho bà mẹ vợ của ông khỏi sốt (4,38-39). Bây giờ ông liều “vâng lời Thầy”, nhưng là liều trong lòng tin vào lời của Thầy và vào quyền năng của Thầy.
Vậy ông Simôn và các bạn ông đã quyết định làm theo lời đề nghị của Đức Giêsu cho dù lời đề nghị ấy có vẻ… không bình thường. Và phép lạ đã xảy ra: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm” (cc. 6-7).
“Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới chân Đức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (c.8).Nơi sự hiện diện của Đức Giêsu, ông Phêrô trải nghiệm sự gần gũi đến như sờ đụng được của chính Thiên Chúa siêu việt. Ông sấp mình dưới chân Đức Giêsu trong tư thế của một hành vi thờ phượng, và ông thưa “Lạy Chúa”. Rồi ông xưng nhận sự bất xứng của mình: “Xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi”. Ta gặp thấy ở Phêrô trong trình thuật này kinh nghiệm và phản ứng của Môsê, của Isaia… trong các cuộc thần hiện xưa kia.
Có lẽ sẽ là không chính xác nếu hiểu lời tế nhận của ông Phêrô “con là kẻ tội lỗi” (c. 8b) chỉ theo nghĩa luân lý, như là lời xưng thú của một tội nhân trước Nhan Thiên Chúa. Thật ra, lời nói ấy của ông Phêrô trước hết nhắm nhấn mạnh khoảng cách lớn lao giữa con người với Thiên Chúa. Và khi đặt lời xưng nhận chân thật của ông Phêrô (“con là kẻ tội lỗi” – c.8b) với lời mời gọi rõ ràng của Đức Giêsu (“từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”– c.10b), chúng ta có thể nói: ông Phêrô sẽ không thực hiện nhiệm vụ của mình dựa trên phẩm chất con người của ông. Và cũng như Phêrô, toàn Hội Thánh mà ông lãnh đạo cũng sẽ không dựa trên khả năng và sự xứng đáng phàm nhân để thi hành sứ mạng thừa sai của mình.
Cùng với Phêrô, các bạn đồng nghiệp của ông cũng kinh ngạc và sợ hãi trước những gì đang diễn ra. “Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh ngạc như vậy” (cc.9-10a). Đó là phản ứng bình thường của người ta sau khi chứng kiến các phép lạ Chúa Giêsu thực hiện.
“Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”(c.10b). Sự can thiệp của Đức Giêsu lúc này đã được tường thuật theo đúng kiểu cách của những gì thường được kể lại trong các trình thuật về các cuộc thần hiện: sau phép lạ và sau lời tuyên xưng của ông Phêrô, Đức Giêsu nói với ông “Đừng sợ!”. Đoạn Người công bố sứ mạng của Phêrô: “Từ nay anh sẽ là người thu phục người ta”. Đây không phải là một lệnh truyền, mà là một lời ngôn sứ đầy hiệu năng. Lời này loan báo sứ mạng tương lai của ông Phêrô nhưng có tác động khiến ông Phêrô, ngay từ bây giờ, đã trở nên một con người mới và sống một cuộc sống mới: “Họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người” (c.11).
Phép lạ thứ hai và là phép lạ lớn lao hơn, đã xảy ra một cách thật kỳ diệu: phép lạ biến những chàng trai chài lưới thành đồ đệ của Đức Giêsu và làm cho họ trở thành những người thu phục cả trần gian về cho Thiên Chúa.
Giuse Nguyễn Thể Hiện