Vấn đề di cư vì biến đổi khí hậu: Caritas Pháp kêu gọi “bảo vệ nhân quyền”

Khi Châu Âu chia rẽ về chính sách di cư của mình, Secours Catholique tập trung vào một thách thức khác, trong báo cáo được công bố vào ngày 21 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: ANDREW CABALLERO-REYNOLDS/AFP)

Khi Châu Âu chia rẽ về chính sách di cư của mình, Secours Catholique tập trung vào một thách thức khác, trong báo cáo được công bố vào ngày 21 tháng 9 năm 2023 (Ảnh: ANDREW CABALLERO-REYNOLDS/AFP)

Vào thời điểm Châu Âu đang bị chia rẽ về chính sách di cư của mình, ‘Secours Catholique’ (Caritas Pháp) đang tập trung vào vấn đề di cư vì lý do môi trường.

Trong số hàng ngàn người di cư đến đảo Lampedusa của Ý trong những tuần lễ gần đây, có bao nhiêu người phải rời bỏ nhà cửa vì tình trạng suy thoái môi trường? Hiện tượng thời tiết cực đoan? Mặc dù rất khó để đưa ra câu trả lời vì có vô số lý do để ra đi, nhưng yếu tố môi trường chắc chắn là một trong những thách thức chính đối với vấn đề di cư hiện đại.

Ba trường hợp nghiên cứu tình huống

Trong một báo cáo về vấn đề “di cư vì môi trường”, được công bố vào ngày 21 tháng 9, ‘Secours Catholique’ (Caritas Pháp) đã đưa ra đánh giá đáng báo động về tình hình, dựa trên ba nghiên cứu tình huống ở Bangladesh, Senegal và Honduras, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động ủng hộ “nhân quyền”.

Thông điệp này đã được Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại trong chuyến viếng thăm Marseille, từ ngày 22 đến 23 tháng 9. Tại lễ bế mạc Rencontres Méditerranéennes ở Marseille, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi một “hành động của lương tâm để ngăn chặn sự thất bại hoàn toàn của nền văn minh”. Trước mặt Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Đức Thánh Cha đã kêu gọi “việc tiếp nhận hợp pháp và thường xuyên” số lượng lớn những người di cư, và đồng thời chỉ trích mô hình đồng hóa đối với người nước ngoài.

Những thảm họa tái diễn

Hãy lấy ví dụ về khu vực Koyra Upazila, một vùng ven biển ở phía tây nam Bangladesh, được nghiên cứu bởi Secours Catholique. Trong những năm gần đây, lốc xoáy ngày càng thường xuyên và dữ dội đã phá hủy đê điều bảo vệ các khu dân cư, khiến mực nước dâng cao nhiều lần.

Mỗi lần như vậy, lũ lụt lại ập đến tàn phá toàn bộ ngôi làng, bao gồm cả cánh đồng và nguồn dự trữ nước ngọt. Những thảm họa bất ngờ như vậy còn có tác động lâu dài, chẳng hạn như sự xâm nhập mặn vào đất đai làm giảm năng suất nông nghiệp.

Di cư quốc tế vẫn là một hiện tượng thiểu số

Sự tích tụ của những vấn đề này đang buộc người dân lâm vào cảnh nợ nần và sau đó phải di cư. Ở khu vực này, 70% những người được hỏi đã rời quê hương, đại đa số đến một khu vực khác của đất nước. Di cư quốc tế vẫn là một hiện tượng thiểu số, với 16% số người được khảo sát đã rời Bangladesh.

“Ban đầu, cư dân tìm cách ở lại hoặc quay trở lại nơi xuất phát của họ. Đặc biệt là khi các sự kiện tái diễn hoặc thiệt hại không thể khắc phục được thì họ quyết định rời đi vĩnh viễn”, Secours Catholique lưu ý. Ở Honduras, bị ảnh hưởng bởi tình trạng lũ lụt nghiêm trọng, và ở Senegal, bị ảnh hưởng bởi xói mòn bờ biển và việc đánh bắt quá mức, nguyên nhân khác nhau, nhưng lý do di cư thì giống nhau.

“Nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng tình dục và bất an”

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Secours Catholique đặc biệt chú trọng đến tính chất dễ bị tổn thương mà những người phải di dời phải đối mặt. Vì viện trợ khẩn cấp “thường khác nhau và không đồng đều”, hiệp hội này nhận thấy rằng hầu hết những người phải di dời đều phải tự lo cho bản thân, phải rời bỏ quê hương và đôi khi mắc nợ nần.

“Làm việc trong một khu vực kinh tế khác và ở một khu vực khác thường đồng nghĩa với việc chỉ nhận một công việc được trả lương thấp, khiến mọi người có nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng tình dục và bất an”, báo cáo giải thích.

Nghiên cứu này hoàn toàn phù hợp với sự đồng thuận khoa học. Trong báo cáo tháng 3 năm 2023, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) xác nhận rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan, gia tăng do biến đổi khí hậu, đang làm gia tăng sự di dời dân số.

Trung tâm Giám sát Di tản Nội bộ (IDMC), một trung tâm chuyên môn trực thuộc Hội đồng Người tị nạn Na Uy, đã xác nhận xu hướng này. Trong năm 2022, khoảng 32 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong những khoảng thời gian khác nhau do các yếu tố môi trường. Đây là con số cao nhất trong thập kỷ, đánh bại kỷ lục 31 triệu người phải di tản vào năm 2020.

Tầm quan trọng của “quyền ở lại”

Đối mặt với những thách thức này, hiệp hội Công giáo đã vạch ra một số đường hướng đã được ủng hộ trong giới pháp lý, chẳng hạn như việc đưa ra các thỏa thuận khu vực quản lý việc di chuyển. Secours Catholique cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của “quyền ở lại”, đồng thời kêu gọi các cơ chế can thiệp mạnh mẽ hơn và “đa dạng hóa các phương tiện sinh kế” trong dài hạn.

Cuối cùng, Secours Catholique kêu gọi hành động nhằm giải quyết “các nguyên nhân” của vấn đề biến đổi khí hậu, bằng cách “hạn chế mạnh mẽ lượng khí thải nhà kính” và ngăn chặn “sự cướp bóc các hệ sinh thái”.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết