Vấn đề cai nghiện và sự “vô minh” của giới hữu trách

Điều tra của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch) về tình hình và hiệu quả của việc cai nghiện ma tuý, trong các trung tâm cưỡng bức cai nghiện tại Việt Nam, trình bày trong bản báo cáo tháng 9/2011, có tên Quần Đảo Cai Nghiện, cho biết: “Lao động cưỡng bức và hành hạ thân thể không phải là sản phẩm phụ của quy trình cai nghiện ma túy ở Việt Nam. Ngược lại, chúng là cốt lõi của phương thức hoạt động của các trung tâm.”Bản đồ các trung tâm cai nghiện TPHCM

Kết quả: “chính quyền Việt Nam và cộng đồng quốc tế đều ghi nhận rằng hệ thống quản chế và cưỡng ép lao động trong các trung tâm không phải là biện pháp cai nghiện hữu hiệu. Tỷ lệ tái sử dụng ma túy sau khi “cai” trong các trung tâm được báo cáo ở mức từ 80 đến 97 phần trăm”.

Từ đó, tổ chức HRW đã đưa ra một số khuyến nghị, mà sau đó qua nhiều kênh, quốc tế đã gây sức ép buộc nhà cầm quyền Việt Nam thực hiện. Trong đó, có hai khuyến nghị đáng chú ý sau:

  • Đóng cửa vĩnh viễn các trung tâm cai nghiện tập trung.
  • Gia tăng khả năng tiếp cận các chương trình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, và đảm bảo các quy trình cai nghiện đó phù hợp với yêu cầu y tế và các tiêu chuẩn quốc tế.

Với một con số không to tướng trong sự hiểu biết về kiến thức y học, các nhà quản lý thuộc hệ thống cầm quyền Việt Nam, điều hành các bộ phận liên quan đến vấn nạn “người nghiện ma tuý”, coi việc nghiện ma tuý là một tệ nạn xã hội, thay vì một dạng bệnh mãn tính. Và với một con số không còn to hơn nữa trong sự hiểu biết về phẩm giá con người, họ dùng những biện pháp cưỡng bức, hành hạ để trừng phạt người nghiện. Bất chấp sự góp ý, ngăn cản của các chuyên gia phát triển cộng đồng như Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh, ngay từ những ngày đầu dự định thành lập các trung tâm.

Sau khi bị sức ép của các tổ chức quốc tế, để đổi lấy những thuận lợi nào đó, ngày 1/1/2014, VN chính thức thay đổi luật. Một người chỉ bị bắt buộc đi cai nghiện khi có quyết định của toà án. Họ bắt đầu không dùng từ “tệ nạn xã hội” để chỉ người nghiện, và bắt đầu dùng từ “chữa bệnh” cho người nghiện.

Tuy nhiên, các chương trình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng đều thất bại, hoặc không hề có, bởi lẽ làm gì có nhân viên có chuyên môn, chưa nói đến biết bao nguyên nhân bất ổn khác của xã hội đang ngày càng đẩy con người vào sự vô vọng. Do đó, số người nghiện ngày càng tăng lên, các hậu quả như cướp giật để có tiền mua ma tuý tăng lên theo, làm cuộc sống xã hội trở nên bất an, cũng như mất thành tích của các địa phương.

Mọi sự lại xoay vòng về như cũ.

Sau thời gian tiếp xúc với thế giới văn minh, kiến thức về y tế có thể họ đã biết nhưng “phẩm giá con người” là điều quá trừu tượng, có lẽ vẫn còn quá khó hiểu đối với các quan chức, 

Tháng 9/2014, thành phố Đà Nẵng bắt đầu lách luật bằng quy định gọi là “có sáng tạo” (như họ tự ca ngợi). Các ngành: Tư pháp, Công an, Lao động – Thương binh – Xã hội của các quận, huyện trong vòng 3 ngày phải thống nhất lập hồ sơ, chuyển qua tòa án. Sau đó, trong vòng 3 đến 5 ngày, tòa án ra quyết định về việc đưa người nghiện vào cai nghiện tập trung hay không. Nghĩa là quy trình chỉ trong vòng 1 tuần là “giải quyết dứt điểm” nguyên nhân gây mất thành tích “thành phố không có người nghiện ma tuý”. Dù biết làm thế là không đúng luật.

Tại tp HCM, trước ngày 24/3/2016, cũng lách luật theo kiểu, chỉ thí điểm, đưa người nghiện không có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện, “chữa bệnh” bắt buộc. Đối tượng nghiện hút có nơi cư trú ổn định chỉ lập hồ sơ quản lý, theo dõi, cho phép thực hiện cai nghiện tại nhà. Nhưng ngày 24/3/2016, Công an tp HCM đã đề xuất bắt buộc cả người nghiện có nơi cư trú ổn định đi cai nghiện, “chữa bệnh”. Vì theo họ, “trong số tội phạm cướp giật bị bắt vừa qua, người nghiện có nơi cư trú ổn định chiếm tỷ lệ cao”.

Tội phạm là tội phạm. Tội phạm thì bị bắt và xử lý theo luật công dân phạm tội. Còn người nghiện là người bệnh. Nhưng ở Việt Nam, do nhận thức của quan chức về Phẩm giá con người, kéo theo là Quyền con người không có, nên các giải pháp đưa ra luôn luôn rất nhất quán, rất thống nhất: Dùng bạo lực cưỡng bức, giam cầm. Để tưởng như vấn đề đã giải quyết, để giấu đi hình ảnh tiêu cực của xã hội.

Như thế, làm sao vấn đề được giải quyết?! Giam cầm vài năm rồi cũng phải thả ra, thả ra người nghiện vẫn hoàn nghiện, còn có nhiều khả năng thêm phần ác hơn, vì bị cư xử bạo lực, bóc lột trong trại cai nghiện.

Số liệu năm 2015, của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm, cho biết số người nghiện ma túy trong cả nước hiện nay là 204.000 người, vẫn đang tăng, bình quân tăng khoảng 6%/năm.

Như vậy, một trong các nguyên nhân làm các quan chức phải quay lại phương cách lạc hậu, kém văn minh cũ chính là thiếu người có chuyên môn (thực sự) tiếp tay hỗ trợ, trị liệu cho người bệnh nghiện.

Trong khi thật ra, xã hội không hề thiếu nguồn nhân lực chuyên môn đó. Nhưng chỉ vì sự cấm cản một cách phi lý của nhà cầm quyền mà nguồn nhân lực to lớn ấy phải thúc thủ. Đó là nguồn nhân lực từ bi, chuyên nghiệp, đầy tinh thần trách nhiệm của các tôn giáo.

Bao giờ nhà cầm quyền bớt đi chất “vô minh”, khi ấy họ sẽ hiểu rằng cần phải trả lại cho các tôn giáo quyền tự do tham gia vào việc xây dựng xã hội, xây dựng cộng đồng. Lúc ấy họ mới tìm ra giải pháp thực sự để giải quyết vấn đề.

Thuận Kiệt

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết