Không ai, kể cả Đức Giáo hoàng, có thẩm quyền thay đổi cơ cấu nền tảng của Giáo hội do Chúa Kitô thiết lập.
Thật thú vị khi biết rằng Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô gần đây đã thuê hai người phụ nữ làm thành viên của La Fabbrica di San Pietro (Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô), lần đầu tiên kể từ khi tổ chức chịu trách nhiệm bảo tồn Vương cung Thánh đường được thành lập cách đây hơn 500 năm.
Kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô nhậm chức vào năm 2013, tỷ lệ phụ nữ làm việc tại Vatican đã tăng từ 19,2% lên 23,4. Hiện nay có 812 phụ nữ làm việc trong Giáo triều Rôma trong số 3.114 nhân viên, tăng sự hiện diện của phụ nữ lên gần như cứ 4 người thì có 1 phụ nữ.
Nữ tu Alessandra Smerilli Dòng Salêdiêng giữ chức vụ Tổng thư ký, chức vụ cao nhất mà một phụ nữ từng nắm giữ tại Tòa Thánh. Đáng chú ý, có 5 phụ nữ giữ chức Phó Tổng thư ký.
Giáo Hội thường được gọi là Mẹ Giáo Hội vì Giáo Hội được coi như người mẹ thiêng liêng của các thành viên, là Hiền thê của Chúa Kitô và được coi là mẹ của các tín hữu. Tại mỗi Giáo phận, Nhà thờ Chính Tòa là nơi thờ phượng chính của các Kitô hữu và được coi là nhà thờ “mẹ” của Giáo phận đó.
Giáo hội Công giáo đã công nhận nhiều vị thánh nữ nổi bật. Thân Mẫu của Chúa Giêsu là người đứng đầu trong số đó vì vai trò của Mẹ là Đấng đồng công cứu chuộc trong mối liên hệ với Chúa Kitô.
Ngoài ra, Giáo hội còn có 4 nữ Tiến sĩ của Giáo hội: Thánh Têrêsa Avila, Thánh Catarina Siena, Thánh Têrêsa Lisieux và Thánh Hildegard Bingen. Ngoài ra, hàng trăm phụ nữ đã được tuyên phong hiển thánh, phục vụ như những mẫu mực về sự thánh thiện và phản ánh sự hiện diện của Thiên Chúa trên thế giới.
Hàng triệu phụ nữ vô danh hoặc bị lãng quên cũng đã biến đổi gia đình và cộng đồng thông qua chứng tá của họ. Vô số phụ nữ tiếp tục phục vụ Giáo hội với tư cách là tu sĩ, giáo dân thánh hiến, giáo dân thừa sai, người cắm hoa, giáo lý viên, người coi phòng áo và trong nhiều vai trò khác nhau trong Giáo xứ.
Phụ nữ không được truyền chức
Trong các cuộc thảo luận thế tục cũng như giữa một số người Công giáo có thiện chí, câu chuyện mặc định về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội thường coi đó là pháo đài của sự khinh thường phụ nữ.
Quan điểm này được thúc đẩy bởi các vụ bê bối bởi hàng giáo sĩ, số lượng giáo dân đến nhà thờ giảm sút, các vấn đề về uy tín lịch sử và Kinh Thánh cũng như sự trì trệ được nhận thấy trong tư tưởng tiến bộ.
Giải pháp được đề xuất thường phản ánh các giáo phái Anh giáo và Lutheran bằng cách ủng hộ việc truyền chức Linh mục và Giám mục cho phụ nữ trong khi hạn chế vai trò của phụ nữ trong Giáo hội chỉ ở lĩnh vực mục vụ.
Một số người cho rằng phụ nữ sẽ làm Linh mục tốt hơn vì họ có vẻ phù hợp hơn với việc chăm sóc mục vụ và có xu hướng cảm thông hơn trong Tòa giải tội. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là ai sẽ làm Linh mục tốt hơn, mà là Chúa Giêsu dự định điều gì.
Tuy nhiên, Bí tích Truyền Chức Thánh, bao gồm việc giảng dạy, thánh hóa và điều hành, luôn được dành riêng cho nam giới, theo gương Chúa Kitô và họt động tông đồ.
Trong bữa ăn mừng Lễ Vượt Qua (Mt 26:17-30), Chúa Giêsu đã cắt cử 12 người đàn ông làm Tông đồ và không đưa ra những chỉ dẫn tương tự cho phụ nữ trong Tin Mừng về việc rửa tội, xức dầu cho bệnh nhân, thánh hiến Thánh Thể hay tha tội. Với địa vị là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu có quyền lựa chọn làm như vậy, nhưng Ngài đã chọn không làm vậy, mặc dù các Tin Mừng ghi lại thừa tác vụ của một số phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu và trợ giúp Ngài, bao gồm Maria Magdalene, Joanna, Susanna, và “nhiều phụ nữ khác” (Lc 8:2-3).
Không có phụ nữ nào có mặt trong Bữa Tiệc Ly. Việc chuẩn bị Lễ Vượt Qua là do các môn đệ là nam giới thực hiện. Mặc dù truyền thống Do Thái nhấn mạnh vai trò quan trọng của các bà mẹ và trẻ em trong việc chuẩn bị Lễ Vượt Qua, nhưng không có phụ nữ nào hiện diện tại bàn tiệc.
Một số người lập luận rằng Chúa Giêsu có thể đã bị ràng buộc bởi phong tục thời đó hạn chế quyền lực đối với nam giới, nhưng điều này đã bỏ qua khuôn mẫu phá vỡ các rào cản văn hóa của Ngài.
Chúa Giêsu đã trò chuyện với một người phụ nữ Samaritan bất chấp những điều cấm kỵ của xã hội, chọn Maria Magdalene làm người môn đệ thân thiết và là nhân chứng đầu tiên cho sự Phục sinh, đồng thời can thiệp để cứu một người phụ nữ khỏi bị ném đá.
Chúa Giêsu liên tục thách thức các chuẩn mực xã hội, cho thấy rằng nếu Ngài có ý định cắt cử phụ nữ vào chức Linh mục, thì Ngài sẽ làm như vậy, bất chấp những kỳ vọng về văn hóa.
Khái niệm nữ giáo sĩ tồn tại trong các tôn giáo vào thời và văn hóa của Chúa Giêsu, mặc dù không có trong Do Thái giáo. Nếu Chúa Giêsu muốn phụ nữ trở thành Linh mục, thì Đức Maria, Mẹ của Ngài, sẽ là một ứng cử viên lý tưởng, có thể đọc lời truyền phép: “Này là Mình Thầy. Này là Máu Thầy”.
Liệu Giáo hội có thể thay đổi quan điểm của mình?
Thậm chí ngay cả sau 2.000 năm, không ai, kể cả Đức Giáo hoàng, có thẩm quyền thay đổi cơ cấu nền tảng của Giáo hội mà Chúa Kitô đã thiết lập (GLCG 1547).
Điều đó có nghĩa là Giáo hội không thể thay đổi các thành phần cốt lõi của các Bí tích hoặc kho tàng đức tin. Ví dụ, Bí tích Rửa tội phải liên quan đến nước, chứ không phải rượu, và việc truyền phép bất cứ thứ gì khác ngoài bánh trong Thánh lễ đều khiến Bí tích trở nên vô hiệu. Tương tự như vậy, vì các Linh mục hành động nhân danh Chúa Kitô, đại diện cho Chúa Giêsu Kitô, nên Giáo hội không thể ban các Bí tích cho những cá nhân không thể thực thi vai trò này với tư cách là đại diện nam giới của Chúa Kitô.
Năm 1994, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên bố dứt khoát rằng: “Giáo huấn rằng việc truyền chức Linh mục chỉ dành riêng cho nam giới đã được bảo tồn bởi Truyền thống liên tục và phổ quát của Giáo hội và được Huấn quyền giảng dạy một cách kiên quyết. Bất chấp sự tranh luận ở một số nơi, phán quyết của Giáo hội rằng phụ nữ không thể được truyền chức không chỉ mang tính kỷ luật. Vì vậy, để loại bỏ mọi nghi ngờ về vấn đề cực kỳ quan trọng liên quan đến thiết chế thiêng liêng của Giáo hội, tôi tuyên bố, trong vai trò củng cố các huynh đệ, rằng Giáo hội không có thẩm quyền truyền chức Linh mục cho phụ nữ. Phán quyết này mang tính dứt khoát và ràng buộc đối với tất cả mọi tín hữu” (Ordinatio Sacerdotalis 4).
Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông Huấn ‘Evangelii Gaudium’ (Niềm vui Tin Mừng), đã tái khẳng định điều tương tự: “Giáo hội không coi mình có thẩm quyền thừa nhận phụ nữ được truyền chức Linh mục. Giáo huấn này không được đưa ra để thảo luận, vì nó bắt nguồn từ sự hiểu biết của Giáo hội về chức Linh mục như một sự tham gia vào chức Tư tế vĩnh cửu của Chúa Kitô”.
Làm nổi bật vai trò của phụ nữ
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Tạp chí America, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại rằng phụ nữ không thể được truyền chức Linh mục nhưng đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của họ trong Giáo hội. Khi phóng viên Kerry Weber hỏi về việc phụ nữ cảm thấy được kêu gọi trở thành Linh mục mặc dù phục vụ trong những cương vị khác, Đức Thánh Cha giải thích một cách kiên quyết: “Tại sao một phụ nữ không thể được truyền chức Linh mục? Đó là vì Nguyên tắc Phêrô không cho phép điều đó”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thảo luận về “Nguyên tắc Maria”, nhấn mạnh cách thức phẩm giá của phụ nữ được phản ánh trong bản chất phu thê của Giáo hội. Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh sự cần thiết phải khám phá thần học sâu hơn về nguyên tắc này và ủng hộ việc tạo nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ trong các vai trò về mặt hành chính trong Giáo hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng thừa nhận sự cần thiết phải tạo ra “những cơ hội rộng rãi hơn cho sự hiện diện sâu sắc hơn của phụ nữ trong Giáo hội”. Thông qua “Motu Proprio”, ngài đã sửa đổi Điều 230§1 của Bộ Giáo luật cho phép phụ nữ được tiếp cận với Thừa tác vụ Đọc sách và Giúp lễ.
Phụ nữ có thể trở thành Phó tế không?
Trong chương trình đặc biệt của CBS vào ngày 20 tháng 5, người phỏng vấn Norah O’Donnell đã hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô về khả năng phụ nữ phục vụ với tư cách là Phó tế.
Đức Thánh Cha trả lời: “Nếu đó là các Phó tế với chức thánh thì câu trả lời là ‘không’”, ám chỉ Bí tích mà các Phó tế, Linh mục và Giám mục được truyền chức cho các Thừa tác vụ tương ứng của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô thừa nhận vai trò mang tính lịch sử của phụ nữ trong các nhiệm vụ giống như các nữ Phó tế và ngài sẵn sàng nghiên cứu ý tưởng về phụ nữ với tư cách là Phó tế. Tuy nhiên, nhiệm vụ này sẽ không có chức thánh. Mặc dù chức Phó tế dành cho phụ nữ không được đưa ra thảo luận tại Thượng Hội đồng về Hiệp hành lần thứ hai, chủ đề này sẽ được đưa vào nghiên cứu của Vatican về vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Giáo hội đề cao chức tư tế cộng đồng (baptismal priesthood) được chia sẻ bởi tất cả các tín hữu, tạo cơ sở cho nhiều “thừa tác vụ không do chức thánh [hoặc giáo dân]” dành cho cả nam lẫn nữ. Nó khẳng định rằng phụ nữ không thể được truyền chức Linh mục nhưng đánh giá sâu sắc những đóng góp không thể thiếu của họ và “thiên tài nữ tính” trong Giáo hội.
Tuy nhiên, Giáo hội thừa nhận rằng chức tư tế thừa tác là “một sự phục vụ dân Chúa” chứ không phải là vấn đề quyền bính hay thống trị. Khía cạnh quan trọng của chức Linh mục là quyền cử hành các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, là “nguồn gốc thẩm quyền của chức Linh mục”.
Lavoisier Fernandes
**Lavoisier Fernandes là một nhà báo sinh ra và lớn lên ở London, Ấn Độ. Ông viết về các vấn đề liên quan đến thần học và Triều đại Giáo hoàng, đồng thời tổ chức các podcast trên đài phát thanh Công giáo. Quan điểm thể hiện trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm biên tập chính thức của UCA News.
Minh Tuệ (theo UCA News)