Giáo Hội Công giáo trong bối cảnh giáo dục ở nước ta
1. Chính mục tiêu: “Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.” (Điều 2 Luật Giáo dục) đã là nguyên nhân của những bất cập, yếu kém của ngành Giáo dục nước nhà từ cách đây nhiều chục năm đến nay.
2. Xã hội hóa giáo dục được hiểu là huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia vào công việc giáo dục. Điều này ở các nước dân chủ thật sự được luật hóa như một quyền, bổn phận, trách nhiệm của mọi thành phần, tổ chức trong xã hội; trong khi đó ở nước ta, mặc dầu có chủ trương xã hội hóa giáo dục nhưng các tổ chức tôn giáo “chưa được tham gia, cánh cửa giáo dục vẫn còn khép chặt: tôn giáo chỉ có quyền mở trường tư thục cấp mẫu giáo. Dù vẫn không ngừng nỗ lực làm tất cả những gì được phép để thể hiện sứ mệnh nhập thế, như mở lớp tình thương, lập quỹ học bổng cho học sinh nghèo hoặc khuyết tật. Giáo Hội Công giáo, với tư cách là tổ chức tôn giáo, đành phải đứng bên lề sự nghiệp giáo dục của xã hội Việt Nam và, vì không có quyền nhập cuộc, đành đóng vai một quan sát viên bất đắc dĩ” (HĐGMVN,Thư Mục vụ 2007, số 19).
3. Với sứ mạng “lên đường dạy dỗ muôn dân”, Giáo Hội chính là người Mẹ “săn sóc toàn diện đời sống con người, kể cả đời sống trần thế, trong mức độ liên hệ với lời mời gọi của Thiên Chúa. Giáo Hội thông phần vào việc mở mang và phát huy nền giáo dục” sao cho mọi người được hưởng một nền giáo dục xứng hợp với nhân phẩm của mình (Tuyên Ngôn Giáo dục, lời mở đầu, số 2).
4. Hội đồng Giám mục Việt Nam, từ năm 2007 đã đặt ra vấn đề Giáo dục Kitô giáo với mục tiêu không chỉ là rèn luyện nhân cách con người thành hữu ích đối với bản thân, gia đình và xã hội, mà còn là giúp con người sống xứng đáng với tư cách con Thiên Chúa (HĐGMVN, Thư Mục vụ 2007, số 3).
Khi mà Giáo Hội chưa được phép tham gia trực tiếp vào lĩnh vực giáo dục, HĐGMVN mời gọi những người có trách nhiệm giáo dục, mọi Kitô hữu Việt Nam, đặc biệt là các bậc cha mẹ trong gia đình thực hiện những Huấn giáo sau đây như là phương thế bổ khuyết cho giáo dục của nhà trường hiện nay.
Huấn giáo của Giáo hội Công giáo Việt nam về giáo dục của gia đình
1. Vai trò: Xét về cơ cấu, gia đình là thành phần của Giáo Hội và xã hội; xét về giáo dục, gia đình là mái trường đầu tiên, trong đó cha mẹ là người thầy đầu tiên và không thể thay thế. Do đó giáo dục của gia đình là rất quan trọng và cần thiết, tạo tiền đề cho việc phát triển nền giáo dục nói chung. Nếu nền tảng gia đình được củng cố chắc chắn, Giáo Hội và xã hội tương lai sẽ phồn thịnh và phát triển.
2. Nội dung giáo dục của gia đình: Chúng ta biết rằng, ngoài việc cung cấp những kiến thức khoa học qua các môn học, nhà trường ở nước ta hầu như không quan tâm đến việc giáo dục đạo đức làm người cho học sinh, có chăng là đạo đức theo nghĩa “sống và làm việc theo luật pháp”, “chấp hành nghiêm mọi chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước”. Nội dung giáo dục đạo đức phiến diện và cả sai lầm này (chấp hành đường lối của Đảng!) là nguyên nhân của bao hệ lụy xã hội như tham nhũng, phá thai, giết người, trộm cướp, ly hôn, vô cảm, dửng dưng trước những khổ đau của người khác, …
Không thể có những con người đúng nghĩa là người được đào tạo nên từ những nhà trường Xã hội chủ nghĩa việt Nam. Bởi thế, những bậc làm cha mẹ trong gia đình, cách riêng trong gia đình Công giáo, phải quan tâm đến việc giáo dục đức tin, đức ái, lương tâm ngay chính, nhân bản, tôn trọng và bảo vệ sự sống, … cho con em mình. Thư Mục vụ của HĐGMVN, 2008, số 14-18, nhắc rằng:
– Giáo dục đức tin sẽ tạo nơi các em một nền tảng giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này.
– Giáo dục đức ái phải đi đôi với giáo dục đức tin. Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội.
– Giáo dục lương tâm ngay chính và đời sống nội tâm sâu xa là yếu tố căn bản cho sự bền vững và phát triển của xã hội. Những hoạt động xã hội, văn hoá, chính trị đều phải xây dựng trên lương tâm ngay chính mới mang lại hiệu quả tích cực. Gia đình là môi trường quan trọng và không thể thay thế cho việc huấn luyện này. Người cha người mẹ chính là những nhà huấn luyện lương tâm cho thế hệ tương lai. Dân tộc và Giáo Hội Việt Nam trong tương lai sẽ ra sao nếu thế hệ hôm nay bàng quan nhắm mắt trước sự man trá, lừa lọc?
– Giáo dục các đức tính nhân bản như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ, … để thành “người”. Giáo dục nhân bản còn nhằm huấn luyện con người có trách nhiệm đối với tha nhân và công ích, góp phần bảo vệ và phát triển cuộc sống xã hội, tôn trọng thiên nhiên, cổ võ những hoạt động bác ái.
– Giáo dục con cái biết tôn trọng, bảo vệ sự sống vì sự sống của con người là thánh thiêng, nó mang tính bất khả xâm phạm được khắc ghi trong lòng người, trong lương tâm con người (Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 40). Sự sống là ân ban của Thiên Chúa, là vốn quý giá nhất của đời người, nên ‘Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối từ giây phút thụ thai (Sách GLGHCG, số 2270).
Tạm kết
Là những bậc làm cha mẹ, chúng ta chịu trách nhiệm về tương lai của những thế hệ con cháu, tương lai ấy không phải chỉ ở học vị, danh vọng, giàu sang, … trong xã hội mà chúng có trở nên “người” và con cái Chúa hay không?
Trong lúc này, biết rõ những thiếu sót của giáo dục nhà trường, hỗ trợ và bổ sung bằng sự giáo dục của gia đình theo huấn giáo của Giáo Hội là bổn phận, trách nhiệm của những bậc làm cha mẹ.
Chúng ta không thể khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường.
An Phúc