Vắc xin Covid-19 không được trở thành đặc quyền của người giàu

Một lọ vắc xin COVID-19 của BioNTech và Pfizer. Anh Quốc đã cho phép sử dụng vắc-xin COVID-19 vào ngày 2 tháng 12, bật đèn xanh cho mũi tiêm đầu tiên được hỗ trợ bởi đánh giá khoa học nghiêm ngặt. (Ảnh CNS / Tài liệu phát tay BioNTech SE 2020 qua Reuters)

Một lọ vắc xin COVID-19 của BioNTech và Pfizer. Anh Quốc đã cho phép sử dụng vắc-xin COVID-19 vào ngày 2 tháng 12, bật đèn xanh cho mũi tiêm đầu tiên được hỗ trợ bởi đánh giá khoa học nghiêm ngặt (Ảnh: CNS / Bản tin BioNTech SE 2020/ Reuters)

Các bản tin đầy khích lệ bắt đầu từ tháng 10 đã mang lại triển vọng được chào đón về một (hoặc một số) loại vắc xin hiệu quả cho Covid-19 trong năm tới. Đối với một quốc gia và một thế giới đã trở nên mệt nhoài sau gần một năm đại dịch vốn đã giết chết hàng triệu người trên toàn cầu và làm thay đổi cuộc sống của hầu hết mọi người trên hành tinh, bất kỳ tin tức nào về khả năng cứu trợ và sự trở lại trạng thái bình thường đều là một sự ảnh hưởng có tính chất lan tỏa về mặt tinh thần.

Không thể cung cấp vắc xin cho tất cả mọi người cùng một lúc, vì vậy bất kỳ chương trình tiêm chủng nào cũng sẽ phải được thông báo bởi một hệ thống được cân nhắc cẩn thận để phân phối vắc xin một cách hiệu quả và công bằng nhất có thể. Vì lý do đó, điều quan trọng là tất cả các cơ quan chính phủ phải làm việc thông qua những vấn đề hóc búa về luân lý trong việc phân phối vắc xin trước đó — và chuẩn bị để đưa ra các quyết định khó khăn.

Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển khác có thể bị cám dỗ để mua một lượng lớn các loại vắc-xin khác nhau hiện đang được sản xuất trên toàn thế giới cho công dân của họ, với cái giá phải trả là công dân của các quốc gia khác trên thế giới. Ở một mức độ nào đó, điều này đã xảy ra, với kết quả là cư dân của các quốc gia nghèo hơn có thể phải đợi đến năm 2023 hoặc 2024 mới có thể được tiêm phòng. Phần lớn thế giới không thể cạnh tranh với việc thu mua mạnh mẽ các loại vắc-xin mà chính quyền Trump đã thực hiện vào mùa hè này, bao gồm 300 triệu liều từ AstraZeneca, 100 triệu liều từ Moderna, 100 triệu liều từ Pfizer (với quyền tùy chọn thêm 500 triệu), 100 triệu liều từ Sanofi và GlaxoSmithKline (với quyền tùy chọn thêm 500 triệu) và 100 triệu liều từ Johnson & Johnson. Điều đáng chú ý là toàn bộ dân số của Hoa Kỳ là 330 triệu người. Nếu số lượng dư thừa không được chia sẻ với các quốc gia kém may mắn, hy vọng hỗ trợ tốt nhất của họ có thể đến từ các nguồn phi chính phủ như Quỹ Gates, tổ chức đã cam kết 70 triệu đô la cho các nỗ lực toàn cầu để phát triển và phân phối các loại vắc xin an toàn, giá cả phải chăng và kịp thời cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Tại Hoa Kỳ, thách thức sẽ chính là đảm bảo việc tiếp nhận vắc xin không trở thành đặc quyền của những người giàu có thay vì là quyền của tất cả mọi người. Trong khi nhiều công ty bảo hiểm đài thọ các xét nghiệm Covid-19, những ngày đầu của đại dịch đã chứng kiến sự thiếu hụt nghiêm trọng các trung tâm xét nghiệm và các bác sĩ lâm sàng sẵn có — ngoại trừ những người có đủ tài chính cần thiết để đến với một bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm với mức giá tăng đáng kể. Nhiều người cũng chứng kiến các nhà cung cấp dịch vụ chặt chém tính phí các công ty bảo hiểm của họ hàng nghìn đô la cho một xét nghiệm chẩn đoán Covid mà người ta thường ước tính có giá dưới 50 đô la. Trong thời kỳ xã hội bất ổn nghiêm trọng về các vấn đề liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các vụ vi phạm quyền công dân, đó quả là một ví dụ rõ ràng hơn về các cấu trúc xã hội bất công. Sẽ còn đặc biệt nghiêm trọng hơn nếu điều tương tự xảy ra với vắc-xin Covid-19, nơi hàng triệu người hiện đang sốt ruột chờ đợi sự cứu trợ y tế trong khi những người giàu có chỉ đơn giản là mua theo cách của họ để được chăm sóc sức khỏe.

Cũng cần phân bổ vắc xin theo nhu cầu và hiệu quả như là tiêu chí chính yếu. Mặc dù quy trình lựa chọn ngẫu nhiên có vẻ như công bằng nhất, nhưng nó không tính đến sự khác biệt đáng kể về mức độ rủi ro và phơi nhiễm — cũng như tầm quan trọng của việc giữ cho đội ngũ ứng cứu đầu tiên cũng như đội ngũ nhân viên y tế được khỏe mạnh, không chỉ vì lợi ích của họ mà còn vì lợi ích của những quần thể dễ bị tổn thương mà họ phục vụ. Tổ chức Y tế Thế giới đã thể hiện rõ quan điểm của mình rằng “một khi một loại vắc xin mới được phát hiện là an toàn và hiệu quả, sẽ ưu tiên những người có nguy cơ cao nhất, cũng như những người như các nhân viên y tế, những người có nhiều khả năng đóng vai trò là những trung gian truyền bệnh, là chính đáng”.

Một khi đội ngũ nhân viên tuyến đầu và đội ngũ các nhân viên y tế của chúng ta được tính đến, đội ngũ giáo viên và các nhân viên hỗ trợ giáo dục khác dường như là sự lựa chọn tự nhiên tiếp theo: Họ có nguy cơ cao, và họ là những người cần thiết cho nhiệm vụ quan trọng là đưa học sinh trở lại tình huống của việc học tập trực tiếp (face-to-face).

Nhưng sau khi những quần thể đó được tiêm chủng, các câu hỏi về luân lý trở nên hóc búa hơn. Ai sẽ là người nên được tiêm ngừa tiếp theo? Ai là người có nguy cơ cao nhất? Hay những người có kết quả mong đợi tốt nhất — tức là những người không mắc bệnh đi kèm và có cơ hội phát triển mạnh nhất? Chúng ta nên cảnh giác với việc áp dụng phép tính toán quá thực dụng vào việc phân phối vắc xin. Các phương pháp tiếp cận ưu tiên giúp đỡ những người sẽ đóng góp nhiều nhất, như những người lớn khỏe mạnh, tiến gần một cách nguy hiểm đến điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “văn hóa thải loại”, trong đó những người lớn tuổi, những người đau yếu bệnh tật, những nười khuyết tật và những người bị gạt ra bên lề xã hội bị coi như là người kém xứng đáng với các quyền con người của họ hơn những người khỏe mạnh, những người giàu có và những người có quan hệ tốt.

Một lý do khác để thực hiện các nguyên tắc đạo đức này trước là một số lựa chọn được thực hiện sẽ không được ưa chuộng. Ví dụ, các trường hợp nhiễm Covid-19 đang trở nên lan tràn trong số 2,3 triệu người bị giam giữ ở Hoa Kỳ. Trong trường hợp các tù nhân bị đưa ra thử nghiệm để tiêm vắc-xin, có thể sẽ có phản ứng dữ dội từ phía công chúng — nhưng mọi người có nên bị tước bỏ quyền cơ bản được chăm sóc sức khỏe chỉ vì họ bị giam giữ? Những người khác có nguy cơ cao là hàng chục nghìn người di cư không có giấy tờ và những người xin tị nạn bị giam giữ trong các nhà tù và trung tâm giam giữ bởi Cơ quan Thực thi Hải quan và Nhập cư Hoa Kỳ.

Cuối cùng, chúng ta đi đến câu hỏi về việc làm thế nào để thuyết phục một lượng lớn công chúng sử dụng vắc-xin. Không có khả năng chính phủ liên bang hoặc tiểu bang cố gắng bắt buộc việc tiêm phòng (mặc dù Tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết vào năm 1905 rằng việc làm như vậy không vi phạm Hiến pháp), nhưng các đơn vị xã hội nhỏ hơn – các trường học, bệnh viện, viện dưỡng lão, những người sử dụng lao động trong ngành dịch vụ — có thể tự nhận thấy mình ở vào tình thế khó xử khi cố gắng ép buộc việc tiêm phòng để bảo vệ đội ngũ nhân viên và khách hàng của chính họ. Quan điểm chống lại bất kỳ loại vắc-xin nào, chứ không chỉ riêng đối với loại vắc-xin nhắm vào coronavirus, khá phổ biến.

Trong một số trường hợp, sự phản kháng này là kết quả của thái độ không tin tưởng vì những sự tổn hại trong quá khứ mà các nhóm thiểu số phải gánh chịu nhân danh khoa học (bao gồm cả Nghiên cứu Tuskegee ô nhục). Những người khác đã đặt câu hỏi về tính luân lý của việc sử dụng các loại vắc-xin có nguồn gốc từ mô bào thai bị hủy bỏ (mặc dù các Giám mục Hoa Kỳ đã tuyên bố rằng việc tiếp nhận các loại vắc-xin như vậy là hoàn toàn phù hợp). Sự minh bạch về những lợi ích và hạn chế của các loại vắc xin là điều cần thiết để đạt được sự tin tưởng của xã hội. Thật không may, Tổng thống Trump, với việc phủ nhận mức độ nghiêm trọng của đại dịch và những nỗ lực liên tục của ông nhằm làm suy yếu W.H.O. và Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh, đã làm xói mòn thêm sự tin tưởng của xã hội vào khoa học bằng cách chính trị hóa nó.

Một cuộc thăm dò của Gallup từ tháng 8 cho thấy 35% người dân Mỹ sẽ từ chối chấp nhận thậm chí ngay cả một loại vắc xin miễn phí, được F.D.A. phê duyệt. Liệu có thể chấp nhận được về mặt đạo đức không khi yêu cầu nhân viên hoặc khách hàng chứng minh rằng họ đã được tiêm chủng? Đó có phải là phản ứng đạo đức khi tôn trọng quyền tự chủ cá nhân của họ? Trong trường hợp của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khi nào thiện ích chung lấn át quyền cá nhân?

Những câu hỏi như vậy giờ đây nghe có vẻ khó chịu nhưng vẫn tương đối trừu tượng. Chúng sẽ trở nên rắc rối nghiêm trọng nếu chúng ta bước vào giai đoạn tiêm chủng hàng loạt mà không nghĩ đến những hậu quả của chúng.

Minh Tuệ (theo America)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết