
Ủy ban Thần học Quốc tế đã phát hành một tài liệu mới liên quan đến vấn đề thành sự của hôn nhân Bí tích khi thiếu đức tin (Ảnh: Mike Crupi/ CNS)
Việc thiếu đức tin và sự hiểu lầm về hôn nhân có thể đồng nghĩa với việc không có cuộc hôn nhân mang tính Bí tích nào xảy ra, thậm chí ngay cả khi cả hai vợ chồng đã được rửa tội, một tài liệu mới cho biết.
Ủy ban Thần học Quốc tế, mà các thành viên được Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm, đã viết tài liệu này để trả lời các câu hỏi liên tục được nêu ra từ những năm 1970 và được giải quyết bởi Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Nguyên Giáo hoàng Benedicto XVI và Đức Đương kim Giáo hoàng Phanxicô.
“Ngày nay, có ‘những người không có đức tin được rửa tội’, và điều này đặt ra một vấn đề mới về thần học và một tình huống mục vụ khó xử nghiêm trọng, đặc biệt là khi sự thiếu đức tin, hay đúng hơn là từ chối đức tin, dường như là rõ ràng”, tài liệu cho biết.
Trong tài liệu “Tính hỗ tương giữa Đức tin và các Bí tích trong Nhiệm cục Bí tích”, các thành viên của Ủy ban thần học đã không đưa ra lời giải rốt ráo cho vấn đề thành sự của hôn nhân bí tích khi thiếu đức tin, nhưng họ đã nhấn mạnh rằng cần phải quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục người Công giáo về ý nghĩa của đức tin, tầm quan trọng của các bí tích và ý nghĩa của hôn nhân.
Tài liệu đã được Đức Hồng y Luis Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin chấp thuận, và việc xuất bản vào đầu tháng 3 đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô ủy quyền.
Hạn từ “tính hỗ tương” trong tiêu đề của tài liệu đề cập đến Giáo huấn của Giáo hội Công giáo rằng một người phải có một mức độ đức tin để được lãnh nhận thành sự các bí tích, đồng thời các bí tích củng cố và làm phong phú thêm đức tin.
Tài liệu không chỉ tập trung vào hôn nhân; nó cũng xem xét mối quan hệ giữa đức tin và bí tích Rửa Tội, bí tích Thêm Sức và bí tích Thánh Thể, và đồng thời lưu ý rằng, rõ ràng, việc thành sự của bí tích không bao giờ đòi buộc phải có đức tin trọn vẹn hay hoàn hảo. Đức tin là một thực tại tiến triển.
Ngoài ra, tài liệu cho biết, “các bí tích luôn được cử hành trong đức tin của Giáo hội kể từ khi được trao cho Giáo hội. Nơi mỗi Bí tích, đức tin của Giáo hội đi trước đức tin của cá nhân các tín hữu”.
Bởi vì đức tin của chính Giáo hội làm cho các bí tích thành sự, nên Giáo hội tin rằng “Đức tin cá nhân của các bên ký kết không cấu thành tính bí tích của hôn phối”.
Nhưng đồng thời, tài liệu cho biết, “sự thiếu vắng đức tin cá nhân làm ảnh hưởng đến tính thành sự của bí tích”.
Vấn đề thành sự có tác động thực tế đối với các quyết định của các tòa án hôn nhân khi họ được yêu cầu ban hành một bản án tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Nhưng, trích dẫn Đức Giáo hoàng Phanxicô và các vị tiền nhiệm, tài liệu cũng ghi nhận một tác động thiết thực khác của mối tương quan bí tích – đức tin, đó là sức mạnh, tình yêu và sự dấn thân mà ân sủng bí tích mang lại cho một cặp vợ chồng để họ giữ trọn lời thề hứa của mình.
Các tình huống trong đó tính thành sự bị đặt vấn đề vì thiếu niềm tin thì không nhiều, mặc dù con số vụ việc đang ngày càng tăng, tài liệu cho biết. Tài liệu đặc biệt đề cập đến các cuộc hôn nhân của “những người không có đức tin nhưng đã được rửa tội”, một thuật ngữ được ủy ban thần học sử dụng lần đầu vào năm 1977.
“Thể loại này bao gồm hai loại người”, tài liệu cho biết: “Những người được rửa tội từ khi còn sơ sinh, nhưng sau đó, vì bất kỳ lý do gì, đã không thực hiện một hành vi đức tin cá nhân liên quan đến sự hiểu biết và ý chí của họ”; và “những người đã được rửa tội có ý thức từ chối đức tin một cách rõ ràng và không tự coi mình là tín hữu Công giáo hay Kitô giáo”.
Xem xét phản ứng của Đức Giáo hoàng về vấn đề này, tài liệu cho biết Đức Giáo hoàng Benedicto XVI đã nhấn mạnh rằng, “một điều kiện tối thiểu” để thành sự, là cặp vợ chồng “có ý định thực hiện những điều Giáo hội yêu cầu” trong bí tích, vốn là để người nam và người nữ đoan hứa chung sống với nhau trọn đời, chung thủy và sẵn sàng đón nhận con cái.
Khi cập nhật các quy tắc cho các tòa án hôn nhân vào năm 2015, ủy ban lưu ý, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chính thức thừa nhận rằng “sự khiếm khuyết đức tin” có thể là một lý do khiến hôn nhân vô hiệu.
Tuy nhiên, tài liệu cho biết, “như trong mọi bí tích, trong bí tích Hôn nhân, có một sự truyền ban ân sủng của Chúa Kitô. Ân sủng này không phải do đức tin của các thừa tác viên”, mà trong nghi thức Latinh của Giáo hội Công giáo đó là cặp vợ chồng, “nhưng là một quà tặng của Chúa Kitô, Đấng hiện diện cách tích cực trong giao ước của đôi hôn phối, và của Chúa Thánh Thần”.
Trong khi không dứt khoát giải quyết vấn đề, các thành viên của ủy ban thần học đã từ chối “hai thái cực”:
– “Một mặt, chúng tôi từ chối chủ nghĩa tự động bí tích tuyệt đối, vốn cho rằng mọi cuộc hôn nhân giữa những người được rửa tội đều đương nhiên trở thành một bí tích, hoặc thông qua sự hiện diện của một đức tin tối thiểu liên quan đến ‘đặc tính’ của bí tích Rửa tội hoặc thông qua sự can thiệp của Chúa Kitô và Giáo hội được định trước bởi bí tích Rửa tội”.
– “Mặt khác, chúng tôi bác bỏ chủ nghĩa hoài nghi bí tích, cho rằng bất kỳ mức độ nào của sự thiếu đức tin đều sẽ làm hỏng ý hướng và do đó làm mất hiệu lực bí tích”.
Tài liệu của ủy ban kết luận rằng các linh mục không nên chấp nhận yêu cầu tổ chức đám cưới tại nhà thờ cho “những người không có đức tin đã được rửa tội”, những người rõ ràng từ chối Giáo huấn của Giáo hội về sự bất khả phân ly và về mục đích của hôn nhân.
Minh Tuệ (theo Crux)