“Ut unum sint” tái khẳng định cam kết của Giáo hội đối với tinh thần đại kết

Phó tế Daniel Galadza bàn về mối tương quan với các Giáo hội Đông phương nhân dịp kỷ niệm 30 năm ban hành Thông điệp “Ut unum sint”.

Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople, Bartholomew I, cùng với Đức Thánh Cha Lêô XIV ngay sau Thánh lễ khai mạc Sứ vụ (Ảnh @ Truyền thông Vatican)

Đức Thượng phụ Đại kết Constantinople, Bartholomew I, cùng với Đức Thánh Cha Lêô XIV ngay sau Thánh lễ khai mạc Sứ vụ (Ảnh @ Truyền thông Vatican)

Thông điệp Ut unum sint (UUS), văn kiện nền tảng về tinh thần đại kết của Giáo hội Công giáo do Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II ban hành, tròn 30 năm vào năm nay. Văn kiện được ký ngày 25 tháng 5 năm 1995, Lễ Chúa Thăng Thiên.

“Tầm quan trọng của Ut unum sint nằm ở chỗ văn kiện này tiếp nối Sắc lệnh Unitatis Redintegratio của Công đồng Vaticanô II về tinh thần đại kết. Và điều đặc biệt là Thông điệp này xác nhận cách chính thức cam kết của Giáo hội Công giáo đối với công cuộc đại kết”, Phó tế Daniel Galadza, Giáo sư tại Học viện Giáo hoàng Đông phương ở Rôma, chia sẻ.

Phó tế Galadza, thuộc Giáo hội Công giáo Hy Lạp nghi lễ Ukraine, nhấn mạnh những khía cạnh trong Ut unum sint liên quan đến các Giáo hội Đông phương, đặc biệt là việc sử dụng thuật ngữ “các Giáo hội chị em” để chỉ các Giáo hội Đông phương chưa hiệp thông trọn vẹn với Rôma; cùng với hình ảnh Giáo hội “thở bằng cả hai lá phổi” — tức là sống trọn vẹn với các truyền thống cổ xưa của cả Đông phương và Tây phương.

Theo Phó tế Galadza, Ut unum sint nhấn mạnh mong muốn của Chúa Kitô là “để tất cả nên một”, chính là câu Lời Chúa được chọn làm tựa đề của Thông điệp này.

30 năm ban hành Thông điệp Ut unum sint

Dù được ban hành cách đây ba thập kỷ, nhiều nội dung của Thông điệp Ut unum sint vẫn mang ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống Giáo hội hôm nay. Phó tế Galadza lưu ý rằng, vào thời điểm ban hành, Thông điệp đã hướng đến một Năm Thánh – Đại Năm Thánh 2000 – cũng giống như hiện nay, Giáo hội đang mừng Năm Thánh 2025. Hơn nữa, cũng như vào năm 1995, Đức Thượng Phụ Đại kết Bartholomew I – người được nhắc đến đích danh trong Ut unum sint – vẫn đang giữ vai trò là “người đứng đầu trong số những người bình đẳng” của các Giáo hội Chính thống Đông phương.

Mặc dù còn nhiều điểm chưa đạt được sự đồng thuận, Phó tế Galadza ghi nhận một số bước tiến đáng kể trong các thập niên gần đây, bao gồm những lời xin lỗi của các vị Giáo hoàng đối với các Giáo hội Chính thống, cũng như việc trao trả Thánh tích cho Tòa Thượng Phụ Constantinople.

Giáo sư Galadza cũng đề cập đến sự hiện diện thường xuyên của các vị Thượng Phụ Chính thống hoặc các phái đoàn chính thức tại các cử hành phụng vụ quan trọng của các Đức Giáo hoàng, điều mà ngày nay gần như đã trở thành thông lệ. Theo Phó tế Galadza, “đó là một điều tuyệt vời, một dấu chỉ đích thực rằng lời nguyện ‘để tất cả nên một’ gần như đã trở thành một thực tại thường nhật trong đời sống Giáo hội”.

Kể từ sau khi Thông điệp Ut unum sint được công bố, Phó tế Galadza cho biết đã có nhiều tài liệu khác được công bố, bao gồm các tuyên bố liên quan đến từ Filioque (nghĩa là “và bởi Chúa Con”, được thêm vào Kinh Tin Kính Nicêa) và quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng; những cuộc đối thoại đại kết đầy hứa hẹn; và các bước tiến trong những vấn đề liên quan đến sự hiệp thông giữa các Giáo hội.

Mối tương quan với các tín hữu Kitô giáo Đông phương cũng đã trở thành một điểm nhấn trong triều đại Giáo hoàng của Đức Thánh Cha Lêô XIV. Một trong những sự kiện lớn đầu tiên của ngài là buổi tiếp kiến Năm Thánh dành cho các thành viên của các Giáo hội Công giáo Đông phương.

Năm Thánh dành cho các Giáo hội Đông phương

Ngay cả trong lịch trình trước khi Đức cố Giáo hoàng Phanxicô qua đời, “nhờ ơn Chúa”, buổi tiếp kiến vẫn được tổ chức sau khi Đức Lêô XIV đắc cử, theo Phó tế Galadza, đã cho thấy “tầm quan trọng đặc biệt của các Giáo hội Đông phương đối với Giáo hội Rôma, như một dấu chỉ của sự hiệp nhất”. Phó tế Galadza đã hiện diện tại sự kiện này.

Dù sự kiện chủ yếu dành cho các Kitô hữu Đông phương hiệp thông với Rôma, và Đức Thánh Cha XIV không trực tiếp nói đến chủ nghĩa đại kết, Phó tế Galadza nhận định: “Mỗi khi Đức Thánh Cha ngỏ lời với các Giáo hội Đông phương, người ta có thể hiểu rằng ngài đang nói với tất cả họ, dù có hiệp thông với Rôma hay không”.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi “các Giáo hội Công giáo Đông phương cũng có ơn gọi dấn thân vì sự hiệp nhất – một sự hiệp nhất phù hợp với Giáo huấn của Giáo hội Công giáo”, Phó tế Galadza giải thích, và đồng thời nhấn mạnh rằng Sắc lệnh Unitatis redintegratio của Công đồng Vaticanô II trình bày sự hiệp nhất như là “một sự hiệp nhất đích thực trong Chúa Kitô” chứ không phải là sự sáp nhập một Giáo hội vào một Giáo hội khác.

Phó tế Galadza cho biết nhiều điểm trong bài huấn từ của Đức Thánh Cha Lêô XIV chắc chắn sẽ gây được sự chú ý nơi các Giáo hội Chính thống Đông phương và Chính thống Cổ Đông phương, đặc biệt là việc trích dẫn các vị Thánh của Giáo hội Đông phương như Thánh Isaác thành Nineve và Thánh Thánh Symeon Nhà Thần Học Mới, cũng như trích lời của Đức Giáo hoàng Lêô XIII nghiêm cấm các giáo sĩ Latinh “truyền giáo với mục đích cải đạo” các tín hữu Đông phương.

Giáo sư Galadza cũng lưu ý đến mối quan tâm của Đức Thánh Cha đối với các Kitô hữu tại Thánh Địa, Trung Đông, Ukraine, vùng Tigray ở châu Phi, và nhiều vùng xung đột khác mà nơi đó Kitô hữu phần lớn thuộc về truyền thống Đông phương. “Do đó, bất cứ lời kêu gọi hòa bình nào hay bất cứ sự quan tâm nào đến nỗi khổ và khó khăn của các Kitô hữu tại những vùng này cũng sẽ gây tiếng vang trong cộng đồng Chính thống giáo”.

Hy vọng về sự hiệp nhất

Nhìn lại 30 năm kể từ khi Thông điệp Ut unum sint được ban hành, Phó tế Galadza một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu về sự hiệp nhất. “Sự hiệp nhất luôn là điều mà chúng ta hằng hy vọng”, Giáo sư Galadza nói, dù đôi khi dường như đó là điều chỉ có thể đạt được trong tương lai xa vời. Tuy nhiên, Phó tế Galadza khẳng định rằng: ngay cả khi sự hiệp nhất có vẻ không phải là điều sắp xảy ra thì hiện tại “nó không còn xa vời như người ta vẫn nghĩ”.

Những dấu chỉ như sự hiện diện của Đức Thượng Phụ Đại kết trong Thánh lễ khai mạc Sứ vụ Phêrô của Đức Thánh Cha Lêô XIV “đã là dấu chỉ của sự hiệp nhất mà chúng ta đang cầu nguyện”, Phó tế Galadza nói, hướng đến “sự hiệp nhất trọn vẹn trong tinh thần hiệp thông – một ngày nào đó, nếu đẹp thánh ý Thiên Chúa – tại bàn thánh, qua Bí tích Thánh Thể”.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết