USCIRF: Tự do tôn giáo trên toàn thế giới phải tiếp tục là ưu tiên rõ ràng của Hoa Kỳ

Trong báo cáo thường niên năm 2025, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) khuyến nghị 16 quốc gia nên được chỉ định là Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) và đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục kiên quyết chống lại các mối đe dọa đối với quyền tự do tôn giáo trên toàn thế giới.

Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington (Ảnh: REUTERS)

Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ tại Washington (Ảnh: REUTERS)

Trong tuần này, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo thường niên năm 2025 về tình hình tự do tôn giáo toàn cầu, kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ quyền cơ bản này trên toàn thế giới.

Ủy ban là một thực thể liên bang lưỡng đảng được thành lập theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998, có chức năng đưa ra các khuyến nghị về chính sách đối ngoại cho Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ nhằm ngăn chặn tình trạng đàn áp tôn giáo và thúc đẩy tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng (FoRB) trên toàn thế giới.

Các khuyến nghị của báo cáo giúp Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lập danh sách hàng năm về các chính phủ và các tác nhân phi nhà nước tham gia hoặc dung túng cho “các hành vi vi phạm có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng” đối với quyền tự do tôn giáo.

16 quốc gia được đề nghị chỉ định là Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC)

Báo cáo năm nay, được công bố tại một sự kiện ở Điện Capitol vào ngày 25 tháng 3, đề xuất rằng Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ định 16 quốc gia là Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) do các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo theo IRFA. Các quốc gia này bao gồm Afghanistan, Ấn Độ, Nigeria và Việt Nam đã được thêm vào Báo cáo năm 2024 trước đó. Các quốc gia khác trong danh sách là: Bắc Triều Tiên, Myanmar, Iran, Nicaragua, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út, Tajikistan, Turkmenistan Cuba, Eritrea, Pakistan, Nga.

7 thực thể được đề xuất chỉ định là Thực thể cần quan tâm đặc biệt

USCIRF cũng liệt kê 7 Thực thể cần quan tâm đặc biệt (EPC), tức là các nhóm phi nhà nước có hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo đặc biệt nghiêm trọng, thường bao gồm các hành vi bạo lực. Đó là: tổ chức khủng bố al-Shabaab ở Somalia; Boko Haram ở Nigeria; Hay’at Tahrir al-Sham, gần đây đã lật đổ chế độ Assad ở Syria; Houthis được Iran hậu thuẫn ở Yemen; Tỉnh Sahel của Nhà nước Hồi giáo; Tỉnh Tây Phi của Nhà nước Hồi giáo – còn được gọi là ISIS-Tây Phi – và tổ chức thánh chiến Jamaat Nasr al-Islam wal Muslimin (JNIM) hoạt động ở khu vực Maghreb và Tây Phi. Tất cả các nhóm này đã được đưa vào báo cáo trước đó.

12 quốc gia được đề xuất vào Danh sách theo dõi đặc biệt

Ngoài ra, 12 quốc gia được khuyến nghị đưa vào Danh sách theo dõi đặc biệt (SWL) do vi phạm FoRB một cách nghiêm trọng. Trong số đó có Algeria và Azerbaijan Ai Cập, Iraq, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong phần giới thiệu, USCIRF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy những thành tựu của các chính quyền trước trong việc đưa tự do tôn giáo trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.

“Khi các chính phủ đàn áp và các thực thể bạo lực tấn công và làm xói mòn nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, báo cáo độc lập và các khuyến nghị lưỡng đảng của USCIRF chưa bao giờ quan trọng hơn đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”, Chủ tịch Ủy ban Stephen Schneck cho biết. “Chính phủ Hoa Kỳ phải tiếp tục kiên quyết chống lại những mối đe dọa này đối với quyền tự do tôn giáo phổ quát”.

Những lời của ông được Phó Chủ tịch USCIRF Meir Soloveichik nhắc lại. “Tự do tôn giáo là ưu tiên rõ ràng của Hoa Kỳ”, ông tuyên bố.

“Sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền tự do tôn giáo ở nước ngoài vẫn tiếp tục là nền tảng của sự xác quyết của lưỡng đảng—một mục tiêu chung và cam kết không thể chia cắt, truyền cảm hứng cho các chính phủ và tạo điều kiện chia sẻ gánh nặng trong việc thúc đẩy quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng”.

Việc chấm dứt USAID ảnh hưởng đến các chương trình hỗ trợ tự do tôn giáo của Hoa Kỳ

Những nhận xét này được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về việc cắt giảm ngân sách và tái tổ chức nhằm hạn chế chi tiêu liên bang, điều có thể làm suy yếu các chương trình hiện tại.

Ví dụ, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hiện đã đóng cửa trước đây đã hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ các di sản tôn giáo, chẳng hạn như các di sản ở Ukraine bị nhắm mục tiêu trong cuộc xâm lược của Nga. Báo cáo của USCIRF khuyến nghị khôi phục các sáng kiến ​​như vậy và đồng thời kêu gọi các đại sứ quán Hoa Kỳ hỗ trợ bảo tồn các địa điểm thờ phượng.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ hiện đã đóng cửa nhưng rất cần thiết cho hoạt động giám sát của USCIRF

Thêm vào đó là việc Tổng thống Donald Trump gần đây đã đóng cửa các cơ quan truyền thông quốc tế do Hoa Kỳ tài trợ, bao gồm cả “Tiếng nói Hoa Kỳ” (Voice of America) (VoA), “Đài Âu Châu Tự do” (Radio Free Europe” và “Đài Á Châu Tự Do” (Radio Free Asia) – những cơ quan cung cấp thông tin đáng tin cậy từ các quốc gia độc tài, đóng vai trò thiết yếu cho hoạt động giám sát và báo cáo của USCIRF.

Biện pháp này đã gây ra các mối lo ngại trên toàn thế giới. “Chúng tôi rất lo ngại cho các phương tiện truyền thông này, đôi khi phát sóng ở những khu vực mà quyền tự do báo chí không được đảm bảo, chẳng hạn như Myanmar, Việt Nam hoặc Campuchia”, Anne Bocandé, Giám đốc biên tập của tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News. “Các chế độ độc tài đang ăn mừng sự sụp đổ của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ”, Clayton Weimers, Giám đốc văn phòng RSF tại Hoa Kỳ bình luận.

Sau sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak, người đứng đầu Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine tại Philadelphia đã bày tỏ sự liên đới với các nhà báo của VoA và các đài truyền hình khác do Hoa Kỳ tài trợ đã bị đóng cửa, nhận xét rằng quyết định này thực sự bịt miệng các cơ quan truyền thông từ lâu được coi là rất quan trọng trong việc chống lại các chiến dịch thông tin sai lệch của các chế độ độc tài.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết