Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện để Năm Thánh có thể trở thành “Mùa Hy vọng” và hòa giải trong một thế giới đang lâm cảnh chiến tranh và chịu đựng các cuộc khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt là ở Gaza và Ukraine, khi ngài mở Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào Đêm Giáng Sinh. Và trong Sứ điệp “Urbi et Orbi” của mình, gửi đến thành phố Rôma và toàn thế giới vào Ngày Giáng Sinh, ngài đã kêu gọi việc “làm im bặt tiếng súng” ở Trung Đông, Ukraine, Myanmar và Sudan và ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo, đặc biệt là ở Gaza, và vượt qua các chia rẽ và nghèo đói trên toàn cầu.
Trong bài phát biểu “Urbi et Orbi” từ ban công trung tâm của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu chúc thế giới “Giáng sinh an lành” khi ngài kỷ niệm ngày sinh của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, tại Bethlehem, cách đây hơn 2000 năm trước, và đồng thời nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là “cánh cửa Trái tim của Thiên Chúa” vốn “luôn rộng mở”.
“Đây là ý nghĩa của Cửa Thánh của Năm Thánh mà tôi đã mở ra tối qua tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô”, ngài nói. “Nó tượng trưng cho Chúa Giêsu, Cánh Cửa của ơn cứu độ mở ra cho tất cả mọi người. Chúa Giêsu là Cánh Cửa mà Cha của Lòng thương xót đã mở ra giữa thế giới của chúng ta, giữa lịch sử, để tất cả chúng ta có thể trở về với Người”.
Ngài mời gọi mọi người trên toàn thế giới: “Chúng ta hãy hòa giải với Thiên Chúa, và sau đó chúng ta sẽ hòa giải với chính mình và có thể hòa giải với nhau, ngay cả với kẻ thù của chúng ta. Lòng thương xót của Thiên Chúa có thể làm được mọi sự. Nó tháo gỡ mọi nút thắt; nó phá đổ mọi bức tường chia rẽ; nó xua tan lòng hận thù và tinh thần trả thù. Hãy đến đây! Chúa Giêsu là Cánh cửa Hòa bình”.
Ngài nói: “Chúng ta thường dừng lại ở ngưỡng cửa của Cánh cửa Hòa bình đó; chúng ta thiếu can đảm để bước qua nó, bởi vì nó thách thức chúng ta phải xem xét cuộc sống của mình. Bước qua Cánh cửa đó đòi hỏi sự hy sinh liên quan đến việc tiến lên một bước, một bước nhỏ cho một điều gì đó vĩ đại, để lại đằng sau những tranh chấp và chia rẽ của chúng ta, và quy phục trước vòng tay dang rộng của Hài Nhi Giêsu – Hoàng tử Hòa bình”.
Trong một thế giới bị tàn phá bởi khoảng 51 cuộc xung đột vũ trang, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi “mọi cá nhân, mọi dân tộc và quốc gia, hãy tìm kiếm lòng can đảm cần thiết để bước qua Cánh cửa đó, để trở thành những Người hành hương của Hy vọng, để làm im bặt đi tiếng súng và vượt qua những chia rẽ!”.
Đức Thánh Cha thúc giục “hãy làm im bặt tiếng súng” ở Ukraine, nơi bị chiến tranh tàn phá kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, và đồng thời kêu gọi “sự táo bạo cần thiết để mở ra cánh cửa đàm phán và các cử chỉ đối thoại và gặp gỡ, nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Đức Thánh Cha kêu gọi “hãy làm im bặt tiếng súng ở Trung Đông!”. Ngài đặc biệt đề cập đến “các cộng đồng Kitô giáo ở Palestine và Israel, đặc biệt là ở Gaza [những người mà ngài trò chuyện qua điện thoại mỗi tối]”, nơi “tình hình nhân đạo đang cực kỳ nghiêm trọng”. Ngài một lần nữa kêu gọi ngừng bắn, trả tự do cho các con tin Israel và “cung cấp viện trợ cho những người dân kiệt quệ vì đói nghèo và chiến tranh” kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Ngài bày tỏ “sự gần gũi” của mình với “cộng đồng Kitô giáo ở Lebanon, đặc biệt là ở miền Nam” đang phải hứng chịu chiến tranh cách đây vài tháng, và “với cộng đồng ở Syria, vào thời điểm mong manh nhất này” sau sự sụp đổ đột ngột của chế độ Assad vào ngày 8 tháng 12 và việc thành lập một chính phủ lâm thời tại đó.
Đức Thánh Cha cầu nguyện để “cánh cửa đối thoại và hòa bình sẽ được mở ra trên khắp khu vực Trung Đông, nơi bị tàn phá bởi xung đột”. Trong cuộc xung đột này, ngài nói, “Tôi cũng nghĩ đến người dân Libya và khuyến khích họ tìm kiếm các giải pháp cho phép sự hòa giải dân tộc”, điều đã thiếu vắng kể sau sự sụp đổ của Mummar Gadaffi vào tháng 10 năm 2011.
Quay lại lục địa Châu Phi, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi “một mùa hy vọng mới” ở đó, và đặc biệt là giúp đỡ “cho gia đình của hàng ngàn trẻ em đang chết vì dịch sởi bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo”. Ngài kêu gọi hòa bình “cho người dân ở miền Đông đất nước” và “ở Burkina Faso, Mali, Niger và Mozambique”, nơi “cuộc khủng hoảng nhân đạo ảnh hưởng đến họ chủ yếu là do xung đột vũ trang và tệ nạn khủng bố, trầm trọng hơn do tác động tàn khốc của biến đổi khí hậu, dẫn đến sự mất mát về sinh mạng và hàng triệu người phải di tản”.
Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện cho hòa bình cho “các quốc gia vùng Sừng châu Phi” và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực “tạo điều kiện tiếp cận viện trợ nhân đạo cho dân thường Sudan và khởi xướng các cuộc đàm phán mới về lệnh ngừng bắn”.
Ngài một lần nữa kêu gọi hòa bình cho Myanmar, nơi “cuộc giao tranh vũ trang đang diễn ra” gây ra nhiều đau khổ cho người dân, buộc nhiều người phải rời bỏ nhà cửa.
Vị Giáo hoàng đầu tiên của Mỹ Latinh sau đó đã hướng đến lục địa Châu Mỹ và cầu nguyện để “Chúa Giêsu Hài Đồng” có thể “truyền cảm hứng cho các nhà chức trách chính trị và tất cả mọi người có tinh thần thiện chí… tìm ra các giải pháp hiệu quả càng sớm càng tốt, trong công lý và sự thật, để thúc đẩy sự hòa hợp xã hội, đặc biệt là ở Haiti, Venezuela, Colombia và Nicaragua”, nhằm “thúc đẩy công ích và tôn trọng phẩm giá của mỗi người ở đó, vượt qua những chia rẽ chính trị”.
Đức Thánh Cha cầu nguyện để Năm Thánh “có thể là cơ hội phá bỏ mọi bức tường chia cắt: những bức tường ý thức hệ thường đánh dấu đời sống chính trị, và những bức tường thể lý, chẳng hạn như sự chia cắt đã ảnh hưởng đến đảo Síp trong 50 năm qua và đã xé nát cấu trúc xã hội và con người của nơi này”. Ngài kêu gọi “một giải pháp được thỏa thuận chung” có thể “chấm dứt sự chia rẽ trong sự tôn trọng hoàn toàn các quyền và phẩm giá của tất cả các cộng đồng người Síp”.
Trở lại Năm Thánh, Đức Thánh Cha nói, “Chúa Giêsu là Cánh Cửa rộng mở mà chúng ta được mời gọi bước vào, để tái khám phá ý nghĩa của sự tồn tại của chúng ta và sự thánh thiêng của tất cả mọi sự sống, và để phục hồi các giá trị nền tảng của gia đình nhân loại”. Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói, “đang chờ đợi mỗi người chúng ta, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”, đặc biệt là “trẻ em, tất cả những trẻ em đang phải chịu đựng chiến tranh và nạn đói” và “những người già, những người thường xuyên bị buộc phải sống trong điều kiện cô đơn và bị bỏ rơi” và “những người đã mất nhà cửa hoặc đang chạy trốn khỏi quê hương”, cũng như “tất cả những người đã mất việc làm hoặc không thể tìm được việc làm”.
Đức Thánh Cha Phanxicô, người trong suốt triều đại Giáo hoàng của mình đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với các tù nhân và vào ngày 26 tháng 12 sẽ mở Cửa Thánh tại Ribibbia, nhà tù lớn nhất của Rôma, nói rằng “Chúa Giêsu đang chờ đợi các tù nhân, bất chấp mọi thứ, họ vẫn là con cái của Thiên Chúa”.
Vị Giáo hoàng Dòng Tên cũng nghĩ đến “tất cả những người đang chịu sự bách hại vì đức tin” trên thế giới ngày nay và nói rằng “Chúa Giêsu đang chờ đợi họ” và “họ rất đông đảo!”.
Vào Ngày Giáng Sinh này, Đức Thánh Cha cũng đã dành lời cảm ơn đặc biệt đến tất cả những người tham gia “một cách thầm lặng và trung thành, trong việc làm điều thiện và phục vụ người khác”. Ngài đặc biệt nhắc đến “các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục và giáo viên”, “nhân viên y tế”, “lực lượng trật tự và tất cả những người nam nữ thực hiện các công việc từ thiện, đặc biệt là các nhà truyền giáo trên khắp thế giới” những người “mang lại ánh sáng và sự an ủi cho rất nhiều người đang gặp khó khăn”.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc Sứ điệp Giáng sinh Urbi et Orbi bằng cách nhắc lại lời kêu gọi rằng Năm Thánh này “có thể là cơ hội để xóa nợ, đặc biệt là những khoản nợ đang đè nặng lên các quốc gia nghèo nhất”. Ngài nhắc nhở mọi người rằng “mỗi người chúng ta được mời gọi tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta, vì Con Thiên Chúa đã tha thứ cho chính chúng ta. Ngài đến để chữa lành chúng ta và tha thứ cho chúng ta. Là những người hành hương của hy vọng, chúng ta hãy bước ra bên ngoài để gặp gỡ Ngài! Chúng ta hãy mở cửa trái tim mình cho Ngài, như Ngài đã mở cửa trái tim Ngài cho chúng ta”.
Sau đó, Đức Thánh Cha ban phép lành của Thiên Chúa cho đông đảo các tín hữu tụ họp tại Quảng trường Thánh Phêrô và tất cả mọi người trên khắp thế giới.
Vị Giáo hoàng 88 tuổi vẫn giữ được phong thái tốt không chỉ khi truyền đạt Sứ điệp Urbi et Orbi mà còn trong Thánh lễ kéo dài hai tiếng rưỡi tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô vào Đêm Giáng Sinh ngày 24 tháng 12.
Bên trong Vương cung Thánh đường, 6.000 người từ khắp các châu lục đã đứng lên, bao gồm các Hồng y, Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam nữ, giáo dân trẻ và cao niên, và phóng viên của tờ America tại Vatican, khi nghi lễ bắt đầu bằng việc đọc Tin Mừng theo Thánh Gioan, trong đó Chúa Giêsu nói “Ta là cửa”.
Cùng lúc đó, theo số liệu của Vatican, tại Quảng trường Thánh Phêrô, có khoảng 25.000 người, bất chấp cơn gió mùa đông lạnh giá, theo dõi Thánh lễ trên màn hình lớn.
Sau đó, vào khoảng 7 giờ tối ngày 24 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc Năm Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, theo truyền thống do Đức Giáo hoàng Boniface VIII khởi xướng vào năm 1300.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gõ 4 lần vào Cánh Cửa Thánh được mở lần đầu tiên tại Vương cung Thánh đường này bởi Đức Giáo hoàng Alexander VI vào đêm ngày 24 tháng 12 năm 1499. Tiếng kèn và tiếng chuông của Đền thờ Thánh Phêrô vang lên khi cánh cửa bằng đồng mở ra, Đức Thánh Cha ngồi trên xe lăn trước Cửa Thánh được trang trí bằng hoa tươi.
Mọi người thinh lặng theo dõi, qua màn hình lớn (lần đầu tiên được lắp đặt tại Vương cung Thánh đường), khi Đức Thánh Cha cầu nguyện trên xe lăn, biểu tượng của sự khiêm nhường và hy vọng trong một thế giới đang phải chịu đựng chiến tranh và nghèo đói.
Khẩu hiệu của Năm Thánh này là “Hy vọng” và sau khi cầu nguyện trong thinh lặng, vị Giáo hoàng người Argentina đã trở thành “người Hành hương Hy vọng” đầu tiên bước qua Cửa Thánh. Ngài đã làm như vậy trên xe lăn của mình, theo sau là đại diện của dân Chúa đến từ mọi châu lục và các vị khách đại kết từ một số Giáo hội Kitô giáo khác, cùng với một số Hồng y và Giám mục. Thủ tướng Ý, Giorgia Meloni, và Thị trưởng Rôma, Roberto Gualtieri, cũng vậy. Ước tính có khoảng 35 triệu người hành hương dự kiến sẽ bước qua Cửa Thánh này trong Năm Thánh mà Đức Thánh Cha sẽ bế mạc vào ngày 6 tháng 1 năm 2026.
Sau đó, Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục chủ sự Thánh lễ Giáng Sinh mà ngài đồng tế bằng tiếng Latin cùng với 54 Hồng y, 40 Giám mục và 182 Linh mục. Các bài đọc Kinh Thánh được công bố bằng tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và tiếng Ý trong khi Lời nguyện tín hữu được đọc bằng tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Ả Rập, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Việt.
“Thiên Chúa đã trở thành một người trong chúng ta để làm cho chúng ta giống như Người”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong bài giảng bằng tiếng Ý, ngài nhắc lại sự ra đời của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, trong một máng cỏ khiêm nhường ở Bethlehem cách đây khoảng 2000 năm trước, khi “Ánh sáng Thiên Chúa chiếu rọi giữa bóng tối của thế giới chúng ta”.
“Với việc mở Cửa Thánh”, ngài nói, “chúng ta đã khai mạc một Năm Thánh mới, và mỗi người chúng ta có thể bước vào mầu nhiệm của biến cố phi thường này. Đêm nay, cánh cửa hy vọng đã mở rộng ra cho thế giới. Đêm nay, Thiên Chúa ngỏ lời với mỗi người chúng ta và nói rằng: cũng có hy vọng cho các con!”.
Giống như những mục đồng trong đêm Giáng sinh đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta cũng được kêu gọi lên đường “vội vã”, chúng ta được kêu gọi “khôi phục niềm hy vọng đã đánh mất, canh tân niềm hy vọng đó trong lòng chúng ta và gieo hạt giống hy vọng giữa sự ảm đạm của thời đại và thế giới chúng ta”.
“Niềm Hy vọng kêu gọi chúng ta—như Thánh Augustinô đã nói—hãy đánh đổ những điều sai trái và tìm kiếm lòng can đảm để thay đổi chúng. Niềm Hy vọng thúc giục chúng ta trở thành những người hành hương tìm kiếm chân lý, những người mơ mộng không bao giờ mệt mỏi, những người phụ nữ và đàn ông cởi mở để được thử thách bởi giấc mơ của Thiên Chúa về một thế giới mới nơi hòa bình và công lý ngự trị”.
“Niềm Hy vọng nảy sinh trong đêm nay”, Đức Thánh Cha nói, “không chấp nhận sự thờ ơ của những kẻ tự mãn hay sự lười biếng của những kẻ bằng lòng với sự thoải mái của riêng mình; nó không chấp nhận sự thận trọng giả tạo của những kẻ từ chối tham gia vì sợ mắc sai lầm, hoặc của những kẻ chỉ nghĩ đến bản thân mình”.
“Niềm Hy vọng không tương thích với sự tách biệt của những người từ chối lên tiếng chống lại cái ác và sự bất công gây ra với người nghèo”, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết. “Niềm Hy vọng Kitô giáo đòi hỏi chúng ta, ngay cả bây giờ, phải táo bạo, có trách nhiệm và bác ái, trong sự mong đợi về sự ứng nghiệm lời hứa của Thiên Chúa”.
Năm Thánh này, Đức Thánh Cha cho biết, “là mùa hy vọng mà chúng ta được mời gọi tái khám phá niềm vui khi được gặp gỡ Thiên Chúa”. Nó kêu gọi chúng ta “đổi mới tinh thần và cam kết biến đổi thế giới của chúng ta”.
Lặp lại nhiều điều ngài đã nói trong Tông sắc công bố Năm Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa yêu cầu, giống như Đức Gioan Phaolô II đã làm vào năm 2000, rằng “các quốc gia nghèo đang gánh chịu những khoản nợ bất công” phải được tha thứ, và “tất cả những ai đang bị ràng buộc bởi các hình thức nô lệ cũ và mới” phải được giải thoát.
Đức Thánh Cha kêu gọi tất cả các tín hữu mang lại hy vọng “bất cứ nơi nào hy vọng đã mất, cuộc sống tan vỡ, những lời hứa không được thực hiện, những ước mơ tan vỡ và trái tim bị choáng ngợp bởi nghịch cảnh”. Ngài nói: “Chúng ta được kêu gọi mang lại hy vọng cho những người mệt mỏi không còn sức lực để tiếp tục, những người cô đơn bị áp bức bởi sự cay đắng của thất bại, và tất cả những người đau khổ. Mang lại hy vọng cho những ngày tháng vô tận, buồn tẻ của tù nhân, cho những nơi ở lạnh lẽo và ảm đạm của người nghèo, và cho tất cả những nơi bị chiến tranh và bạo lực làm hoen ố”.
“Năm Thánh đã mở ra để mọi người có thể đón nhận niềm hy vọng của Phúc Âm, hy vọng của tình yêu và hy vọng của sự tha thứ”, Đức Thánh Cha nói.
Với việc mở Cửa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi Năm Thánh được cử hành không chỉ ở Rôma mà còn ở mọi Giáo phận trên toàn thế giới. Ngài đã yêu cầu tất cả các Giám mục khai mạc Năm Thánh tại Giáo phận của mình vào Chúa Nhật tới, cũng như mở Cửa Thánh tại các Nhà thờ Chính tòa để mọi tín hữu có thể đón nhận Ơn Toàn Xá của Năm Thánh và đổi mới đức tin và đời sống chứng tá của mình cho thế giới.
Minh Tuệ (theo America)