Trong các ngày vừa qua tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc đã báo động liên quan tới tình hình của các trẻ em tại Cộng hòa Trung Phi.
Ông Marie-Pierre Poirier, giám đốc UNICEF miền Tây và Trung Phi châu, đang viếng thăm Cộng hòa Trung Phi cho biết nạn bạo lực gia tăng tại đây khiến cho cuộc sống của các trẻ em gặp nhiều khó khăn hơn. Một phần ba trẻ em toàn nước không được cắp sách đến trường. Hầu như phân nửa các trẻ em đã không được chích ngừa bệnh tật, và 41% trẻ em dưới 5 tuổi bị thiếu dinh dưỡng kinh niên. Tình trạng chiến tranh bạo lực đã khiến cho 55.000 người trong đó có 28.600 trẻ em phải bỏ nhà cửa ruộng vườn lánh nạn trong mấy tháng đầu năm 2018. Tình hình nhân đạo và an ninh vốn đã bấp bênh đã trở thành tồi tệ hơn.
Hiện nay tại Cộng hòa Trung Phi có 687.000 người tỵ nạn bên trong nội địa, so với 440.000 hồi năm 2017, trong đó có 357.000 trẻ em. Chiến tranh xung khắc bạo lực biến các em thành người tỵ nạn, không được học hành giáo dục, không được săn sóc sức khỏe và không được bảo vệ che chở. Ông Poirier cho biết chính các em là những người đang phải trả giá đắt đỏ vì làn sóng bạo lực gia tăng trong nước. Để cứu các em mọi phe lâm chiến phải chấm dứt bạo lực. Và thế giới không được quên các trẻ em của Cộng hòa Trung Phi. Bảo vệ trẻ em phải là điều đầu tiên cần làm. Vẫn theo ông Poirier tại cộng hòa Trung Phi có ít nhất 2,5 triệu người, trong đó có 1,3 triệu trẻ em cần được cấp bách trợ giúp nhân đạo. Nhưng các ngân quỹ rất là hạn hẹp.
Tính đến cuối tháng 4 năm 2018 đã chỉ có 15% ngân khoản trợ giúp nhân đạo do UNICEF kêu gọi được đáp ứng. Còn cần phải có 48 triêu mỹ kim nữa để có thể tiếp tục cung cấp trợ giúp cho các trẻ em và các gia đình tại Trung Phi. Chương trình trợ giúp của tổ chức UNICEF bao gồm các việc cứu mạng sống của trẻ em, cung cấp cho các em việc săn sóc y tế tối thiểu, trợ giúp chuyên biệt các nạn nhân của bạo lực và lạm dụng tính dục và cung cấp các cơ cấu và nơi chốn học nghề cho các em tại các trại tỵ nạn nội địa.
** Hồi năm 2017 để chống lại bệnh dịch sốt tê liệt UNICEF đã cung cấp phương tiện chủng ngừa cho 800.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Ngoài ra còn có 26.000 trẻ em bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng được săn sóc, và có 90% các em được hồi phục hoàn toàn. Chỉ nội trong năm 2017 UNICEF cũng đã hỗ trợ việc trả tự do cho 2.969 trẻ em chiến binh, và giúp các em tái hội nhập xã hội sau thời gian bị bắt buộc cầm súng chiến đấu trong nhiều lực lượng vũ trang khác nhau.
Tổ chức UNICEF cũng đã tạo ra 315 trường dậy nghề tạm thời thích hợp với các trẻ em sống trong các trại tỵ nạn, và như thế tổng cộng đã có 56.600 em được theo học một nghề giúp các em sinh sống trong tương lai. Ông Poirier cho cũng biết với các đầu tư có ý nghĩa và cụ thể người ta có thể trợ giúp hữu hiệu các trẻ em sống trong các trại tỵ nạn nội địa bên Trung Phi. Tổ chức UNICEF và các tổ chức nhân đạo khác đang gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp trong 4 chương trình chủ yếu: gia tăng các vụ chích ngừa tật bệnh, chấm dứt tệ nạn trẻ em thiếu dinh dưỡng, cung cấp việc giáo dục đào tạo và che chở trẻ em trong các tình trạng cấp bách.
Nói chung tình trạng sống của các trẻ em nhiều nước Phi châu vô cùng thê thảm. Các em thường xuyên là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, khủng bố phá hoại, mất mùa đói kém, tật bệnh, nghèo đói, mê tín dị đoan, bị khai thác bóc lột, lạm dụng và đối xử tàn tệ như nô lệ. Đây đã là trường hợp của các trẻ em nam nữ bị bắt cóc và xung vào quân ngũ chiến đấu bên cạnh các phiến quân. Các em bị tẩy não, bắt buộc dùng ma túy, bị đánh đập hành hạ và khủng bố tâm lý để trở thành các máy giết người. Các bé gái bị bắt buộc làm vợ các phiến quân hay là dụng cụ giải quyết nhu cầu tình dục của họ. Khi tìm cách trốn các em sẽ bị bắn chết, hay bị xử tử khi bị bắt. Và các phiến quân bắt chính các em xử tử nhau.
Cộng hòa Trung Phi rộng gần 623.000 cây số vuông, có hơn 5 triệu dân, bao gồm hơn 80 nhóm chủng tộc, đông nhất là các chủng tộc Baya, Banda, Mandjia, Sara, Mboum, M’Baka, Yakoma, và Fula hay Fulani. 50% tổng số dân theo Kitô giáo đa số là công giáo, tiếp đến là tin lành. Trong khi 35% theo các tôn giáo phi châu và 15% theo Hồi giáo.
** Tại Cộng hòa dân chủ Congo, là quốc gia có chiến tranh từ nhiều năm nay, số phận của các trẻ em cũng rất thê thảm. Một nhóm nhân viên của tổ chức UNICEF làm việc trong vùng Kasai cho biết tại đây có cuộc khủng hoảng lớn liên quan tới tình trạng sống của các trẻ em. Theo bản tưởng trình do UNICEF công bố hôm 11 tháng 5 vừa qua một phần mười các em bị thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Tổng cộng có tới 770.000 em, trong đó có tới 400.000 em rất thiếu dinh dưỡng, và có nguy cơ bị chết. Trên tổng số 3,8 triệu dân có 2,3 triệu trẻ em cần được trợ giúp cấp bách. Tổ chức UNICEF đã cảnh báo nếu không hoạt động ngay tức khắc để củng cố việc trợ giúp nhân đạo, con số các trẻ em bị chết có thể tăng vọt một cách chóng mặt.
Từ năm 2016 khi xung đột bùng nổ tại Kasai, đã có hàng trăm ngàn người phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn làng mạc và thành thị để tản cư lánh nạn. Chiến tranh xung đột khiến cho 400 trường học trong vùng bị tấn công hay bị chiếm đóng và được dùng cho các mục đích quân sự, và có 100 trường học khác bị phá hủy. Chính vì thế có 440.000 trẻ em đã không thể học hết chương trình năm 2017. Hàng ngàn em đã bị tuyển mộ làm chiến binh trong các nhóm vũ trang và các nhóm dân quân. Có tới 60% dân quân trong vùng Kasai là các trẻ em vị thành niên bị bắt buộc chiến đấu. Các chương trình chích ngừa bệnh tật đã bị ngưng vì các cuộc đụng độ bạo lực và người dân trong vùng đang phải đương đầu với các bệnh dịch tả và đậu mùa.
Ông Fatoumata Ndiaye, phó tổng giám đốc UNICEF, cho biết chiến tranh xung đột tiếp tục gieo vãi các hậu quả tiêu cực đối với các trẻ em Kasai. Hàng chục ngàn trẻ em tỵ nạn đã không được săn sóc ý tế, không có nước sạch để uống, không được học hành và các em phải sống trong đau khổ. Giờ đây tình trạng đang được cải tiến chính quyền và các tổ chức nhân đạo với sự yểm trợ của cộng đồng quốc tế, cần gia tăng các can thiệp cứu sống các trẻ em, trước khi quá muộn màng.
Vẫn theo bản tường trình nói trên cuộc khủng hoảng của các trẻ em tại Kasai, tình hình thực phẩm bất ổn đã trở nên nghiêm trọng hơn, vì việc sản xuất nông nghiệp trong vùng bị suy giảm nghiêm trọng. Người dân chạy loạn chiến tranh phải bỏ lại ruộng vườn, không thể canh tác đất đai nên không thu hoạch được gì. Tình trạng này khiến cho nạn thiếu dinh dưỡng gia tăng. Trong một vài vùng đã có ba vụ mùa không được thu hoạch.
** Tuy nhiên, với tình hình đang được cải tiến giờ đây dân chúng đang trở về làng mạc của họ, và hàng ngàn trẻ em lại có thể được trợ giúp nhân đạo. Ông Gianfranco Rotigliano, đại diện tổ chức UNICEF Cộng hòa dân chủ Congo, cho biết từ đầu năm 2017 UNICEF và các tổ chức quốc tế khác đã có thể trợ giúp 71.500 trẻ em thiếu dinh dưỡng trầm trọng được phục hồi sức khỏe với chương trình phân phát thực phẩm trị liệu cho các trung tâm y tế và các nhà thương, và UNICEF cũng đang gia tăng các hoạt động đào tạo các nhân viên y tế cho các cộng đoàn nhằm thăng tiến các chương trình dinh dưỡng một cách tốt đẹp hơn.
** Riêng đối với các trẻ em chiến binh tại Cộng hòa dân chủ Congo tổ chức UNICEF và các tổ chức nhân đạo đã can thiệp và bảo đảm cho việc trả tự do cho 1.700 trẻ em chiến binh. Các em được trợ giúp về mặt tâm lý xã hội và tái hội nhập đời sống cộng đoàn. Bị nhồi sọ, bạo hành và đối xử tàn tệ, nhất là bị bắt buộc phải bắn giết và có cung cách tàn ác, các em bị chấn thương tinh thần nặng và gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với người khác. Tổ chức UNICEF cũng xây và tái phục hồi 314 phòng lớp trong vùng Kasai để cho các trẻ em có thể trở lại trường học. Ngân khoản cần thiết cho các chương trình trợ giúp trong năm 2018 là 88 triệu mỹ kim.
Trong các ngày qua tin tức dịch Ebola tái bùng nổ trong tỉnh Equatore bên Cộng hòa dân chủ Congo đã khiến cho tổ chức UNICEF phải huy động nhân viên của mình để trợ giúp ngăn chặn bệnh dịch lan tràn. Các giới chức cho biết bệnh dịch Ebola đang hiện diện trong vùng Bikoro, cách tỉnh Mbandaka 100 cây số về mạn nam.
Phái đoàn của UNICEF gồm 2 bác sĩ, một chuyên viên lãnh vực cung cấp nước và vệ sinh y tế và một chuyên viên truyền thông tin tức cho các cộng đoàn.
Kể từ năm 1976 tới nay, đây là lần thứ 9 bệnh dịch Ebola bộc phát tại Cộng hòa dân chủ Congo. Tổ chức UNICEF hỗ trợ chính quyền trong việc phối hợp câu trả lời thích đáng giúp đối phó với bệnh dịch quái ác này trong thủ đô Kinshasa cũng như trong các vùng bị tấn công. Trong các ngày qua UNICEF đã gửi 45 kí Cloro, 5 lọ thuốc xịt, và 50 kí lô xà bông sát trùng cũng như 28.000 viên thuốc lọc nước cho vùng Bikoro, như 600 bảng hướng dẫn và 6.000 truyền đơn giải thích bệnh dịch cho các cộng đoàn đang có dịch Ebola hoành hành hay đe dọa.
Cộng hòa dân chủ Congo rộng hơn 2 triệu 345.000 cây số vuông, có 82 triệu dân, gồm nhiều chủng tộc, đa số là Bantu chia thành 300 bộ lạc khác nhau. Đông nhất là các chủng tộc Teke, Twa, Hutu, Ngbandi, Mongo và Baluba. Ngoài tiếng Pháp có 4 thứ tiếng chính là kikongo, lingala,
tshiluba và swahili. 86% tổng số dân theo Ki tô giáo, trong đó có 41% công giáo, 31,6% tin lành, 13,4% thuộc các hệ phái kitô khác. Trong khi 10,7% theo các tôn giáo cổ truyền phi châu thờ vật linh, 3,3% theo Hồi giáo, và 1,4% theo các tôn giáo khác.
Linh Tiến Khải Radio Vatican