Sự hiện diện của họ tại vùng đất Palestine do Hamas cai trị đã suy yếu dần trong 20 năm qua, cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé ở Dải Gaza đang cầu nguyện để cuộc xung đột nhanh chóng chấm dứt.

Các gia đình Palestine sơ tán khỏi Gaza sau cuộc pháo kích của Israel, ngày 11 tháng 10 năm 2023 (Ảnh: BASHAR TALEB\ APAIMAGES/ IMAGO/MAXPPP)
“Chúng tôi đang trong tình thế nguy hiểm chết chóc, nhưng chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai yêu cầu”, Nữ tu Nabila Dòng Mân Côi, người sống tại Giáo xứ Thánh Gia ở thành phố Gaza, cho biết. Nữ tu Nabila cho biết rằng các cuộc không kích của Israel nhằm vào Gaza kể từ ngày 7 tháng 10, vài giờ sau khi Hamas thực hiện cuộc tấn công bất ngờ và tàn bạo vào Israel, đã phá hủy nhà cửa của hầu hết trong số 150 người Công giáo theo nghi lễ Latinh thuộc Giáo xứ. Một số người đã chạy trốn đến những khu dân cư ít bị ảnh hưởng hơn, trong khi những người khác trú ẩn bên trong nhà thờ Giáo xứ.
“Chúng tôi đã tiếp nhận khoảng 120 người di tản”, Nữ tu Nabila nói, đồng thời chỉ ra rằng trong số họ cũng có những người Hồi giáo.
Gần một nghìn Kitô hữu – hầu hết là Chính thống giáo – sống trong vùng đất của người Palestine bị bao vây, nằm dưới sự cai trị của Hamas, nơi mà nhiều quốc gia phương Tây coi là tổ chức khủng bố Hồi giáo. Và giống như mọi người khác, giờ đây họ đang bị mắc kẹt giữa cuộc tấn công của Hamas và sự trả đũa của Israel. Tập trung dưới tháp chuông của nhà thờ Công giáo nhỏ bé, các tín hữu và tu sĩ cùng nhau lần hạt Mân côi mỗi tối để cơn ác mộng của họ mau chấm dứt.
“Chúng ta chỉ có thể hy vọng cuộc xung đột sẽ nhanh chóng kết thúc”, Nữ tu Nabila nói.
“Bạo lực đang hoành hành”
“Thật không may, người dân đã quen với chiến tranh”, Cha Gabriel Romanelli, Cha sở của Giáo xứ thở dài. “Nhưng lần này, cường độ cao hơn nhiều. Hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương”.
Cha Romanelli, một Linh mục người Argentina thuộc Dòng Ngôi Lời, đã không thể quay trở lại cộng đoàn của mình. Ngài đã đến Rôma để tham dự Công nghị mà Đức Thượng phụ Pierbattista Pizzaballa thuộc nghi lễ Latinh của Giêrusalem đã được tấn phong Hồng y. Khi trở về, Cha Romanelli đã dừng lại ở Israel để mua một ít thuốc men. Nhưng cuộc “bao vây toàn diện” Dải Gaza mà Israel đã ra lệnh từ đó đã ngăn cản ngài quay trở về Giáo xứ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã hai lần gọi điện cho ngài trong những ngày gần đây.
“Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự quan tâm, sự gần gũi và những lời cầu nguyện của ngài”, vị Linh mục giải thích. “Chúng tôi đã chuyển thông điệp của Đức Thánh Cha tới các tín hữu, đó là một niềm an ủi nhỏ nhoi lúc này”.
Cha Romanelli hiện đang ở Bethlehem, nơi ngài đang theo dõi diễn biến tình hình. “Cha phó của tôi và các Nữ tu đều an toàn nhưng hiện đang rất sợ hãi”, Cha Romanelli nói. “Bạo lực đang hoành hành và Gaza bắt đầu cạn kiệt nhiên liệu và thuốc men”.
Trên thực tế, Israel đã cắt nguồn cung cấp điện cho Gaza vào hôm thứ Tư.
Một người đàn ông Chính thống ở độ tuổi 30, người mà chúng tôi gọi là George, cho đến nay vẫn bình an vô sự trong căn hộ ở Gaza của cha mẹ của mình. Nhưng anh không giấu diếm sự lo lắng của mình khi nguồn cung cấp thực phẩm tiếp tục cạn kiệt. “Chúng tôi sẽ không tồn tại được lâu… Chúng tôi đã từng trải qua tình trạng thiếu hụt trước đây, nhưng việc tiếp tục bị trả thù khiến chúng tôi lo sợ điều tồi tệ nhất”, George nói với vẻ lo lắng rõ ràng.
Trong những ngày gần đây, những lời đồn đoán về việc Nhà thờ Chính thống Thánh Porphyrius đã bị phá hủy một phần – vốn đã bị các nhà lãnh đạo chính thức phủ nhận – lan truyền như cháy rừng trên mạng xã hội.
“Cuộc sống dưới chế độ cuồng tín”
Một cách tổng thể hơn, các Kitô hữu ở Gaza phản ứng thế nào trước cuộc tấn công mới nhất của phong trào khủng bố Hồi giáo? Và họ nhìn cuộc sống hàng ngày của mình dưới sự thống trị của Hamas như thế nào? Đây là những câu hỏi cực kỳ nhạy cảm được tiếp nhận ở đầu bên kia của điện thoại với những câu trả lời lúng túng, thậm chí là sợ hãi.
“Bạn có thể tưởng tượng cuộc sống dưới một chế độ cuồng tín sẽ như thế nào…”, một người dân nói.
“Đức tin của chúng tôi không thể khiến chúng tôi tán thành việc lựa chọn vũ khí. Nhưng phải hiểu rằng không có mặt tốt và mặt xấu khi Israel muốn vô hiệu hóa chúng ta”, George lập luận. “Hamas không nhắm mục tiêu vào chúng tôi với tư cách là một nhóm tôn giáo thiểu số; chúng tôi cũng ủng hộ chính nghĩa của người Palestine”.
Cha Romanelli đã lên án bạo lực “từ cả hai phía”. Ngài cho biết tương lai của các cộng đồng Kitô giáo ở Gaza dường như vô định hơn bao giờ hết. Bị căng thẳng bởi tình trạng nghèo đói và bất an thường trực, những nơi từng có đến hơn 7.000 tín hữu chỉ cách đây 15 năm giờ đây đang lo sợ bị tàn sát hoàn toàn.
“Chúng tôi đã ít ỏi như vậy, làm sao có thể ứng phó?”, George băn khoăn trước khi thúc giục các nhà chức trách quốc tế “kêu gọi Israel ngừng ném bom… và phần còn lại của thế giới hãy cầu nguyện”.
Minh Tuệ (theo La Croix)