Một tuần lễ bao gồm những cuộc hội nghị và những hành động cụ thể hưởng ứng Thông điệp “Laudato Si” của Đức Thánh Cha Phanxicô, sẽ được tổ chức, trong bối cảnh môi trường đang phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng, chẳng hạn việc khai thác tài nguyên đang ngày càng gia tăng, tình trạng khai thác mỏ một cách bừa bãi, việc bảo vệ đa dạng sinh học đang bị đe dọa cũng như những thảm họa biển gần đây ở Chile.
Thông điệp “Laudato Si” đã tròn một tuổi kể từ ngày được công bố.
Từ ngày 12/6 đến 19/6 tới đây, sẽ có một loạt các sáng kiến trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy cụ thể việc thực hiện những giáo huấn chứa đựng trong Thông điệp quan tâm đến các vấn đề về “môi trường” được công bố cách đây một năm. Những sáng kiến này đang được điều phối bởi Phong trào ‘Global Catholic Climate’ phối hợp với một số tổ chức Công giáo trên toàn thế giới. Các Giáo phận, các hiệp hội và các phong trào trên khắp các khu vực Bắc và Nam Mỹ đang đóng vai trò trung tâm trong những sáng kiến này. Thông điệp tiếp tục tạo nên những kinh nghiệm và những thay đổi, trở thành một bản văn và một điểm quy chiếu sống động cho các cuộc thảo luận và cho những hành động cụ thể.
Hội đồng Giám Mục châu Mỹ Latinh (CELAM) cũng tham gia vào các sáng kiến này cùng với Liên đoàn Giáo dục Công giáo tại các nước Bắc và Nam Mỹ – một tổ chức tập hợp hầu hết các Dòng nữ của Hoa kỳ, tức là Hiệp hội Lãnh đạo các Dòng Nữ (LCWR) và các cơ quan liên kết với Ủy ban Công lý – Hòa bình và Tổ chức ‘Integrity of Creation’. Đến nay, đã có hơn 1.000 Giáo xứ và các tổ chức cộng đồng đưa ra những kế hoạch và sáng kiến cho Tuần lễ hưởng ứng Thông điệp ‘Laudato Si’.
“Các vấn đề được đề cập trong Thông điệp hiện đang được hưởng ứng rất mạnh mẽ”, tờ báo Avvenire của Hội đồng Giám mục Ý cho biết. Tờ báo này đã công bố những số liệu do Tổ chức ‘Environmental Justice Atlas’ hợp tác với 23 trường đại học khác nhau cung cấp. Theo những số liệu được công bố, có 1.746 cuộc xung đột lớn và nhỏ đang xảy ra trên toàn thế giới. Nhiều cuộc xung đột có liên quan đến việc khai thác mỏ từ châu Á cho đến châu Mỹ Latin, nhưng con số này đã bị coi là chưa đúng, bởi vì các tin tức từ một số quốc gia như Mexico, Brazil và Trung Quốc cho biết loại xung đột này thường đã được bưng bít. Đằng sau các cuộc xung đột này thường là các nhóm khai thác công nghiệp lớn xung đột với các cộng đồng địa phương, nông dân, và các ngôi làng bản địa. Các khu vực ở Nam bán cầu thường không chống lại nổi các thế lực mạnh hơn đến từ các khu vực còn lại. Đây chính xác là câu chuyện đang xảy ra ở châu Phi. Chẳng hạn như ở Niger, 100.000 tấn uranium đã được sản xuất trong vòng 7 năm, hay ở Nigeria, một quốc gia có các công trình với quy mô lớn và các phương pháp xâm lấn đã được sử dụng để trích xuất dầu mà không có các biện pháp an ninh thích hợp nào đối với con người và môi trường. Chính vì vậy, tất yếu sẽ xảy ra những thảm họa nghiêm trọng và chiến tranh trên diện rộng.
Châu Mỹ Latinh – nơi xuất thân của Đức Phanxicô – đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề được đề cập trong Thông điệp ‘Laudato Si’ và đã góp phần làm nên sự quan tâm mục vụ đặc biệt của thông điệp này. Những vấn đề có liên quan tới sự đa dạng sinh học, văn hóa bản địa và đại chúng cũng như việc bảo vệ lãnh thổ khỏi sự khai thác công nghiệp một cách vô tội vạ, đã được cảm nhận một cách mạnh mẽ bởi các Giáo hội Châu Mỹ La Tinh. Đây là lý do tại sao các mạng lưới xuyên quốc gia của Giáo hội Châu Mỹ La tinh (REPAM) đã được tạo ra nhằm bảo vệ môi trường và các cộng đồng địa phương. Mạng lưới này đã công bố những chất liệu về hàng loạt các kinh nghiệm khác nhau, cho phép trao đổi thông tin, chia sẻ các hoạt động mục vụ, làm cho việc nâng cao nhận thức được lan truyền và các khiếu nại được thực hiện một cách có hiệu quả hơn. Một trong số rất nhiều câu hỏi mở được đặt ra là vấn đề về bản chất xâm lấn của ngành công nghiệp khai thác, vốn không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đất đai thổ nhưỡng, mà còn liên quan đến các hình thức cực đoan của việc khai thác lao động trẻ em.
Phát biểu với Vatican Radio, ông Andrea Iacomini – một phát ngôn viên của tổ chức UNICE Italia – nói rằng các hình thức khai thác đó đã vi phạm Công ước về Quyền trẻ em được phê duyệt vào năm 1989 bởi tất cả các quốc gia trên thế giới.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa sự đa dạng sinh học và các nền văn hóa bản địa cũng đã được đề cập trong Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Rất nhiều hình thức thâm canh, khai thác và tàn phá môi trường không chỉ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên vốn đem lại kế sinh nhai cho các cộng đồng địa phương, mà còn hủy bỏ các cấu trúc xã hội, đã góp phần hình thành, sau một thời gian dài, bản sắc văn hóa và ý thức của họ về ý nghĩa cuộc sống và cộng đồng. Sự biến mất của một nền văn hóa có thể nghiêm trọng hơn so với sự biến mất của một loài thực vật hay động vật. Việc áp đặt một lối sống thống trị có liên quan đến một hình thức cá biệt nào đó của việc sản xuất, có thể được xem là nguy hại hệt như việc làm thay đổi hệ sinh thái”.
Cuối cùng, trong những tháng gần đây, bờ biển phía nam Chile đã bị ảnh hưởng bởi một loại thủy triều đỏ gây ra bởi sự sinh sản của một loài tảo nở hoa có màu đỏ. Đây là một hiện tượng kỳ dị ở miền nam Chile nhưng năm nay mức độ lây lan nhanh chóng của loài tảo này đã dẫn đến việc một số loài cá hồi và các loài động vật biển khác bị chết với số lượng lớn. Mặt khác, hiện tượng lạ thường này có liên quan đến một hiện tượng khác gọi là El Niño – hay nói cách khác đó là sự gia tăng nhiệt độ của nước biển – chưa kể là có nhiều lo ngại liên quan đến số lượng chất thải công nghiệp khổng lồ được thải ra biển do các ty đa quốc gia chuyên đánh bắt cá hồi đang hoạt động rộng rãi trong toàn khu vực. Chính vì lý do này mà các nhà chức trách địa phương đã đề cử một ủy ban tiến hành điều tra vụ việc, bởi vì đời sống của toàn bộ cộng đồng cư dân ven biển đang bị đe dọa cách nghiêm trọng.
Trong một báo cáo của hãng tin SIR, Đức Cha Luis Infanti de la Mora – Đại Diện Tông Tòa tại Aysen được trích thuật đã nói: “Có những nghi ngờ nghiêm trọng về việc liệu ủy ban điều tra này có hoạt động một cách độc lập hay không, hay là họ cũng bị chi phối bởi công ty chuyên đánh bắt cá hồi đa quốc gia”. “Trong khoảng 30 năm, các nhà hoạt động chính trị tự do đã ủng hộ các công ty đa quốc gia đến Chile để khai thác các nguồn lực phong phú tại địa phương như khoáng sản, cá, nước và năng lượng”. Nghành công nghiệp đánh cá – Đức Cha cho biết – đã gần như đánh bật các ngư dân địa phương và họ đã phải đã bàn giao ngành công nghiệp đánh bắt cá cho 4 công ty lớn của người Na Uy và Chilê. Nhà nước đã hầu như không kiểm soát được tình hình và sự tham lam vô độ chỉ biết nhắm đến lợi nhuận của các công ty này đã dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng các loài sinh vật biển và gây ra sự ô nhiễm biển.
Minh Tuệ