Tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất (từ ngày 20/1 đến 28/1) hiện đang được cử hành tại Đất Thánh với việc các thành viên Giáo hội cùng nhau quy tụ tại một địa điểm khác nhau mỗi ngày. Mỗi thành viên Giáo Hội của các Giáo Hội khác đều tham gia. Những cây cầu nối được xây dựng “trong sự thật”.
“Tại Nhà Thờ Mộ Thánh, người ta nhận ra rằng không phải là mặt trời, nhưng là Đức Kitô Phục Sinh, và chúng ta là những vệ tinh, cùng với những anh em đồng loại của chúng ta, cùng nhau vây quanh Mộ Thánh”, linh mục Stéphane Milovitch, thuộc Ủy ban Giáo phận về Đại kết, cho biết khi chia sẻ về Tuần lễ cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo (từ ngày 20/1 đến 28/1), hiện đang được cử hành tại Giêrusalem.
Trong 25 năm qua, ngài đã tham gia sự kiện, vốn được tổ chức tại thành phố linh thiêng muộn hơn phần còn lại của thế giới, để cho phép cộng đồng Armenian và Hy Lạp cử hành lễ Giáng sinh và Lễ Hiện Xuống theo lịch riêng của họ.
Nhân dịp này, các thành viên của các Giáo hội khác nhau tại Giêrusalem đã gặp gỡ mỗi ngày tại một địa điểm khác nhau. “Thứ Năm sẽ là tại Phòng Tiệc Ly, nơi mà Giáo Hội đã được khai sinh, và vì thế cũng chính là nơi mà tất cả các Giáo Hội được sinh ra”, linh mục Milovitch nói.
“Tất cả mọi người chuẩn bị một điều gì đó và mời gọi người khác, đó là một nghi thức phụng vụ phụ mà tất cả chúng ta được mời gọi, với tư cách là những người tham dự, chứ không chỉ là những khán giả. Chẳng hạn như, tại nhà thờ Anh giáo, một tín hữu Coptic có thể đọc Tin Mừng và một tín hữu Syriac có thể đọc một đoạn văn Kinh Thánh”.
Đối với linh mục Milovitch, điều quan trọng cần nhấn mạnh rằng việc cùng nhau chung sống tại Giêrusalem là một kinh nghiệm hàng ngày đối với các Giáo hội.
“Có nhiều Giáo hội tại Đất Thánh, còn nhiều hơn ở nhiều thành phố trên thế giới. Tại Nhà thờ Mộ Thánh, có sáu cộng đồng gặp gỡ nhau hàng ngày. Khách hành hương có thể khá sốc khi chứng kiến việc các Tu sĩ Dòng Phanxicô, các tín hữu Hy Lạp và Armenians cùng quây quần bên nhau. Điều này có vẻ giống như một hình thức của sự chia rẽ, thế nhưng đối với tôi, điều này quả không phải như vậy. Nhà thờ Mộ Thánh là nơi mà tất cả chúng ta cùng nhau quy tụ. Nếu chúng ta hiện diện ở đó đơn độc một mình, có vẻ như mọi thứ sẽ hài hòa hơn, thế nhưng lại thiếu đi một điều gì đó”.
“Tôi thích ý tưởng rằng Giáo hội được sinh ra tại Giêrusalem vào ngày Lễ Hiện Xuống và phân tán khắp nơi thế giới, như được thể hiện trong một bản đồ từ năm 1500. Có ba châu lục quanh Giêrusalem: Châu Á, Châu Phi, Châu Âu. Tất cả các nền văn hóa này đều đã được đón nhận Bí tích rửa tội, qua đó họ được hiệp nhất với nhau, mặc dù mỗi nền văn hóa đều cầu nguyện theo các nghi thức và truyền thống riêng của mình”.
Những lục địa này đã gặp gỡ nhau tại Nhà thờ Mộ Thánh “với sáu cộng đồng: hai cộng đồng tại châu Phi (Ethiopia và Copts), hai cộng đồng tại Á Châu (Armenia và Syria) và hai cộng đồng tại châu Âu (Latin và Byzantine)”. Đôi khi họ cùng nhau quây quần xung quanh cản phòng nhỏ trong Nhà thờ Mộ Thánh. Lúc đó, tất cả họ chính là “những vệ tinh xung quanh mặt trời duy nhất là Đức Kitô Phục Sinh”.
Trong Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo và mỗi ngày, “mỗi Giáo hội đều có phụng vụ riêng của họ, thể hiện văn hóa riêng của họ. Nếu tôi phải xây dựng một cầu nối với người khác, tôi không được ngụy tạo để trở nên giống họ: Tôi là tôi và họ là họ. Đây chính là cách thức mà những cây cầu nối được xây dựng lên: trong sự thật”.
Tuần lễ này không phải là dịp duy nhất để cầu nguyện cho vấn đề đại kết. “Cứ mỗi dịp lễ Thánh Anthony, tất cả các cộng đồng không Công giáo đều có mặt tại Nhà thờ St Saviour”.
“Đại kết không chỉ là cùng nhau cầu nguyện, mà còn là thể hiện mối quan hệ giữa con người với nhau. Điều đó quả thực không hề dễ dàng chút nào. Thật khó khi một người nào đó phải nói tiếng Arập với một người Armenian – bởi vì anh ta nói tiếng Armenian và tôi nói tiếng Pháp – thế nhưng chẳng có gì đáng hổ thẹn về điều đó. Chúng ta không gặp gỡ trong sự hoàn hảo. Tuy nhiên, tinh thần đại kết này đã được thực hiện trong nhiều năm nhờ những con người có thành tâm thiện chí, nhờ con cái của cùng một Cha trên trời và những huynh đệ của chính Chúa Kitô”.
Minh Tuệ chuyển ngữ