
Trẻ em đang trên đường đến trường tại Bunia, CHDC Congo (Ảnh: Tommy Trenchard/ Caritas)
Tổ chức Caritas mời gọi các cộng đồng và các tổ chức thành viên cầu nguyện, lắng nghe và cùng nhau suy niệm như là một phần của Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo năm 2020, từ ngày 18-25 tháng 1.
Chủ đề của Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo: “Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28: 2). Chủ đề được dựa trên đoạn Kinh Thánh mô tả vụ đắm tàu của Thánh Phaolô ở Malta (Cv 27:18–28,10) và thúc đẩy việc suy tư về cuộc hành trình đức tin của Thánh Phaolô cũng như về đức tính hiếu khách đại kết.
Chiến dịch ‘Chia sẻ Hành trình’ của tổ chức Caritas khuyến khích các cộng đồng lắng nghe và đồng hành cùng với những người di cư và những người tị nạn theo cách thức tương tự như các cư dân đảo Malta với Thánh Phaolô và các bạn đồng hành. Thông qua việc thúc đẩy văn hóa gặp gỡ những người di cư và những người tị nạn, và tất cả những người dễ bị tổn thương, các cộng đồng của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn muốn dự phần vào việc suy tư cầu nguyện toàn cầu về cách thức các Kitô hữu có thể kết hợp sức mạnh của họ, đặc biệt là để giúp đỡ những người di cư và những người tị nạn, hãy xem tài liệu này mà trong đó bao gồm trích dẫn Kinh Thánh ở trung tâm của chủ đề, phụng vụ, một bài thánh ca đặc biệt được chọn và lời cầu nguyện hàng ngày trong suốt tuần lễ này. Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo được thúc đẩy bởi Hội đồng Giáo hoàng của Vatican về Cổ võ sự Hiệp nhất Kitô giáo.
Cố vấn Hợp tác Liên tôn và Đại kết của Tổ chức Caritas Quốc tế, Davide Bernocchi, đã cho chúng tôi biết thêm về công việc của tổ chức Caritas với các giáo phái Kitô giáo khác.
Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo là một sáng kiến đại kết được cử hành trên toàn thế giới bởi các giáo phái Kitô giáo lớn. Tầm quan trọng của nó đối với Caritas là gì?
Trong bài phát biểu trước Hội đồng các Giáo hội thế giới ở Geneva, Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về chủ nghĩa đại kết bằng cách tập trung vào ba từ khóa: đồng hành, cầu nguyện và cùng cộng tác với nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy rằng, trong khi các Kitô hữu vẫn bị chia rẽ về nhiều vấn đề thần học và Giáo hội, thì một cách nào đó họ đã hiệp nhất với nhau trong “chủ nghĩa đại kết bằng giá máu” và “chủ nghĩa đại kết bằng tinh thần từ thiện bác ái”. Trong nhiều thập kỷ, tổ chức Caritas đã nỗ lực để đưa vào thực tiễn “chủ nghĩa đại kết bằng tinh thần từ thiện bác ái” với các tổ chức Kitô giáo khác, cả ở cấp địa phương và toàn cầu. Tuần lễ Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo có thể là một khoảnh khắc để chúng ta dừng lại và tạ ơn Thiên Chúa, cùng với các anh chị em Kitô hữu của chúng ta, vì cảm giác về sự hiệp nhất mà chúng ta trải nghiệm khi chúng ta cùng chung tay với nhau trong khi cầu xin Thiên Chúa một lần nữa ban cho chúng ta sự hiệp nhất hoàn hảo của cộng đồng Kitô giáo đầu tiên, được mô tả trong Sách Công vụ Tông đồ.
Sự hợp tác đang diễn ra giữa Caritas và các tổ chức Kitô giáo khác bao gồm những gì? Các đối tác đại kết chính của Caritas là ai?
Tổ chức Caritas Quốc tế đã chào đón các đại diện của Liên đoàn Lutheran Thế giới (LWF), Hội đồng các Giáo hội Thế giới (WCC), Liên minh ACT, Liên minh Anh giáo, Tổ chức từ thiện Kitô giáo Chính thống Quốc tế và các tổ chức đến từ các tín ngưỡng khác đến tham dự hội nghị toàn thể năm 2019 của Caritas tại Rome. Maria Immonen đến từ LWF là một diễn giả chính. Trên đây là những đối tác chính của Caritas, ở cấp độ toàn cầu. LWF có tầm quan trọng đặc biệt kể từ khi chúng tôi ký một tuyên bố toàn cầu về mục tiêu với họ vào cuối năm 2016 như một phần của sự kiện kỷ niệm 500 năm Cuộc Cải cách.
Với những đối tác này và nhiều tổ chức Kitô giáo khác, Caritas nỗ lực hoạt động để nâng cao phẩm giá con người và đồng thời thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người ở cấp độ toàn cầu và địa phương thông qua việc vận động, các phản ứng nhân đạo và các sáng kiến phát triển. Liên minh ACT – Chương trình chung của tổ chức Caritas Quốc tế cho Darfur, vốn đã hoạt động kể từ năm 2004, đã giúp hàng trăm ngàn người sống trong một trong những môi trường khó khăn và khắc nghiệt nhất trên trái đất. Caritas đã có các dự án chung với LWF ở Colombia và Nepal và ở Syria, nơi mà họ hiện đang giúp chúng tôi hỗ trợ những người bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng ở Aleppo.
Caritas và hầu hết các đối tác được đề cập ở trên cũng đã rất tích cực trong các sáng kiến vận động chung để thúc đẩy Hiệp định Toàn cầu của Liên Hợp Quốc về người tị nạn và người di cư. Về vấn đề này, người ta cần phải thêm vào vô số các sáng kiến đại kết có lợi cho những người túng thiếu nghèo khổ vốn chứng kiến sự tham gia của các Giáo phận và Giáo xứ thuộc tổ chức Caritas trên toàn thế giới.
Sự khác biệt giữa “chủ nghĩa đại kết bằng tinh thần từ thiện bác ái” này và sự hợp tác mà Caritas đã có với các tổ chức thế tục hoặc dựa trên đức tin khác là gì?
Là một phần của Giáo hội Công giáo, theo tinh thần của Công đồng Vatican II, Caritas tìm kiếm sự đối thoại và hợp tác với các Kitô hữu khác, với các tín đồ của các tín ngưỡng khác cũng như những người không có niềm tin tôn tôn giáo. Sắc lệnh của Công dồng Vatican II về chủ nghĩa đại kết, “Unitatis Redintegratio”, kêu gọi các Kitô hữu hợp tác và mở đường cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Điều này có nghĩa là khi chúng ta cùng hợp tác với các Kitô hữu khác để bày tỏ lòng bác ái của Chúa Kitô đối với người nghèo và những người dễ bị tổn thương nhất, chúng ta cũng đang thực hiện một cuộc đối thoại đại kết rộng lớn hơn và là hiện thân của lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “Xin cho tất cả họ được nên một” (Ga 17:21).
Những thách thức chính của Caritas và các đối tác đại kết của nó trong thế giới ngày nay là gì?
Tôi thiết nghĩ Caritas và các đối tác đại kết khác đều đồng ý rằng vấn đề cấp bách nhất đó là việc chăm sóc cho Ngôi nhà chung của chúng ta và sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, các cuộc xung đột và vấn đề di cư toàn cầu liên quan đến các vấn đề về sinh thái. Liên quan đến việc chăm sóc công trình sáng tạo và vấn đề biến đổi khí hậu, những tuyên bố chính thức của Đức Thượng Phụ Đại kết Bartholomew I và Thông điệp ‘Laudato Si’ của ĐTC Phanxicô chắc chắn được coi như là tài liệu tham khảo bởi hầu hết mọi người. Với tư cách là một mạng lưới Công giáo, Caritas nắm giữ một vai trò vô cùng quan trọng.
Năm nay, chủ đề của Tuần lễ cầu nguyện đó là: : “Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” (Cv 28: 2). Làm thế nào để thông điệp này cộng hưởng mạnh mẽ với Caritas?
“Họ đã đối xử với chúng tôi một cách nhân đạo hiếm có” nói đến cách đối xử mà Thánh Phaolô và những người bạn đồng hành của Ngài nhận được từ người dân Malta khi họ bị đắm tàu, trên đường từ Caesarea đến Rome. Làm thế nào chúng ta lại không thể nghĩ về hàng ngàn người mạo hiểm cuộc sống của họ hiện nay đang cố gắng vượt Địa Trung Hải từ nam ra bắc? Trong thế giới ngày nay, trong khi những người di cư và những người tị nạn ngày càng trở thành nạn nhân của chủ nghĩa bài ngoại, thật vững dạ biết bao khi chứng kiến sự hiệp nhất giữa các Giáo hội và các tổ chức Kitô giáo – bao gồm cả Caritas – qua việc thể hiện lòng bao dung bác ái và tình người với họ. Trong khi phát biểu với WCC, ĐTC Phanxicô nói: “Chúng ta không thể nhìn theo hướng khác. Thật khó hiểu khi nhiêu người Kitô hữu tỏ ra thờ ơ đối với những người hiện đang cần được giúp đỡ. Điều đáng lo ngại hơn nữa đó chính là nhận thức sai lầm từ phía một số người, những người coi sự no đủ hạnh phúc của mình như là dấu chỉ rõ ràng về sự thiên vị của Thiên Chúa, thay vì là một lời hiệu triệu để phục vụ có trách nhiệm đối với gia đình nhân loại”. Chống lại văn hóa thờ ơ và những bức tường của sự bất bình đẳng, hàng ngày, các thành viên của tổ chức Caritas cùng chung tay với các anh chị em Kitô hữu của họ để bảo vệ nhân loại, bằng tình yêu thương và lòng bao dung bác ái.
Minh Tuệ (theo Zenit)