Tử vì Đạo tại Châu Âu cộng sản

  • Tin tức
  • Thứ Năm, 09-03-2017 | 12:59:38

Một công trình vĩ đại kể về các Kitô hữu bị bách hại tàn khốc cho đến năm 1989 bên kia bức màn sắt

20170309 tu dao tai nuoc cong san

Tranh cổ động chống tôn giáo thời Xô Viết: “Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng”

Cuối cùng, ngài cũng đã có thể cử hành lễ an táng cho mẹ mình, vào năm 1986. Không một ai, kể cả người mẹ, biết Tomáš Halík là một linh mục. Ngài vốn là một linh mục “chui”, thậm chí ngay cả đối với người thân trong gia đình. Tại Tiệp Khắc, quả thực, ngay cả cha mẹ cũng không được biết gì về một linh mục đã được phong chức bí mật: đó là một “quy luật” cần phải được nghiêm ngặt tôn trọng trong một nước cộng sản, bởi vì nguy cơ bị nghe lén là quá cao. Và nếu bị phát giác, vị linh mục chịu chức “chui” sẽ phải đi tù đến hai năm, theo điều luật về tội “phá hoại sự lãnh đạo của nhà nước đối với các nhà thờ và các hiệp hội tôn giáo”.

Tomáš Halík, người Séc, sinh năm 1948, là một linh mục của Tổng Giáo phận Prague, giáo sư triết học tại Đại học của thủ đô; sau năm 1989 ngài là giáo sư thỉnh giảng tại các Đại học Oxford, Cambridge và Harvard. Câu chuyện của ngài là một trong những câu chuyện được kể lại trong tác phẩm “Những chứng nhân đức tin. Các kinh nghiệm cá nhân và tập thể của người Công giáo ở Trung và Đông Âu dưới chế độ Cộng sản”, do Jan Mikrut biên tập (Nhà Gabrielli xuất bản). Công trình này – rất đồ sộ, dài 1248 trang  – kể lại những câu chuyện anh hùng của nhiều tín hữu, nhưng đây không phải là một tập hợp các tiểu sử, mà là, như những người phụ trách biên soạn nói, câu chuyện về  “các phương pháp và các hình thức ngược đãi” khác nhau ở những nước mà chính quyền rắp tâm tiêu diệt tôn giáo.

Từ ngòi bút của năm mươi tác giả, xuất hiện một bức tranh mà phần lớn chưa hề được công bố, trong đó đan xen vào nhau những câu chuyện của các giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân thuộc khối Xô Viết, đã kiên cường dấn thân bảo vệ đức tin và các cơ cấu của Giáo Hội. Nhiều người trong số họ đã phải trả một giá rất đắt cho niềm tin tôn giáo của mình: bị bắt bớ, bị giam cầm, bị tra tấn, bị khổ sai trong các trại lao động, buộc phải sống trong những điều kiện vô nhân đạo.

Cha Halík đã được phong chức linh mục vào năm 1978, không phải tại đất nước của mình nhưng là ở Erfurt, Đông Đức: “Đó là thứ Bảy ngày 21 tháng 10 năm 1978. Lúc ấy là khoảng hơn 5 giờ chiều một chút, tôi được Đức Giám mục Hugo Aufderbeck phong chức, tại nhà nguyện riêng của ngài, trong bóng tối của nhà thờ”.

Ngài đã được đưa đến nhà của vị giám chức “ở ghế sau của một chiếc xe, được phủ một chiếc áo khoác”, bởi vì,”ngay cả khi Giáo Hội tại Đông Đức đã có nhiều tự do hơn, chúng tôi vẫn không dám tin chắc rằng lối vào tòa giám mục không bị kiểm soát bởi một camera bí mật của cảnh sát”. Halík nhận ra mình “có thể sẽ là vị tân linh mục đầu tiên của Đông Âu dưới triều đại giáo hoàng của Đức Giáo hoàng đầu tiên đến từ phía Đông, Đức Wojtyla”, đắc cử 5 ngày trước đó.

Cha Halík thường bị thẩm vấn, đặc biệt là về các mối quan hệ của ngài với những người “bất đồng chính kiến trong môi trường văn hóa, giới triết gia và samizdat (phổ biến tác phẩm văn học xuất bản không chính thức) Công giáo”. Cảnh sát “đe dọa tôi ghê lắm – ngài kể – rồi sau đó họ lại tâng bốc tôi và hứa rằng tôi có thể giảng dạy tại các trường đại học và đi du lịch ở nước ngoài, chỉ cần tôi ký vào một thỏa thuận hợp tác”. “Mô hình cổ điển” là sự hiện diện đồng thời của nhân viên an ninh “xấu” và nhân viên an ninh “tốt”: viên an ninh xấu thì quát tháo và đe dọa, sau đó biến mất trong một giờ, để một mình tôi ở lại với viên an ninh “tốt”, anh này sẽ tâng bốc tôi với nhiều lời hứa hẹn: chính tại thời điểm này mà nhiều người đã chọn con đường hợp tác với an ninh”.

Nhưng Cha Halík  là một người bất khuất, luôn luôn kiên quyết nói “không” với tất cả các mối đe dọa và các lời dụ ngon dỗ ngọt, cho dù “các sĩ quan nói với tôi rằng họ đã có đầy đủ tài liệu để làm hại tôi về mặt đạo đức”.

Cha Halík đã sống sót và kể lại câu chuyện của mình. Tuy nhiên, đã không có hồi kết tốt đẹp cho nhiều người khác, chẳng hạn như Đức Giám mục Bungari của Giáo phận Nicopolis, Đức Cha Eugenio Bossilkov, bị kết án tử hình năm 1952.

Tại Croatia, trong giai đoạn 44/45, có 243 linh mục đã bị giết chết, 169 vị bị bắt, 89 vị mất tích. Ở Ba Lan giữa ’49 và ’53 có 1000 giám mục và linh mục bị bắt, 41 vị bị kết án, 260 vị bị thủ tiêu. Những tội ác tương tự cũng xảy ra ở Slovenia, Đông Đức, Bosnia và Herzegovina, Romania, Hungary, Albania, Slovakia.

Nhưng cần chú ý: ở các nước này, bất chấp tất cả, “phần lớn các Kitô hữu vẫn trung thành với Giáo hội – Đức Hồng y Christoph Schönborn viết trong lời nói đầu – dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình; sự kiên cường của những con người ấy là một chứng từ rất đáng khâm phục về đức tin của họ”.

Tân Thanh (theo Vatican Insider)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết