Kỳ bầu cử Quốc hội đang ngày một đến gần. Nhóm lãnh đạo thắng thế trong Đại Hội 12 của Đảng gấp rút thâu tóm quyền lực chính trị về một mối, đảm bảo cho “hệ thống chính trị” được thống nhất tuyệt đối. Các vị trí “bộ tứ” gồm Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội phải rời bỏ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ, và sẽ được bãi miễn trong kỳ họp Quốc hội cuối cùng vào đầu tháng 4 tới đây .
Đồng thời, công tác bầu cử đã qua hội nghị hiệp thương lần thứ 2, chuẩn bị cho hội nghị hiệp thương lần thứ 3, sẽ diễn ra trước ngày 17 tháng 4. Như vậy, cuộc bầu cử Quốc hội lần này nằm trọn trong chương trình thâu tóm quyền lực tuyệt đối của của các vị lãnh đạo cao cấp nhất vừa thắng thế.
Trước khi bàn rộng thêm, cần làm rõ hội nghị hiệp thương là gì ?
Ý nghĩa của hiệp thương được ghép tắt từ ý nghĩa của thỏa hiệp và thương lượng. Hiểu rộng ra là thỏa thuận, phân chia ghế trong Quốc hội giữa các đảng phái, phe nhóm, các lượng lượng chính trị… Ở nước ta sau hội nghị Geneve năm 1954, cả 2 Miền đều đã chuẩn bị các đoàn để hiệp thương, tiến tới tổng tuyển cử.
Trải qua nhiều kỳ bầu cử, đến nay, hội nghị hiệp thương luôn được xác định là “hội nghị giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên, được tiến hành ở trung ương và địa phương để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cũng như việc lập danh sách sơ bộ và lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”.
Như vậy có thể hiểu đơn giản hội nghị hiệp thương là hội nghị xác định, phân chia ghế Quốc hội trong nội bộ “hệ thống chính trị” của Nhà Nước. Đối với những đối tượng ngoài “hệ thống chính trị”, thì đây là công cụ hữu hiệu để loại bỏ các ứng viên tự do một cách hợp pháp nhất. Và hội nghị hiệp thương lần thứ 3 (vòng hiệp thương cuối cùng) chốt danh sách ứng cử viên là vòng quan trọng nhất để thực hiện việc loại bỏ ấy.
Trong khi đó, những người phản kháng, các nhà hoạt động dân chủ tự ứng cử (gọi tắt là Dân Chủ Tự Ứng Cử), thực chất chỉ mới qua được bước đầu là đăng ký, với rất nhiều khó khăn cản trở. Ngoài việc phải làm đi làm lại các thủ tục rườm rà vô nghĩa như những cái bẫy trong hồ sơ lý lịch, nhiều người đã bị vu khống, bôi nhọ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đặc biệt, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị đích thân tổ trưởng dân phố phát tờ rơi “bôi nhọ” đến từng hộ gia đình trong tổ.
Bước tiếp theo là từng người phải đối diện với hội nghị lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú mà nhiều người cho là “màn đấu tố” kiểu cải cách ruộng đất xưa. Tuy nhiên khó khăn không phải là ở chỗ “đấu tố”, hay số phiếu biểu quyết. Khó khăn rất khó vượt qua ở đây chính là: trên cơ sở “các ý kiến phản đối, nghi ngờ” được lập thành hồ sơ gửi tới vòng hội nghị hiệp thương lần 3, người Dân Chủ Tự Ứng Cử bị gạt tại đây, chỉ để lại số tự ứng cử làm số dư cần thiết cho bầu cử. Những người này có thể trúng cử (với con số rất hãn hữu, ví dụ trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII, có 4 ứng cử viên tự do trúng cử đại biểu Quốc hội), nhưng tất cả đều sẽ nằm im trong sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản suốt nhiệm kỳ.
Cũng trong mấy ngày qua, một số người Dân Chủ Tự Ứng Cử thông báo rằng họ đã nhận được “giấy mời” từ cơ quan công an Quận Hoàn Kiếm, lý do là đã tham dự phiên tòa công khai xét xử một blogger phản kháng (và hơn nữa, ủng hộ blogger này). Chưa biết điều gì sẽ diễn ra sau vụ “giấy mời”, nhưng rõ ràng việc phải “làm việc với cơ quan công an” sẽ được “hỏa mù” thành “vi phạm”, tạo dư luận không tốt trong các hội nghị lấy tín nhiệm cử tri, và hơn nữa sẽ trở thành “hồ sơ” trong vòng hiệp thương lần thứ 3.
Tình huống đã rõ ràng với những ai quan tâm, song gió đã bắt đầu đối với các ứng viên tự ứng cử.
Trần Trung Luận