Các nhà truyền giáo chủ yếu không phải là “những người cung cấp các dịch vụ xã hội”, mà là những người truyền bá Phúc Âm, những người công bố “Mầu nhiệm của Chúa Giêsu thành Na-da-rét, Con Thiên Chúa”, theo Linh mục Alfred Maravilla, một Tu sĩ Dòng Salêdiêng, 57 tuổi, người Philippines.
Đối với nhà truyền giáo Dòng Salêdiêng, người đã sống 21 năm ở Papua New Guinea, ở những nơi “mà ở đó chúng ta thậm chí không thể nhắc đến Danh Thánh của Chúa Giêsu cũng như không thể biểu lộ các biểu tượng Kitô giáo”, việc làm chứng phải rõ ràng ngõ hầu “khơi dậy sự chú ý” đến Chúa Giêsu.
Tháng 3 năm ngoái, Linh mục Alfred Maravilla đã trở thành Tổng Cố vấn Truyền giáo trong Hội dòng của ngài. Như đã được nhắc đến trong Thông điệp ‘Evangelii Gaudium’ của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô, cũng như Đức nguyên Giáo Hoàng Benedict XVI và Thánh Giáo hoàng II trước Ngài, đã bày tỏ mối quan ngại liên tục rằng sự hiện diện của Kitô giáo không bị giảm xuống mức của một tổ chức phi chính phủ.
Tại Châu Á, các Tu sĩ Dòng Salêdiêng hiện diện tại 21 quốc gia với 4.268 thành viên (tính đến tháng 1 năm 2020). Ngoài công việc mục vụ, họ còn hỗ trợ gần một nghìn cơ sở giáo dục (từ trường đại học đến các nhà trẻ).
Đại Lễ Giáng sinh đưa chúng ta đến trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo của chúng ta. Tuy nhiên, khi bất kỳ sự đề cập nào đến sự ra đời của Chúa Kitô bị loại bỏ, thì đó không phải là Lễ Giáng sinh nữa. Thật vậy, không có Lễ Giáng sinh nếu không có Chúa Giêsu Kitô!
Chúng tôi thường được mời gọi bắt đầu hiện diện của Hội Dòng Salêdiêng ở nhiều nơi vì họ đánh giá cao công việc mục vụ của chúng tôi dành cho các thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi, công việc đào tạo chuyên môn của chúng tôi trong các trung tâm của chúng tôi hoặc công tác xã hội của chúng tôi dành cho những người tị nạn, những thanh thiếu niên bị gạt ra bên lề xã hội và những người bị buộc phải di dời.
Đây quả là một sự may mắn vô cùng. Tuy nhiên, nó cũng có thể trở thành một sự rủi ro. Chúng tôi, các Tu sĩ Salêdiêng, có thể có nguy cơ tập trung quá nhiều vào công việc của mình trong việc thăng tiến con người và phát triển những người nghèo và bị gạt ra bên lề xã hội đến mức chúng tôi chẳng mấy chú trọng đến việc loan báo Tin Mừng và thay vào đó chú trọng đến công việc với tư cách là các nhân viên xã hội hoặc các nhà cung cấp dịch vụ xã hội.
Nếu điều này xảy ra, ước muốn làm những việc lành phúc đức sẽ sớm tàn lụi và không còn cảm nhận được niềm vui khi rao giảng Tin Mừng. Không có truyền giáo nếu không có Chúa Kitô! Trên thực tế, “Không có Phúc âm hóa đích thực nếu danh tánh, lời giảng dạy, đời sống, lời hứa, vương quốc và mầu nhiệm của Đức Giêsu Nazarét không được công bố” (Thánh Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 22).
Chắc chắn, “Không một tín hữu nào tin tưởng vào Chúa Kitô, không một tổ chức nào của Giáo Hội được phép tránh né nhiệm vụ trên hết này: đó là nhiệm vụ phải loan truyền Chúa Kitô cho tất cả mọi dân nước” (Redemptoris Missio, số 3). Nhưng có những tình huống hoặc bối cảnh mà chúng ta thậm chí không thể đề cập đến Danh Thánh của Chúa Giêsu cũng như không thể biểu lộ các biểu tượng Kitô giáo. Trong những trường hợp này, mặc dù không được dè dặt khi nói về Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đừng bao giờ đánh mất ước muốn bên trong và ý định bên trong về việc thực hiện những gì chúng ta phải làm để làm chứng cho Chúa Giêsu.
Thách đố đó chính là phải sống sao cho đời sống chứng nhân của chúng ta trở thành một phương tiện nhằm kích thích sự quan tâm khám phá con người của Chúa Giêsu. Thật vậy, “việc trở thành Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát” (Đức Bênêđíctô XVI, Deus Caritas Est, số 1).
Sống tinh thần truyền giáo của Thánh Don Bosco ngày nay có nghĩa là đổi mới cuộc gặp gỡ cá nhân hàng ngày của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô để chúng ta đừng rao giảng chính mình nhưng trở thành những chứng nhân đáng tin cậy của Sứ điệp chúng ta mang đến: Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!
Minh Tuệ (theo Asia News)