Năm Thánh Lòng Thương Xót do Đức Thánh Cha Phanxicô khai mạc vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm mồng 8 tháng 12 vừa qua, đến nay thời gian ân sủng đặc biệt này đã trải ra hơn một nữa. Ở khắp nơi trên thế giới, đã có những hoạt động nhộn nhịp. Những buổi cầu nguyện, những cuộc hành hương, các Thánh Lễ long trọng suy tôn Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã được tổ chức, những người được sai đi… tạo nên trong Gia đình Hội Thánh một bầu khí đúng nghĩa là hồng ân. Bạn và tôi thì sao? Đã nhập cuộc chưa hay còn đứng bên lề nên không biết chi về dòng thời gian ân sủng của Năm Thánh ngoại thường mà chúng ta đang được hưởng?
Hôm nay, chúng ta hãy dành một chút thời giờ đọc nhanh Tông sắc “Dung Nhan Lòng Thương Xót” (Misericordiae Vultus) để biết Đức Thánh Cha hướng dẫn mình thế nào bạn nhé.
1. Ngỡ Ngàng
Ngộ nhỉ! Sao lại nói là “ngỡ ngàng”? Bạn biết không, khi ta đọc Tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, cảm nhận là Đức Thánh Cha nói về Chúa, về sự hiện diện yêu thương của Ngài, về ân sủng Thiên Chúa ban cho chúng ta trong Năm Thánh ngoại thường này nghe sao cụ thể quá. Có thể nói, ta ngỡ như Chúa là một người, ông A hay bà B. Ơn của Chúa ban như chị C, anh D đưa cho con mình cái bánh, viên kẹo. Chúa của mình sao gần gũi quá, như thể chạm được nhau. Nói về Chúa, Đấng ta không thấy, như nói về mùa hè có tiếng ve và hoa phượng khoe sắc đỏ. Mùa hè không ai thấy, nhưng thấy phượng nở, nghe tiếng ve kêu, đi trong nắng của tiết xuân đã đổi màu chói chang rừng rực sáng giữa đất miền Trung quê mình xứ Quảng, là biết ngay mùa hè đến đây rồi. Cùng nhau đọc những trích đoạn của tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót, ta biết:
“Chúa Giêsu thành Nazareth chính là Đấng mạc khải về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa” (số 1). “Mầu nhiệm này chính là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an […] Lòng Thương Xót chính là con đường mà nó gắn kết Thiên Chúa và con người lại với nhau, vì Lòng Thương Xót mở con tim ra cho niềm hy vọng trước việc chúng ta sẽ vẫn được yêu thương mãi mãi, bất chấp sự giới hạn vì tội lỗi của chúng ta” (số 2). “Lòng Thương Xót luôn luôn vượt lên trên mọi mức độ của tội lỗi, và không ai có thể đặt ra những giới hạn cho Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa” (số 3).
Đức Thánh Cha nói về Cổng Thánh. Đây là nghi thức chính trong ngày khai mạc Năm Thánh. “Vào ngày Đại Lễ kính Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Cha sẽ có được niềm vui trong việc mở chiếc Cổng Thánh. Chiếc cổng này sẽ là một chiếc cổng của Lòng Thương Xót, và ai bước qua chiếc cổng này, người ấy sẽ có thể có được kinh nghiệm về Tình Yêu an ủi của Thiên Chúa, Đấng tha thứ và ban tặng niềm hy vọng (số 3). “Khi chúng ta bước qua chiếc Cổng Thánh, chúng ta sẽ để cho mình được ôm choàng lấy bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cũng như để cho chúng ta bị ép buộc phải trở nên nhân từ với những người đang sống cùng thời với chúng ta, giống như Thiên Chúa Cha đang rất nhân từ với chúng ta vậy” (số 14).
Đức Thánh Cha tiếp tục những suy tư của Ngài về Lòng Thương Xót, vừa sâu sắc của thế giới mầu nhiệm nhưng lại đầy tràn cảm xúc của con người: “Thiên Chúa luôn luôn hiện diện trong lịch sử nhân loại với tư cách là Đấng gần gũi, Đấng chăm lo, Đấng Cứu Độ và Đấng Xót Thương… Lòng Thương Xót của Thiên Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, nhờ đó, Ngài mạc khải Tình Yêu của Ngài như là Tình Yêu của một người cha và của một người mẹ mà con cái nằm sâu trong con tim của họ. Đó thực sự là một Tình Yêu mãnh liệt. Tình Yêu ấy đến từ tận nơi sâu kín nhất và thẳm sâu nhất, nhưng tất nhiên là được thúc đẩy bởi sự trìu mến và bởi sự cảm thông, bởi lòng khoan nhân và bởi sự tha thứ” (số 6). “Lòng Thương Xót của Thiên Chúa phát xuất từ trách nhiệm của Ngài đối với chúng ta. Có nghĩa là Ngài cảm thấy Ngài có trách nhiệm. Ngài muốn điều tốt lành cho chúng ta, và Ngài muốn được nhìn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và thanh thản” (số 9). “Thiên Chúa không bao giờ trở nên mệt mỏi trong việc giơ cánh tay của Ngài ra. Ngài luôn luôn sẵn sàng lắng nghe” (số 19).
Có lẽ trong cuộc sống đức tin, bạn và tôi thấy rõ nhất nơi mình, tình trạng thiếu sót, lỗi lầm đối với Chúa và tha nhân. Ta cảm thấy buồn, ray rứt khi ta phạm tội; và cũng từng nếm được niềm vui, sự bình an làm nhẹ bổng tâm hồn khi mình được thứ tha. Đức Thánh Cha viết: “Năm Toàn Xá sẽ dẫn đưa tới việc chúng ta cũng được thứ tha tội lỗi […] Ơn tha thứ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta thì vô hạn […] Thiên Chúa luôn luôn tỏ ra sẵn sàng trong việc tha thứ, và Ngài sẽ không bao giờ trở nên mỏi mệt trong việc không ngừng tái giới thiệu ơn tha thứ đó, trong những cách thức ngoài sự mong đợi” (số 22) “Không ai có thể đặt ra ranh giới cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, vì những cánh cửa của Lòng Thương Xót luôn ở trong tư thế mở ra” (số 23). Trong Năm Thánh này, chúng ta hãy để cho mình được gây ngỡ ngàng bởi Thiên Chúa” (số 25).
Ôi! Ước gì trong cuộc gặp gỡ của Hội Trại này, ta cũng được ngỡ ngàng thốt lên: “Lạy Chúa! Đối với con, Chúa không còn xa như khi con đứng trên cánh đồng, hay bãi biển dài với bờ cát mịn, nhìn chân trời trước mắt, chạy tới để gần thì chân trời vẫn xa nguyên. Chúa không còn xa như lòng con đã từng chẳng quan tâm đến Chúa, nghe mệt mỏi khi ai đó nói dài về chuyện Chúa yêu. Giờ đây, con thấy cần phải hỏi chính mình, đối với con: Chúa là ai? ”
2. Cùng Khám Phá
“Chúa Giêsu Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha” (số 1). Mở đầu Tông Sắc, Đức Thánh Cha đã giới thiệu cho chúng ta như thế. Ngài chỉ cho bạn và tôi cách để khám phá, để cảm nghiệm lòng thương xót của Chúa dành cho mình, và để sống lòng thương xót, bằng cách: “lắng nghe Lời Chúa […] tái khám phá ra giá trị của sự tĩnh lặng để có thể suy niệm Lời Chúa” (số 13).
Trong Tông Sắc, Đức Thánh Cha dẫn chúng ta đi vào Cựu Ước, dừng lại ở một số Thánh Vịnh tiêu biểu để thấy Dân riêng của Chúa thời xưa đã biết, đã cảm nghiệm về Thiên Chúa của mình thế nào. Thiên Chúa là Đấng đang đồng hành với Dân, hành động của ngài là: “Xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn. Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146, 7-9) […] Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ, những vết thương, băng bó cho lành. […] Kẻ thấp hèn, Chúa nâng đỡ dậy, bọn gian ác, Người hạ xuống đất đen (Tv 147,3.6).” Chúa “tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103, 3-4). Thiên Chúa trong Cựu Ước cũng có lần “nỗi giận” nhưng liền sau đó là lòng xót thương: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi. Ta sẽ không hành động theo cơn nóng giận, sẽ không tiêu diệt Ép-ra-im nữa, vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ“ (Hs 11,8-9). Vì thế đối với Dân, Chúa là Đấng muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương (x. Tv 136) và là nơi nương tựa vững chắc để bất cứ lúc nào cũng có thể thốt lên: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con. Muôn lạy Chúa, xin mau phù giúp” (Tv 70,2).
Đặc biệt trong Tân Ước, nơi Đức Giêsu Kitô, một khi chúng ta “ngước mắt nhìn lên dung nhan nhân hậu của Ngài, chúng ta sẽ thấy được Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh” (số 8). Đức Giáo Hoàng viết tiếp: “Sứ mạng mà Chúa Giêsu đã nhận lãnh từ Chúa Cha, chính là điều mạc khải về mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trong sự viên mãn của Ngài. “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16). Thánh sử Gioan đã xác nhận như thế lần đầu tiên và là một lần duy nhất trong toàn bộ Kinh Thánh. Tình Yêu này rõ ràng và trở nên cụ thể trong toàn bộ cuộc sống của Chúa Giêsu. Ngôi vị của Ngài không phải là bất cứ điều gì khác ngoài Tình Yêu, một Tình Yêu tự hiến. Những mối tương quan của Ngài đối với con người […] chẳng hạn như đối với các tội nhân, với những người nghèo, những người bị đẩy ra bên lề, các bệnh nhân và những người đau khổ, chính là một bài học về Lòng Thương Xót. Tất cả trong Ngài đều nói về Lòng Thương Xót. Không có bất cứ điều chi trong Ngài mà không phải là sự chạnh thương […] Ngay cả ơn gọi của Matthêu cũng đã diễn ra trước viễn tượng Lòng Thương Xót […] Chúa Giêsu đã ngắm nhìn và đã tuyển chọn Matthêu với Tình Yêu đầy Lòng Xót Thương” (số 8).
Nếu nơi hành động của Chúa Giêsu cho thấy vẻ đẹp tuyệt vời của lòng thương xót, thì qua lời giảng dạy của Ngài, tiêu biểu là các dụ ngôn, cho chúng ta hiểu được chiều sâu của lòng thương xót ấy. Đức Thánh Cha viết: “Trong những dụ ngôn nói về Lòng Thương Xót, Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính Thiên Chúa như là bản tính của một người Cha, mà người Cha này sẽ không bao giờ bỏ cuộc nếu như trước đó đã không tha thứ hết mọi tội lỗi và vượt lên trên sự khước từ với sự cảm thông và Lòng Thương Xót. Chúng ta biết về những hình ảnh này từ ba dụ ngôn hoàn toàn đặc biệt: dụ ngôn về con chiệc lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tái tìm thấy, và dụ ngôn về người cha với hai đứa con trai của ông (xc. Lc 15,1-32). Trong những dụ ngôn ấy, niềm vui của người cha trong phút giây tha thứ được nhấn mạnh một cách đặc biệt. Trong những dụ ngôn này, chúng ta thấy được điều cốt lõi của Tin Mừng và của Đức Tin chúng ta, vì Lòng Thương Xót được giới thiệu như là sức mạnh vượt thắng tất cả, sức mạnh ấy lấp đầy con tim với niềm vui và sự ủi an thông qua sự tha thứ” (số 9).
Những câu Kinh Thánh, những đoạn Tin Mừng kể về những việc Chúa Giêsu làm, những lời Chúa Giêsu dạy, cách riêng các dụ ngôn, đã trở thành quá quen, đến độ nhiều lần bạn và tôi nghe nhưng chẳng để ý. Với Năm Thánh Lòng Thương Xót, nhờ hồng ân Thiên Chúa ban, và sự hướng dẫn của Đức Thánh Cha qua tông sắc Dung Nhan Lòng Thương Xót Chúa, chúng ta được mời gọi khám phá lại Lời Chúa, nơi chính những gì ta đã rất quen để thấy rõ khuôn mặt xót thương của Ngài. Đây là điều rất cần thiết vì như Đức Thánh Cha đã nói : “Được gây xúc động bởi Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, ngày lại ngày chúng ta cũng có thể trở nên nhân từ đối với những người khác” (số 14).
3. Hãy Lên Đường !
Đức Thánh Cha dạy: “Tình Yêu nhân hậu của các Ki-tô hữu cũng phải nằm trên một bước sóng như thế. Người Cha yêu thương thế nào thì con cái cũng phải yêu thương thể ấy. Nếu như Thiên Chúa là Đấng Thương Xót thì chúng ta cũng được kêu gọi để xót thương nhau” (số 9). Ánh sáng Lời Chúa của Năm Toàn Xá mời gọi chúng ta sống là “Nhân từ như Thiên Chúa Cha” (số 12). Đây cũng là khẩu hiệu của Năm Thánh (số 14).
Trên bình diện Hội Thánh, “Chiếc trụ đỡ nâng đời sống Giáo hội chính là Lòng Thương Xót […] việc loan báo Tin Mừng của Giáo hội và chứng tá của Giáo hội đối với thế giới sẽ không thể diễn ra nếu không có Lòng Thương Xót” (số 10). Đặc biệt là sự tha thứ : “Nếu như không có chứng tá về sự tha thứ thì chỉ còn lại một cuộc sống khô cằn và vô sinh, giống hệt như khi người ta sống trong một sa mạc thê lương. Đối với Giáo hội, đã đến lúc tái dành thời gian để công bố một cách vui mừng về sự tha thứ” (số 10).
Không chỉ như thế, Giáo hội còn “có sứ mạng công bố về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, công bố con tim đang sôi sục của Tin Mừng. Nhờ đó, Lòng Thương Xót sẽ đạt tới được con tim và khối óc của con người. Hiền thê của Chúa Kitô biến hành động của Con Thiên Chúa thành hành động của mình, và đi đến với tất cả mọi người cũng như không loại trừ bất cứ ai […] Chân lý đầu tiên của Giáo hội chính là Tình Yêu Chúa Kitô […] Tình Yêu dẫn tới sự tha thứ và sự tự hiến” (số 12).
Khi hiểu về Hội Thánh như vậy, việc cần là hãy lên đường để làm mới lại điều đã có, lên đường để làm chứng, lên đường để công bố ra, đến độ “nơi đâu có sự hiện diện của Giáo hội, thì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha cũng phải trở nên rõ rệt tại đó” (số 12).
Trên bình diện bản thân, thương xót trước hết là không xét đoán, kết án, nói xấu, nhất là do ghen tị và do cao ngạo (x. số 13). “Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để diễn tả Lòng Thương Xót. Chúa Giêsu yêu cầu chúng ta phải tha thứ và phải trao hiến chính bản thân mình hầu trở nên những khí cụ của sự thứ tha” (số 14).
Điều Đức Thánh Cha ước mong: “trong năm Toàn Xá này, các Kitô hữu sẽ suy tư về các công việc của Lòng Thương Xót: Thương Người Có Mười Bốn Mối”. Đức Thánh Cha bày tỏ: “Chúng ta hãy tái khám phá ra những công việc của Lòng Thương Xót đối với thân xác: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, cho khách đỗ nhà, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, chôn xác kẻ chết, chuộc kẻ làm tôi. Và chúng ta cũng đừng quên những công việc của Lòng Thương Xót đối với linh hồn: lấy lời lành mà khuyên người, dậy dỗ kẻ mu muội, yên ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết” (số 15). Đây là những việc làm không thể coi nhẹ, thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Vào lúc cuối đời, chúng ta sẽ bị kết án theo Đức Ái” (số 15).
Thiên Chúa là Đấng xót thương, lòng thương xót của Ngài đổ xuống trên chúng ta cách cụ thể qua bí tích Giao Hoà. Do đó, Năm Thánh là thời gian ân sủng mời gọi tội nhân trở về với Chúa. Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Anh chị em đừng sa vào chiếc cạm bẫy kinh khủng với việc tin rằng, mọi sự trong cuộc đời đều tùy thuộc vào tiền bạc, và rồi dẫn tới chỗ tin rằng, tất cả mọi thứ khác đều không có giá trị, đều không có phẩm giá. Điều đó chỉ là một ảo tưởng! Không ai có thể mang được tiền bạc của mình sang thế giới bên kia. Và tiền bạc không dẫn tới niềm hạnh phúc đích thực. Bạo lực, khi được sử dụng, cũng sẽ không đưa tới sức mạnh đích thực, và rồi hoàn toàn không bất diệt. Dù trước hay sau gì đi nữa, thế nào cũng có lúc cuộc phán xét của Thiên Chúa sẽ đến với tất cả, không người nào có thể trốn khỏi cuộc phán xét ấy” (số 19).
Suy tư về ơn tha tội đối chiếu với lòng thương xót Chúa, Đức Thánh Cha viết: “Lòng Thương Xót sẽ trở thành ơn xá giải mà Thiên Chúa Cha sẽ ban cho tội nhân […] sẽ giải thoát tội nhân khỏi tất cả những hậu quả của tội lỗi, đến độ tội nhân có thể tái hành động bởi Tình Yêu, hay nói cho đúng ra là, lớn lên trong Tình Yêu hơn là tái sa vào tội lỗi” (số 22). Với những lời này, bạn và tôi, đừng chần chừ nữa, hãy rủ nhau chạy ngay vào toà, lãnh lấy ân huệ lòng thương xót: ơn tha thứ và chữa lành, Chúa Giêsu đang đứng đợi ban cho ta một cách rất hào phóng đúng như chính Ngài là “Dung nhan lòng thương xót của Chúa Cha” (số 1).
Chúng ta vừa đọc Tông sắc Lòng Thương Xót theo cách xếp thành đề tài: “Ngỡ ngàng”, “Cùng khám phá”, “Hãy ra đi!”. Đối với bạn đây là lần đầu tiên hay lần thứ mấy bạn đọc Tông Sắc này? Từ khi biết Chúa, tiếp xúc với Lời Ngài, câu hay đoạn Kinh Thánh nào đánh động lòng bạn, cho bạn thấy, quả thật, Chúa là Đấng xót thương? Để sống lòng thương xót, theo bạn, ta phải làm gì?
Như nhánh hoa trên vách đá cheo leo làm cho cả khối đá thô cứng trơ trọi trở thành mềm mại, hay giữa bãi cát hoang khô cằn xứ biển, nhánh xương rồng nở hoa làm mát đi cái bỏng rát của ánh nắng mùa hè; lòng thương xót làm cho nỗi khổ nhẹ tênh, thử thách không đáng ngại và cuộc đời luôn luôn đáng sống.
Lòng thương xót bây giờ cho ta hưởng trước Nước Trời mai sau.
Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Việt, C.Ss.R.