Từ Lá thư của ĐTC Phanxicô gửi các tín hữu Công giáo tại Đức

Các giám mục và hồng y rời Nhà thờ Fulda vào ngày 24 tháng 9 sau lễ khai mạc Hội nghị toàn thể mùa thu của Hội đồng Giám mục Đức. Quá trình cải cách theo kế hoạch trong Giáo hội Công giáo là chủ đề lớn của cuộc họp năm nay của các giám mục Đức. (Ảnh của Frank Rumpenhorst / dpa / MaxPPP)

Các Giám mục và các Hồng y rời Nhà thờ Chính Tòa Fulda hôm 24 tháng 9 sau lễ khai mạc Hội nghị toàn thể mùa thu của Hội đồng Giám mục Đức. Quá trình cải cách theo kế hoạch trong Giáo hội Công giáo là chủ đề lớn của hội nghị năm nay của các Giám mục Đức (Ảnh: Frank Rumpenhorst)

Điều này là cực kỳ hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, đối với một vị Giáo hoàng để phát biểu với các tín hữu Công giáo ở một quốc gia cụ thể như ĐTC Phanxicô đã làm vào mùa hè vừa qua với bức thư dài 19 trang có tựa đề: “Thư gửi Dân Chúa tại Đức”.

Trên thực tế, ĐTC Phanxicô đã viết lá thư để bày tỏ mối quan ngại về kế hoạch của Giáo hội Đức trong việc tổ chức “tiến trình Thượng Hội đồng ràng buộc” kéo dài hai năm. Một cách ngẫu nhiên, từ tiếng Đức ‘Weg’ đã được dịch sang tiếng Anh là “con đường, tiến trình, thủ tục hoặc cuộc hành trình”.

Các Giám mục đã mời Ủy ban Giáo dân Công giáo Trung ương Đức, vốn đại diện cho con số hàng triệu trong số 25 triệu thành viên của Giáo hội, tham gia cùng họ trong tiến trình Thượng Hội đồng này để thảo luận về việc cải cách và đổi mới Giáo hội.

Các Giám mục đã làm như vậy trước bối cảnh của một cuộc “di cư” lớn, mà trong đó khoảng 216.000 người Công giáo Đức đã chính thức rời bỏ Giáo hội vào năm 2018. Hầu hết những người này đã viện dẫn vụ bê bối giáo sĩ lạm dụng tình dục và sự mất tín nhiệm đáng báo động của Giáo hội như là lý do chính yếu khiến họ rời bỏ Giáo hội.

Lá thư của Đức Giáo Hoàng trong con mắt của những người chứng kiến

Đây là bối cảnh mà trong đó các kế hoạch cho tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục Đức đã được đưa ra. Nhưng các Giám mục và các nhà thần học của Đức đã đưa ra một cách giải thích khác về bức thư mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đi đề cập đến tiến trình này.

Một số người coi lá thư này như là sự khuyến khích để tiếp tục những nỗ lực của họ để cải cách những cấu trúc đó vốn đã dẫn đến vấn nạn lạm dụng và sự mất uy tín, và do đó, gây trở ngại cho việc truyền giáo.

Những người khác xem bức thư của Đức Thánh Cha Phanxicô như một lời nhắc nhở rằng người Công giáo Đức không thể đi trước bất kỳ cải cách quan trọng nào bởi vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất của Giáo hội toàn cầu.

Những người này hiểu Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng, trên hết, Giáo hội cần phải tập trung vào việc truyền giáo.

Phần lớn các Giám mục đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tiếp tục với các kế hoạch tổ chức “tiến trình Thượng Hội đồng”. Các vị này bao gồm Chủ tịch Hội đồng Giám mục, Đức Hồng y Reinhard Marx Địa phận Munich, 66 tuổi.

Đức Hồng y Marx đã phát biểu với tờ ‘Frankfurter Allgemeine Zeitung’ rằng ngài xác quyết về điều này sau khi công bố báo cáo lạm dụng của Giáo hội Đức vào tháng 10 năm 2018, mà ngài gọi là “một cú sốc lớn”.

“Sự tương phản giữa vẻ bề ngoài và thực tế của Giáo hội làm tôi bối rối và thay đổi (toàn bộ thái độ của tôi đối với) đức tin của tôi”, ĐHY Marx nói.

Nhưng một bộ phận thiểu số nhỏ trong số các Giám mục – đứng đầu là Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, 63 tuổi, Giám mục Địa phận Cologne và Đức Cha Rudolf Voderholzer, 59 tuổi, Giám mục Địa phận Regensburg – đã phản đối “tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục”.

ĐHY Woelki cảnh báo rằng điều này sẽ đe dọa đến sự hiệp nhất mà các tín hữu Công giáo Đức chia sẻ với Giáo hội hoàn vũ và sẽ dẫn đến việc thành lập một Giáo hội quốc gia.

Các quan chức La Mã đưa ra hành động

Khi các Giám mục Đức tranh luận với nhau, các quan chức ở Roma đã quyết định can thiệp. Vào ngày 4 tháng 9, Đức Hồng Y Marx đã nhận được một lá thư từ Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng Trưởng Bộ Giám mục. Kèm theo là một đánh giá từ Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích Văn bản Giáo luật cáo buộc một dự thảo về “tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục” là đã vi phạm các quy tắc Giáo hội.

Trong phần trả lời của mình với Đức Hồng Y Ouellet, Đức Hồng Y Marx cho rằng sẽ “hữu ích hơn” nếu như Vatican tìm kiếm một cuộc trao đổi với các Giám mục Đức “trước khi gửi tài liệu này”.

Đức Hồng Y Marx đã bác bỏ cáo buộc của Vatican rằng các Giám mục Đức trên thực tế sẽ tổ chức một Thượng Hội đồng mà không thực sự gọi đó là một Thượng Hội đồng và do đó đã vi phạm Giáo luật.

Đức Hồng Y Marx cho biết rằng những cáo buộc như vậy đã không có hiệu lực, bởi vì các Giám mục Đức đã không cố tình chọn một hình thức cho các cuộc tham vấn của họ, vốn có thể bị cáo buộc là trái với Giáo luật. Ngài lập luận rằng “tiến trình Thượng Hội đồng” mang tính chất đặc thù và, như vậy, không được nhìn “qua lăng kính của các công cụ Giáo luật”.

Hơn nữa, Đức Hồng Y Marx đã chỉ ra rằng các cáo buộc của Vatican đề cập đến một tài liệu dự thảo vốn đã được sửa đổi từ lâu. Đức Hồng Y Marx cũng đã nổi giận với ý kiến của Roma rằng các Giám mục Đức đã phớt lờ lời kêu gọi thực sự của họ với tư cách là những vị Mục tử bằng cách thảo luận về các chủ đề chẳng hạn như quyền lực, vị trí của phụ nữ trong Giáo hội, luân lý tính dục và lối sống của Linh mục.

“Chúng tôi, các Giám mục, đang làm những điều chúng tôi cam kết thực hiện với tư cách là những vị Mục tử để giải thoát việc truyền giáo và loan báo sứ điệp của Chúa Kitô khỏi những trở ngại cản đường”, Đức Hồng Y Marx tuyên bố.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi sự trợ giúp của Đức Hồng Y Kasper

Vào thời điểm này, sự hỗn loạn trong số các tín hữu Công giáo Đức đang gia tăng. Họ tự hỏi liệu giáo quyền ở Roma – và trên hết, ĐTC Phanxicô – có tìm hiểu thông tin về Giáo hội Đức hay không.

Cuối cùng họ cũng đã được khai sáng vào ngày 18 tháng 9 bởi Đức Hồng Y Walter Kasper, cựu Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Sự Hiệp nhất Kitô giáo.

Đức Hồng Y Kasper đã phát biểu với tờ nguyệt san uy tín ‘Herder Korrespondenz’ về thần học rằng ĐTC Phanxicô đã gọi điện cho ngài vào hồi đầu tháng 6 và yêu cầu ngài đến để thảo luận về tình hình của Giáo hội Đức trong một cuộc tiếp kiến riêng.

Đức Hồng y Kasper, 86 tuổi, cho biết ngài “ngạc nhiên nhất” trước những phản ứng với Lá thư của ĐTC Phanxicô gửi các tín hữu Công giáo Đức. Ngài lưu ý rằng mọi người đã ca ngợi bức thư khi nó lần đầu tiên xuất hiện và Giáo hội Đức đã tiếp tục “tiến trình Thượng Hội đồng” theo như kế hoạch đã đề ra.

Đức Hồng y Kasper, một nhà thần học nổi tiếng và đã phục vụ 10 năm với tư cách là một vị Giám mục Giáo phận trước khi đến làm việc tại Vatican, cho biết rằng đó quả là “một sự tự lừa dối tai hại” khi nghĩ rằng một người có thể làm thức tỉnh niềm vui mới trong đức tin chỉ thông qua những cải cách về cơ cấu. Đức Hồng y Kasper đã chỉ ra rằng ĐTC Phanxicô đã đặt việc truyền giáo làm trung tâm điểm của những suy tư của mình.

Báo chí Đức đưa ra một số lời chỉ trích cay độc

Nhưng các biên tập viên của tờ ‘Herder Korrespondenz’, những người đã thực hiện thêm một số nghiên cứu, đã chia sẻ những phát hiện của họ trên mạng.

Họ cho biết rằng các nguồn tin độc lập tại Vatican đã xác nhận rằng bức thư của ĐTC Phanxicô có nguồn gốc từ Giáo triều La Mã mà không có bất kỳ sự tham gia nào của các Giám mục Đức. Ba nguồn tin khác nhau đều cho rằng các Giám mục Đức đang gây ra sự khó chịu lớn hơn bình thường giữa các quan chức tại Vatican.

Các nguồn tin cho biết quyết định của các Giám mục Đức trong việc cho phép những người ly dị đã tái hôn và những người phối ngẫu không theo đạo Công giáo trong các cuộc hôn nhân hỗn hợp được phép lãnh nhận Bí tích Thánh Thể trong Thánh lễ, đã khiến Roma đặc biệt khó chịu. Họ cho biết rằng chính vì điều này mà Hội đồng Giám mục Đức được coi là “không thể đoán trước”.

Vì vậy, khi các vị Giám chức người Đức tuyên bố kế hoạch tổ chức một “Thượng Hội đồng Giám mục” vào hồi tháng 2, một số thành viên quyền lực của Giáo triều Roma đã quyết định rằng đã đến lúc phải hành động. Vào tháng Năm, một hoặc nhiều cuộc họp liên Thánh Bộ được bảo mật cao đã được tổ chức tại Vatican chỉ để thảo luận về tình hình của Giáo hội tại Đức.

Theo ba nguồn tin độc lập, các vị Giám chức tham giacác cuộc họp đó là Đức Hồng y Luis Ladaria SJ, 75 tuổi, Tổng Trưởng Bộ Giáo lý Đức tin (CDF); Đức Hồng y Beniamino Stella, 78 tuổi, Tổng Trưởng Bộ Giáo sĩ; và Đức Hồng y Ozellet, 75 tuổi, người đứng đầu Bộ Giám mục. Quốc vụ Khanh Vatican, Đức Hồng y Pietro Parolin, 64 tuổi, cũng có mặt.

Họ đã quyết định để Đức Hồng y Ladaria tiếp cận ĐTC Phanxicô và thỉnh cầu Ngài giải quyết vấn đề của Giáo hội tại Đức. Nhưng trước khi thực sự viết bức thư của mình, trước tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhờ đến sự trợ giúp của Đức Hồng y Kasper.

“Chúng tôi có thể xác nhận rằng Lá thư của ĐTC Phanxicô gửi các tín hữu Công giáo Đức có thể được truy nguyên từ một cuộc trao đổi nội bộ giữa các Thánh Bộ có trách nhiệm liên quan của Vatican”, theo các biên tập viên của tờ ‘Herder Korrespondenz’.

Họ cho biết Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã khẳng định rằng vị Giáo hoàng 82 tuổi “chắc chắn đã ghi nhận những cuộc trao đổi này”.

Đức Hồng y Marx mang đến những tin vui mừng từ Roma

Trong khi đó, Hội đồng Giám mục Đức chuẩn bị cho hội nghị toàn thể của mình từ ngày 23-26 tháng 9, nơi mà 69 Giám mục của đất nước sẽ thảo luận chi tiết hơn về “tiến trình Thượng Hội đồng”.

Một tuần lễ trước khi Hội nghị toàn thể được tiến hành, Đức Hồng y Marx đã có mặt tại Roma để tham dự một loạt các cuộc họp liên quan đến tư cách thành viên của ngài trong Hội đồng Hồng y Cố vấn và chức vụ điều hành của ngài với tư cách là Điều phối viên của Hội đồng Kinh tế.

Nhưng Đức Hồng y Marx cũng đã tham dự một cuộc họp khác. Vào ngày 20 tháng 9, Đức Hồng y Marx đã cùng ngồi xuống với Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng y Ouellet để thảo luận về tình hình Giáo hội tại Đức. Đức Hồng y Marx cho biết rằng các cuộc đàm phán “mang tính chất xây dựng” và ngài đã có thể làm sáng tỏ những hiểu lầm nhất định.

Đức Hồng y Marx cho biết một tin hết sức vui mừng đó là Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyến khích các Giám mục Đức tiến hành “tiến trình Thượng Hội đồng” của mình.

Minh Tuệ (theo La Croix)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết