[…] xét về góc độ ích lợi của tự do trong giáo dục, cha mẹ cần tạo môi trường không triệt tiêu tự do của trẻ, để qua tiến trình giáo dục trẻ không bị biến thành robot, trẻ không trở thành vô trách nhiệm.
Cho con trẻ tự do có mâu thuẫn với việc cha mẹ lãnh trách nhiệm giải thích và định hướng không?
Ai cũng biết câu trả lời: Tự do ở đây không phải là cha mẹ hoàn toàn không chỉ ra hướng đúng, và tạo điều kiện cho trẻ đi theo đúng hướng.
Xin chia sẻ một mẩu trao đổi giữa người viết bài và một ông bố:
- Tối nay, thằng bé con trai của T, đang học lớp 5, đưa tờ giấy nhà trường tổ chức đi tham quan, đọc qua chương trình T giật mình, nhà trường cho các em tham quan Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Tại sao đến giờ này mà vẫn dạy các cháu tự hào về chiến tranh? Nhà trường và đơn vị tổ chức tour đã vậy, bảo tàng chiến tranh vẫn cho các em thiếu nhi vào xem là thế nào?!
- Với tư cách phụ huynh, bố một em bé 11 tuổi, bạn giải quyết vấn đề này ra sao?
- Gần như 100% các buổi tham quan do trường tổ chức trước đây, em đều cho 3 đứa con tham gia, riêng lần này em không cho tham gia và sẽ giải thích cụ thể với con.
Trước hết, ông bố đã thể hiện sự tự do của mình, trước các chương trình giáo dục do nhà trường của trẻ tổ chức, mà ông có thể quyết định. Kế tiếp, ông bố không ra lệnh cấm một cách độc đoán, bất chấp suy nghĩ của trẻ. Ông bố giúp trẻ hiểu rằng Tình Yêu mới đáng tự hào chứ không phải Chiến Tranh. Thông qua đó trẻ có cơ hội làm một việc với cả ý thức cá nhân của trẻ.
Nhưng sâu xa hơn việc tránh cho con thành robot, tránh cho con nguy cơ trở thành người vô trách nhiệm, các bậc cha mẹ có trách nhiệm, yêu thương con, thực ra muốn điều gì cho con cái nhất?
Thường các bậc cha mẹ đều nhắm đến mục đích lớn hơn nhiều, đó là sau này con cái của mình được hạnh phúc. Tình yêu của cha mẹ dành cho con cái đa phần “bao la như biển Thái Bình”, và công lao thì như câu hát: “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Công lao ấy đổ ra theo cách nào sẽ đưa con người đến hạnh phúc thật sự và bền vững?
“Mỗi người đều do Thiên Chúa tạo dựng, đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và sẽ tự hoàn thành chính mình bằng cách thiết lập mạng lưới quan hệ yêu thương, công bằng và liên đới với những người khác, khi tiến hành các việc làm khác nhau trong thế giới” (TLHTXH, số 35).
“Định mệnh” con người là thế: Con người sẽ HOÀN THÀNH chính mình.
Giáo hội đã chỉ ra con đường Thiên Chúa, với tình yêu vô hạn, đặt định cho từng người. Khi con người càng đến gần sự “hoàn thành”, cũng chính là con người càng đến gần thánh ý Thiên Chúa. Xuất phát từ tình yêu của Đấng Khôn Ngoan, nên hiển nhiên thánh ý Thiên Chúa sẽ phải dẫn con người đến nơi nhận được niềm hạnh phúc chân thật, sâu sắc và bền vững.
Thế tiến trình nào sẽ dẫn đến sự “hoàn thành”?
Như trên, “hoàn thành” không phải là tích lũy được cả kho kiến thức, tích lũy cả loạt bằng cấp, “hoàn thành” không phải là thành công trong việc nắm trong tay tỉ tỉ đồng, nắng không tới đầu, mưa không tới mặt, mặc kệ người chung quanh sống chết ra sao…
Như trích dẫn trên, Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo với sự ủy nhiệm của Thiên Chúa, dạy rằng con người sẽ đạt đến “hoàn thành” khi:
- Xây dựng quanh mình được một mạng lưới yêu thương.
- Xây dựng cho mình những quan hệ công bằng.
- Biết sống trong tình liên đới với người khác.
Tóm lại, nếu muốn đạt được hạnh phúc thật sự, sâu sắc và bền vững, chứ không phải chỉ những ảo ảnh, con người phải nhận ra rằng tất cả những gì mình trải qua trong suốt cuộc đời mình, như học hành, lao động, vui chơi, tiền bạc, của cải, bằng cấp v.v, đều chỉ là phương tiện để con người đạt đến mức hoàn thành trên.
Điều ấy đúng với bất cứ ai, nghĩa là cũng đúng với chính các bậc làm cha mẹ.
Với tình yêu bao la, sâu sắc dành cho con cái, với trách nhiệm đã tuyên thệ trước mặt Thiên Chúa về việc giáo dục con cái, thêm vào là sự hiểu biết về nơi thật sự sẽ đem đến cho con người hạnh phúc, phải chăng các bậc cha mẹ có thể chọn cách đồng hành cùng trẻ, trong vai trò một tấm gương, một ngọn đuốc dẫn đường, trên tiến trình hoàn thành chính mình, để giáo dục con trẻ?
Từ đó, các bậc cha mẹ tránh được sự lầm lẫn, khi đem những phương tiện như kiến thức, tiền tài, vật chất,… làm đích đến cho mình, rồi buộc cả con trẻ cũng phải đạt cho bằng được; thay vì những đích thật sự cần phải đến là sống các giá trị yêu thương – công bằng – liên đới – tôn trọng phẩm giá con người, trong tiến trình sống và nuôi dạy con trẻ.
Được như thế tình yêu của cha mẹ mới dẫn đưa con mình đến hạnh phúc thật, và đương nhiên chính cha mẹ cũng sẽ là đối tượng đạt hạnh phúc thật sự và bền vững như con cái họ.
Cát Nguyên
Nguồn: Trích từ bài “Tự do, Tình yêu và Giáo dục”, Tập san GHXHCG số 12