Tư bản chủ nghĩa có tương hợp với phẩm giá con người?
Câu trả lời sẽ còn phụ thuộc vào phẩm chất luân lý và ý nghĩa luân lý của hoạt động kinh tế trong hệ thống đó.
Khi nhìn về sự thất bại nổi bật của nền kinh tế do trung ương hoạch định trong hệ thống Xô Viết, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy rằng: Nếu ‘chủ nghĩa tư bản’ có nghĩa là một hệ thống kinh tế công nhận vai trò cơ bản và tích cực của kinh doanh, thị trường, tài sản tư hữu, và trách nhiệm đối với các phương tiện sản xuất, cũng như tính sáng tạo tự do của con người trong lĩnh vực kinh tế, thì câu trả lời chắc chắn là: Tư bản chủ nghĩa có tương hợp với phẩm giá con người.
Nhưng chúng ta sẽ không thể coi là có sự tương hợp với phẩm giá con người, nếu ‘chủ nghĩa tư bản’ có nghĩa là một hệ thống trong đó sự tự do trong các lĩnh vực kinh tế không được giới hạn trong một khung pháp lý vững vàng, theo tiêu chuẩn là khung luật pháp này đặt hệ thống kinh tế ở vị trí phải phục vụ cho tự do toàn diện của con người, và xem hệ thống kinh tế như một khía cạnh đặc biệt của sự tự do của con người, trong khi cốt lõi của tự do thuộc về đạo đức và tôn giáo.
Tất nhiên, kinh tế sẽ lấy việc phát triển sự giàu có và làm cho sự giàu có mỗi ngày một tăng lên, không chỉ về lượng mà cả về chất, làm mục tiêu của mình. Điều này thật đúng về mặt luân lý, nếu nó giúp con người được phát triển toàn diện trong sự liên đới và giúp xã hội, nơi mọi người sinh sống và làm việc, cũng được phát triển như thế.
Nhìn trong viễn tượng phát triển toàn diện và liên đới đó, chúng ta sẽ biết quý trọng đúng mức việc đánh giá luân lý mà học thuyết xã hội của Giáo Hội cống hiến cho con người, liên quan đến nền kinh tế thị trường, hay đơn giản hơn, liên quan đến nền kinh tế tự do. Theo đường hướng của Giáo hội, một quan điểm Kitô giáo liên quan đến các điều kiện xã hội và chính trị của hoạt động kinh tế sẽ không phải chỉ được xác định qua những quy tắc luật lệ, mà còn bao gồm cả phẩm chất luân lý và ý nghĩa luân lý của hoạt động kinh tế đó nữa.