Trong một cuộc phỏng vấn với Vatican News, Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak đã nói về mục đích của truyền thông Công giáo; sự cần thiết phải nói lên sự thật giữa bối cảnh của những thông tin sai lệch; và tầm quan trọng của sự liên đới với những người phải chịu bất công.
Khi Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các thành viên của Bộ Truyền thông vào tuần trước – bao gồm cả các nhân viên của Đài phát thanh Vatican, ngài đã nói với họ rằng truyền thông nên hướng tới mục tiêu “xây dựng những cầu nối nơi nhiều người xây dựng những bức tường; xây dựng cộng đồng nơi nhiều người làm gia tăng sự chia rẽ; bắt tay vào việc giải quyết những bi kịch của thời đại của chúng ta, nơi rất nhiều người thích sự thờ ơ”.
Sau buổi hội kiến Đức Thánh Cha, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Công giáo Ukraina tại Philadelphia, Hoa Kỳ, người hiện là thành viên của Bộ Truyền thông.
Trong cuộc phỏng vấn với Christopher Wells, Đức Tổng Giám mục Gudziak cho biết: “Tôi thiết nghĩ đó là điều Đức Thánh Cha mời gọi tất cả chúng ta trên thế giới, đặc biệt là Thánh Bộ này, thực hiện, để truyền bá Tin Mừng”.
Đức Tổng Giám mục Gudziak thừa nhận những chia rẽ hiện diện trên thế giới, nhưng đồng thời cùng cho biết rằng Giáo hội được kêu gọi để quy tụ mọi người lại với nhau. “Chúng ta được kêu gọi sống đời sống của Chúa Ba Ngôi, và đó là mô hình của chúng ta, và là điều mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta: tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Truyền thông Công giáo, Đức Tổng Giám mục Gudziak nói, “phải là điều gì đó quy tụ mọi người lại với nhau xung quanh chân lý, xung quanh vận mệnh của họ, xung quanh tin tức tuyệt vời rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, rằng Thiên Chúa đã ban Con một của Người để cứu rỗi chúng ta, Chúa Kitô đã bước vào thế giới của chúng ta, tội lỗi của chúng ta và cái chết của chúng ta; và sự chết không thể nắm giữ nguồn mạch sự sống. Nó đã bị chinh phục”.
“Điều đó phải là nền tảng và thông điệp chính yếu mà chúng ta chia sẻ theo nhiều cách thức khác nhau liên quan đến mọi chủ đề có thể có bằng mọi ngôn ngữ trên thế giới”, Đức Tổng Giám mục Gudziak cho biết.
Dưới đây là toàn văn cuộc phỏng vấn với Đức Tổng Giám mục Borys Gudziak của Tổng Giáo ơhanaj Philadelphia, Hoa Kỳ.
Kính thưa Đức Tổng Giám mục Gudziak, cảm ơn ngài đã tham gia cùng với chúng tôi trong buổi tiếp kiến với Đức Thánh Cha khi kết thúc phiên họp toàn thể của Bộ. Một trong những điều Đức Thánh Cha đã nói đến, và tôi biết ngài đã ưu tiên, là mời gọi những người làm công tác truyền thông trở thành những người xây dựng cầu nối trong thời đại mà rất nhiều người đang dựng lên những bức tường, và cũng là những người kiến tạo hòa bình, và vấn đề hòa bình và việc trở thành những người làm truyền thông và xây dựng hòa bình là vô cùng quan trọng trong thời đại ngày nay, và đặc biệt là đối với Giáo hội và người dân của ngài. Xin Đức Tổng Giám mục vui lòng chia sẻmột chút về điều đó?
Vâng, trước hết, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với công việc của Bộ Truyền thông, và lòng hiếu khách nữa. Đây là Thánh Bộ lớn nhất tại Vatican. Hơn 500 người làm việc ở đây. Bộ Truyền thông có chương trình phát thanh bằng 53 ngôn ngữ, và cũng có ấn phẩm bằng nhiều ngôn ngữ. L’Osservatore Romano được xuất bản thường xuyên bằng 7 ngôn ngữ, vì vậy đó là một sứ mệnh vô cùng phức tạp trong việc truyền bá Tin Mừng.
Và tôi thiết nghĩ đó chính là điều Đức Thánh Cha mời gọi tất cả chúng ta trên thế giới, đặc biệt là Thánh Bộ này, thực hiện, để truyền bá Tin Mừng.
Có những sự chia rẽ. Ma quỷ – diabolos – là kẻ chia rẽ. Diabolo có nghĩa là chia rẽ trong tiếng Hy Lạp. Chúng ta được kêu gọi để quy tụ mọi người lại với nhau. Chúng ta được kêu gọi để sống đời sống của Chúa Ba Ngôi. Và đó là mô hình của chúng ta, và là điều mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta: tình yêu giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chúng ta là những con người thực sự được xác định bởi khả năng của chúng ta với cá mối tương quan. Chúng ta phát triển trong mối tương quan và chúng ta héo mòn khi chúng ta bị cô lập và bị xa lánh. Và vì vậy, các phương tiện truyền thông của Giáo hội Công giáo phải là điêu gì đó quy tụ mọi người lại với nhau xung quanh sự thật, xung quanh số phận của họ, xung quanh tin tức tuyệt vời rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, rằng Thiên Chúa đã ban Con một của Ngài để cứu rỗi chúng ta, Chúa Kitô đã bước vào thế giới của chúng ta, tội lỗi của chúng ta và cái chết của chúng ta; và sự chết không thể nắm giữ nguồn mạch sự sống. Nó đã bị chinh phục.
Và vì vậy, đó phải là nền tảng và thông điệp chính yếu mà chúng ta chia sẻ theo nhiều cách thức khác nhau liên quan đến mọi chủ đề có thể có trong mọi ngôn ngữ trên thế giới. Tận dụng những khía cạnh đẹp đẽ của các nền văn hóa do Thiên Chúa ban tặng, mà trên thực tế có hàng ngàn nền văn hóa như vậy.
Và đó quả là một nhiệm vụ đáng kinh ngạc, một ơn gọi đáng kinh ngạc. Đáng kinh ngạc về vẻ đẹp và sự cao quý của nó, nhưng cũng đáng kinh ngạc về những thách thức và khó khăn của nó.
Và không còn tổ chức toàn cầu nào nữa, ngoài Giáo hội Công giáo. Không có tổ chức nào có thể truyền đạt trực tiếp đến hàng triệu, hàng trăm triệu, thậm chí là một tỷ người như Giáo hội Công giáo.
Và vì thế, Bộ Truyền thông, tìm cách tạo điều kiện cho việc lên tiếng này, việc làm chứng này của Giáo hội Công giáo là một tổ chức rất quan trọng. Và Đức Thánh Cha đã chúc lành cho hoạt động của Bộ và kêu gọi Bộ thực sự trở thành người xây dựng cầu nối như Đức Thánh Cha đã kêu gọi Bộ, và tất cả chúng ta, trở thánh những người xây dựng cầu nối và là người loan báo Tin Mừng.
Và một phần trong số đó ngài đã đề cập, Giáo hội có phạm vi rất rộng trên toàn thế giới. Theo một cách nào đó, Giáo hội cũng có thể chống lại một số chia rẽ chính trị hoặc đảng phái và đồng thời có ơn gọi nói lên sự thật và thậm chí có thẩm quyền nói sự thật …
Đó luôn là một sự cân bằng tinh tế. Chúa Giêsu rất mực khoan dung. Ngài đến với những người tội lỗi. Ngài đến với những người, có thể nói là, ở bên lề xã hội.
Nhưng Ngài cũng kêu gọi việc nói thẳng nói thật. Và trong bối cảnh toàn cầu của những cuộc chiến tranh tàn khốc, của nạn diệt chủng, của sự bất bình đẳng xã hội, của sự thống trị, thậm chí của chế độ nô lệ, chúng ta được kêu gọi với tư cách là những người Kitô hữu để nói lên sự thật.
Tất nhiên, tôi biết rõ nỗi đau khổ của người dân Ukraine. Mỗi ngày có cả trăm người bị giết, cả trăm người mỗi ngày. Các bệnh viện, trung tâm mua sắm, tòa nhà chung cư, nhà ga xe lửa bị tấn công. Có một nỗ lực tàn phá để đánh bại người dân, và Đức Thánh Cha kêu gọi Giáo hội cầu nguyện cho người dân Ukraine.
Chúng ta, những người Kitô hữu, những người thể hiện tình liên đới với các nạn nhân, có một vai trò rất quan trọng, bởi vì nhiều cuộc chiến tranh ngày nay đang bị che giấu, và chúng là những cuộc chiến tranh thông tin. Và những kẻ đàn áp, giết chóc, phá hủy, muốn thực dân hóa, họ muốn làm cho hành động của mình được chấp nhận, và họ sử dụng thông tin, thông tin sai lệch, tin tức giả để thao túng toàn bộ khán thính giả. Và đó là lý do tại sao truyền thông và việc công bố Tin Từng cũng thường phải nói sự thật về những tình huống cụ thể.
Chúng ta đã nói một chút về cuộc chiến ở Ukraine, cuộc chiến đang diễn ra, như ngài đã đề cập, một cuộc chiến phức hợp không chỉ diễn ra trên chiến trường ở Ukraine, mà còn trong lĩnh vực thông tin. Cá nhân ngài là một phần của cộng đồng người Ukraine lưu vong của Giáo hội Công giáo Hy Lạp Ukraine, những người Ukraine đã lan rộng khắp thế giới, tại Hoa Kỳ. Và tất nhiên, đang diễn ra cuộc bầu cử lớn cho chức Tổng thống [Hoa Kỳ] cũng như các chức vụ trên khắp đất nước. Và trên mặt trận đó, cũng có một câu hỏi về truyền thông và thông tin và nói lên sự thật. Đức Cha có thể nói về điều đó không? Có lẽ nói chung chung thôi?
Vâng, có rất nhiều mối quan tâm về việc duy trì tình liên đới toàn cầu, của người dân, của những người thiện chí và các quốc gia thiện chí với nạn nhân trong cuộc chiến tranh thuộc địa này.
Các ứng cử viên khác nhau ở Hoa Kỳ đã bày tỏ các lập trường khác nhau. Điều quan trọng nhất là phần lớn dân số Hoa Kỳ, phần lớn dân số Công giáo tại Hoa Kỳ, tất cả các Giám mục, không loại trừ ai, đều đứng về phía Ukraine không phải vì đó là vấn đề quốc gia, mà vì đó là vấn đề về sự thật, công lý và phẩm giá con người, dân chủ.
Và vì vậy, chúng tôi hy vọng rằng bất kỳ ai trở thành Tổng thống mới của Hoa Kỳ, người đó sẽ có lập trường tiên tri.
Nhưng ngay cả ở đó, sự tin tưởng của chúng ta không chỉ ở một người, mà là ở toàn thể dân chúng Hoa Kỳ, những cử tri đã bày tỏ ý kiến của mình với các thượng nghị sĩ, với các đại biểu quốc hội. Và chúng ta biết, trên thực tế, rằng phần lớn các đại diện tại Hạ viện và Thượng viện đều ủng hộ Ukraine.
Vì vậy, tôi không thể nói rằng tôi không lo lắng vì việc đổ máu vẫn tiếp diễn. Sự tàn phá đất nước vẫn tiếp diễn. 4000 trường học đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, gần 2000 bệnh viện, 15.000 dặm đường. Thiệt hại về cơ sở hạ tầng ở đất nước này sẽ dẫn đến một mùa đông rất khó khăn, vì họ không thể sửa chữa tất cả các hệ thống sưởi ấm và lưới điện. Các ước tính ngày nay cho biết thiệt hại gây ra sẽ cần 1 nghìn tỷ đô la trong dự án tái thiết.
Trong lòng tôi rất lo lắng về điều này, nhưng cũng có một sự tin tưởng thực sự vào Thiên Chúa rằng chân lý của Ngài sẽ chiến thắng, rằng những người đau khổ, những người bảo vệ phẩm giá mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, sẽ được Thiên Chúa và các quốc gia và người dân thiện chí trên thế giới bảo vệ.
Cảm ơn Đức Tổng Giám mục rất nhiều. Xin quay trở lại một chút với cuộc họp với Bộ Truyền thông vào sáng ngày 4 tháng 11, và lời kêu gọi của Đức Thánh Cha để chúng ta lên tiếng và chia sẻ Tin Mừng, để trở thành những người xây dựng cầu nối và xây dựng hòa bình. Là một thành viên của Bộ Truyền thông, ngài nhận thấy gì về tầm nhìn cho Bộ trong tương lai?
Đức Thánh Cha đã nói về việc sáng tạo trong việc hoàn thành sứ mệnh của chúng ta trong những thời điểm có lẽ khó khăn tại Vatican. Ngài nhận thấy tầm nhìn trong tương lai sẽ như thế nào?
Vâng, tôi đã nói về hai điều, cả trong nhóm nhỏ lẫn trong phiên họp toàn thể.
Truyền thông Công giáo, đặc biệt là các nhà truyền thông đến từ Tòa Thánh, cần phải có chất lượng cao. Trước hết, chất lượng cao của chứng tá, của chứng tá thiêng liêng. Chúng ta cần thực sự loan báo Tin Mừng như Chúa Giêsu đã mời gọi chúng ta.
Chúng ta phải có chất lượng cao và công nghệ trong phương pháp thể hiện báo chí.
Và đề xuất thứ hai mà tôi đưa ra như sau: Chúng ta có rất nhiều hệ thống truyền thông, phương tiện truyền thông xã hội và hiện nay là AI, có một số thuật toán nhất định được chuẩn bị, thiết kế bởi những người có mục tiêu nhất định – hoặc đôi khi những mục tiêu đó có thể không rõ ràng ngay cả với chính các nhà thiết kế. Chúng ta nên nền tảng hóa thông điệp của Giáo hội Công giáo để các thuật toán được tạo ra bởi Giáo hội và các nhà truyền thông của chúng ta, qua đó đảm bảo rằng những người lắng nghe, người theo dõi, các khán thính giả của chúng ta là những người tham gia vào mạng lưới truyền thông toàn cầu; có thể nắm bắt được sự thật, có thể nắm bắt được những tin tức tốt đẹp, có thể tránh khỏi việc bị chi phối bởi một loạt tin tức tiêu cực có thông điệp gây chia rẽ.
Và tôi tin rằng điều đó có thể thực hiện được, và đây là những gì tôi đã nói. Bạn biết đấy, chúng ta có 1,3 tỷ người Công giáo: hãy tìm 20 chuyên gia tài năng nhất trong lĩnh vực AI, lập trình máy tính, quản lý phương tiện truyền thông xã hội và truyền thông nói chung, và yêu cầu họ cùng nhau xây dựng một nền tảng Công giáo sẽ đưa mọi điều tốt đẹp vào Giáo hội Công giáo và kết nối tất cả những người Công giáo muốn được kết nối theo các thuật toán xuất phát từ bản sắc của chúng ta chứ không phải là các thuật toán do người khác kiểm soát, những người đang tìm cách kiếm tiền hoặc thao túng, theo cách thức của chủ nghĩa dân túy, các bộ phận lớn của dân số toàn cầu.
Thật là tham vọng…
Vâng, bạn biết đấy, Giáo hội Công giáo là tổ chức toàn cầu thực sự đầu tiên. Giáo hội đã nói, diễn đạt thông điệp, ơn gọi của mình bằng nhiều ngôn ngữ và nhiều nền văn hóa hơn bất kỳ tổ chức nào khác. Đây là tổ chức lâu đời nhất còn tồn tại. Giáo hội có một thẩm quyền trung ương có thể khai thác và tập hợp các tài năng, năng khiếu của một nhóm người theo dõi đáng kinh ngạc.
Và tôi nghĩ rằng Giáo hội nên làm điều đó.
Thiên Ân (theo Vatican News)