Một Giáo phận Công giáo ở vùng hẻo lánh của Úc đã công bố kế hoạch mở trường học Công giáo K-12 đầu tiên mang tên Chân Phước Carlo Acutis.
Trường trung học Chân Phước Carlo Acutis sẽ “có một đời sống cầu nguyện và sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể hàng ngày được đặt làm trung tâm tiểm của nó, nơi tất cả mọi sinh viên sẽ có cơ hội xây dựng tình bằng hữu mật thiết với Chúa Giêsu”, theo lời vị Giám mục sáng lập của trường.
Trong một cuộc phỏng vấn với CNA, Đức Giám mục Columba Macbeth-Green cho biết Giáo phận của ngài muốn trao cho ngôi trường mới của mình một Đấng bảo trợ trên trời để “các em có thể được truyền cảm hứng trong đức tin của mình”.
Chân Phước Carlo Acutis là một thanh niên Công giáo đến từ Ý với lòng sùng kính nhiệt thành đối với Sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và có năng khiếu về lập trình máy tính.
Vào năm 2020, Acutis trở thành thanh niên thế hệ Y đầu tiên được Giáo hội Công giáo tôn phong Chân Phước và hiện chỉ còn một bước nữa để được tuyên phong lên bậc Hiển Thánh.
“Acutis là một thanh niên có lòng sùng kính Chúa Giêsu Thánh Thể, vốn là trung tâm điểm của trường học của chúng tôi, cùng với mạng internet, với những điều mà giới trẻ ngày nay đang đối phó: làm thế nào để có thể nên thánh trong thế giới ngày nay”, theo Đức Giám mục Địa phận Wilcannia-Forbes, một Giáo phận bao phủ vùng Viễn Tây của New South Wales.
“Tôi chỉ nghĩ: ‘Thật tuyệt vời, Chân Phước Carlo Acutis sẽ là Đấng bảo trợ cho ngôi trường của chúng tôi’”.
Ngôi nhà nguyện
Khi Chân Phước Carlo còn là một học sinh tiểu học, Carlo thường xin dừng lại để cầu nguyện trước Nhà tạm của Giáo xứ mà cậu bé đi qua trong những lần đi bộ đến trường.
“Trung tâm điểm của trường sẽ là một Nhà nguyện. Tất cả mọi thứ đều khởi nguồn từ đó”, Đức Giám mục Columba nói.
“Ngay cả trong thiết kế của ngôi Nhà nguyện của chúng tôi, đó sẽ là nơi để trẻ em có thể vào và kính viếng Thánh Thể, đây sẽ là một phần trong thói quen hàng ngày của trường học theo gương Chân Phước Carlo”, Đức Giám mục Columba nói.
Đức Giám mục Columba xác quyết rằng việc tập trung nhiều hơn vào Bí tích Thánh Thể có thể mang lại một sự đổi mới tinh thần đối với nền giáo dục Công giáo.
“Chúng ta cần hình thành nơi những người trẻ tuổi của chúng ta lòng yêu mến dành cho Thiên Chúa”, Đức Giám mục Columba nói.
Đức Giám mục Columba cho biết thêm: “Chúng ta cần thực sự quay trở lại, tái khám phá và thực sự sống đức tin của mình bởi vì đó là nơi chúng ta nhận được sự nuôi dưỡng từ đó”.
“Và chúng ta có thể nhận thấy trong Giáo hội trên toàn thế giới ngày nay điều gì sẽ xảy ra khi bạn đánh mất điều đó. Nhiều người rời bỏ Giáo hội. Những người trẻ tuổi không còn đến nhà thờ bởi vì họ không có mối tương quan đó”.
Giáo trình Công giáo
Đức Giám mục Columba vừa hoàn thành việc sửa đổi chương trình giáo dục tôn giáo của Giáo phận để trang bị cho học sinh kiến thức cả về Giáo lý của đức tin Công giáo và sống đức tin với “mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa”.
“Những gì bọn trẻ thực sự học được không phải là đức tin trọn vẹn”, vị Giám chức giải thích.
“Rất nhiều điều cốt lõi đã bị cắt bớt, có thể nói như vậy, các học thuyết”.
Ngôi trường mới sẽ có chương trình giảng dạy nghệ thuật phong phú và giáo dục tôn giáo dựa trên phương pháp giáo dục Montessori, với trọng tâm mang tính “thực hành” về Bí tích Thánh Thể và Thánh Lễ.
“Tôi mong muốn mọi trẻ em thực sự nhận thức được đức tin của mình, có thể sống đức tin của mình, nhưng thực sự cũng có mối tương quan cá nhân với Thiên Chúa”, Đức Giám mục Columba nói.
“Hãy nằm lòng Giáo lý, hiểu được những điều cốt lõi, nhưng hãy suy ngẫm về những điều này và làm cho mọi thứ thấm nhuần từ khối óc đến con tim… Cách tốt nhất để suy ngẫm đó là với việc Chầu Thánh Thể. Đó là khi bạn thực sự dành thời gian cho Đấng mà bạn đang tìm hiểu”, Đức Giám mục Columba nói.
Đức Giám mục Columba xuất thân từ một Tu viện chiêm niệm. Ngài được thụ phong trong Dòng Thánh Phaolô Ẩn sĩ Tiên Khởi, còn được gọi là Dòng Ẩn tu Thánh Phaolô, mà đặc sủng bao gồm việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong sự cô tịch và yêu mến cầu nguyện.
Vị Giám mục chơi kèn túi sinh trưởng trong một trang trại trong Giáo phận của mình và từng là Tuyên úy cảnh sát ở Wagga trước khi được bổ nhiệm và trở về phục vụ ở vùng hẻo lánh ở quê nhà.
Internet ở khu vực xa xôi hẻo lánh
Có diện tích tương đương nước Pháp, Giáo phận Wilcannia – Forbes của Úc là Giáo phận Công giáo lớn nhất thế giới, không có bờ biển và không có thị trấn nào với hơn 20.000 dân.
“Nơi tôi sống tại một Văn phòng Chưởng ấn và nhà tôi nằm cách Nhà thờ Chính Tòa của tôi chín tiếng đồng hồ lái xe”, Đức Giám mục Columba giải thích.
Với lãnh thổ rộng lớn như vậy, các trường học Công giáo của Giáo phận đã chủ yếu dựa vào công nghệ để kết nối học sinh ở các khu vực vùng sâu vùng xa.
“Một số trường học nhỏ bé của chúng tôi đã có các phòng học trực tuyến kết nối với các trường khác, vì vậy hai hoặc ba trường của chúng tôi có thể tập hợp lại và cùng nhau thực hiện các lớp khoa học, và chúng có thể cách nhau 100 km [60 dặm]”, Đức Giám mục Columba nói.
Vì công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong lớp học, Đức Giám mục Columba cho biết rằng ngài muốn đảm bảo rằng các học sinh của mình đang học cách sử dụng công nghệ một cách quân bình, để thế giới trực tuyến không thay thế các mối tương quan thực tế và cộng đồng.
“Bạn phải thánh hóa nó và sử dụng nó cho mục đích tốt để bạn có thể thực sự sử dụng nó để truyền bá đức tin, nhưng phải thực sự sử dụng nó để phát triển đức tin của chính bạn”, Giám mục Columba nói.
Về vấn đề này, Chân Phước Carlo có thể là một mẫu gương tuyệt vời. Từ 12 đến 14 tuổi, chàng thanh niên Carlo đã thiết kế một trang web liệt kê các phép lạ Thánh Thể đã xảy ra trên khắp thế giới, mà Carlo đã đề khởi vào năm 2005.
Chân Phước Carlo qua đời vì bệnh bạch cầu một năm sau đó khi chỉ mới 15 tuổi, phó dâng những đau khổ của mình để cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng và cho Giáo hội.
“Bạn có thể nên Thánh khi còn trẻ”, Đức Giám mục Columba nói. “Và tôi thiết nghĩ rằng điều đó quả là có tác động mạnh mẽ… Ý tôi là tôi sẽ không thể làm tốt công việc của mình với tư cách là một Giám mục nếu tôi bỏ qua điều đó”.
Trường Cao đẳng Chân Phước Carlo Acutis dự kiến sẽ mở cửa vào năm 2024 với số lượng sinh viên đăng ký cuối cùng khoảng 300-500 sinh viên.
Đại dịch COVID-19, gần đây đã ảnh hưởng nặng nề đến một số cộng đồng bản địa trong Giáo phận, đã khiến việc xây dựng trường học bị trì hoãn.
Đức Giám mục Columba gần đây đã quay trở về sau khi trải qua thời gian hai tuần lễ làm công việc mục vụ cho các cộng đồng bản địa xa xôi “để giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn đó, đồng thời mang lại cho họ một chút hy vọng”.
“Chúng tôi là một Giáo phận bên lề, nằm ở khu vực ngoại vi xa xôi ở Úc, như chúng tôi muốn nói, nó nằm ở khu vực xa xôi hẻo lánh. Vì vậy, đây là Trường trung học Giáo phận đầu tiên của chúng tôi”, Đức Giám mục Columba nói.
“Quả thực hết sức vinh dự khi trường của chúng tôi được đặt theo tên một người trẻ đầy cảm hứng đã cho thấy rằng trẻ em và thanh thiếu niên có thể sống cuộc đời dâng hiến cho Thiên Chúa và quan tâm đến những người xung quanh”.
Minh Tuệ (theo CNA)