Những nỗ lực của Vatican nhằm giải quyết sự chia rẽ giữa các Giám mục Trung Quốc hầm trú và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc được chính phủ công nhận phải đối mặt với một thách thức khác, khi một Giám mục cao niên trung thành với Rôma được báo cáo là đã từ chối yêu cầu nghỉ hưu của Vatican để được thay thế bởi một Giám mục được chính quyền Trung Quốc ủng hộ.
Giáo hội tại Trung Quốc đã bị chia rẽ giữa Giáo hội Công giáo hầm trú và Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc được chính thức công nhận. Mỗi Giám mục được công nhận bởi Bắc Kinh phải trở thành thành viên của Hiệp hội này.
Các cuộc đàm phán của Tòa Thánh với chính phủ Trung Quốc cuối cùng có thể dẫn tới việc Vatican công nhận bảy Giám mục được bổ nhiệm bất hợp pháp ủng hộ Bắc Kinh. Tòa Thánh có thể theo đuổi sự công nhận chính thức của Trung Quốc đối với 20 ứng cử viên Giám mục được Tòa Thánh bổ nhiệm, một số Giám mục trong số này đã được tấn phong cách bí mật, ngoài việc công nhận của nhà nước đối với 40 Giám mục trong cộng đồng Công giáo hầm trú.
Nhiều Giám mục, linh mục và giáo dân thuộc Giáo hội hầm trú đã bị đàn áp và bị sách nhiễu.
Vào tháng 12 năm 2017, Toà Thánh đã đề nghị vị Giám mục 88 tuổi, Đức Cha Phêrô Trang Kiện Kiện (Peter Zhuang Jianjian) Địa phận Sán Đầu ở phía nam tỉnh Quảng Đông phải nghỉ hưu để một vị Giám mục bị vạ tuyệt thông được tấn phong bất hợp pháp có thể thay thế vị trí của Ngài và được Vatican công nhận, theo Asia News.
Tuy nhiên, vị Giám mục được Vatican công nhận đã từ chối yêu cầu của phái đoàn về việc nghỉ hưu.
Trước đây Tòa Thánh đã đề nghị Đức Cha Zhuang từ chức trong một lá thư vào ngày 26 tháng 10 năm 2017. Theo nguồn tin từ một nhà thờ ở Quảng Đông, đề nghị được giấu tên, đã phát biểu với Asia News rằng vào thời điểm của lá thư trên, Đức Cha Zhuang “từ chối phục tùng và đúng hơn là ‘vác Thánh Giá’ vì việc không vâng lời”.
Vị Giám mục đã được bí mật tấn phong vào năm 2006 với sự chấp thuận của Vatican. Chính phủ Trung Quốc không công nhận việc tấn phong, và chỉ xem vị Giám mục này như một linh mục. Chính phủ ủng hộ Đức Giám mục Giuse Huỳnh Bỉnh Chương (Joseph Huang Bingzhang), một thành viên của quốc hội Trung Quốc, được gọi là Quốc hội Nhân dân, đối với vị trí của Đức Cha Zhuang. Vị Giám mục này đã bị vạ tuyệt thông vào năm 2011 khi chấp nhận việc tấn phong Giám mục mà không có sự chấp thuận của Vatican.
Vào tháng 12, vị Giám mục cao tuổi, Đức Cha Zhuang được hộ tống đến Bắc Kinh mặc dù sức khoẻ yếu và thời tiết giá lạnh, nơi mà Ngài có cuộc gặp riêng với các nhà lãnh đạo Hiệp hội Yêu nước Trung Quốc Công giáo, các quan chức thuộc Cơ quan Quản lý Tôn giáo Trung Quốc của Trung Quốc và phái đoàn của Vatican.
Nếu Đức Cha Zhuang từ chức, phái đoàn Tòa Thánh cho biết, Ngài có thể đề cử ba linh mục, và một trong số đó Đức Cha Huang sẽ chọn làm Tổng Đại diện của mình.
“Đức Cha Zhuang không cầm được nước mắt khi nghe lời đề nghị”, theo nguồn tin của tờ Asia News, đồng thời giải thích rằng “điều đó không đồng nghĩa với việc bổ nhiệm một vị Tổng đại diện, một người vẫn còn là một linh mục mà Đức Giám mục Huang có thể cách chức ngài bất cứ lúc nào”.
Cuộc tranh cãi này là một phần của một nỗ lực ngoại giao tế nhị nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa Vatican và Trung Quốc và đồng thời xem xét hoàn cảnh của cộng đồng Công Giáo hầm trú. Đức Tổng Giám mục Claudio Maria Celli chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán và được Asia News xác định là người đứng đầu phái đoàn Vatican.
Ngay cả các Giám mục trong Hiệp hội yêu nước cũng có thể trung thành với Toà Thánh, và đôi khi họ đã giận dữ chống lại hiệp hội. Giám mục Phụ tá Thượng Hải, Đức Cha Taddeus Ma Daqin đã đồng ý thông qua việc bổ nhiệm của Tòa Thánh và chính phủ Trung Quốc, nhưng ngài đã tuyên bố từ chức khỏi Hiệp hội yêu nước vào buổi lễ tấn phong của mình vào tháng 7 năm 2012. Ngài ngay lập tức bị quản thúc tại gia. Mặc dù sau này dường như ngài đã rút lại lập trường của mình chống lại hiệp hội, thế nhưng Đức Cha Taddeus Ma Daqin vẫn phải đối mặt với sự cô lập.
Ban đầu, có 8 vị Giám mục bất hợp pháp đã được tấn phong như một phần của hiệp hội yêu nước đang chờ đợi sự chấp thuận của Tòa Thánh, nhưng một trong số họ đã qua đời hồi năm ngoái.
Về phần mình, chính phủ Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi nỗ lực nhằm “Hán hóa” tôn giáo. Trong vai trò Tổng Thư ký Đảng Cộng sản, vào tháng 10 năm ngoái, ông Tập đã kêu gọi “các phương pháp tiếp cận mới” đối với các vấn đề về tôn giáo và sắc tộc.
“Lý do chính đó là buộc tất cả các tôn giáo phải duy trì nguyên tắc độc lập và tuân theo sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”, Asia News cho biết.
Những sự sắp xếp khác nhằm thống nhất các Giám mục hợp pháp và bất hợp pháp trong nước đang được tiến hành tại Giáo phận Mindong thuộc tỉnh Phúc Kiến miền đông Trung Quốc. Đức Giám mục Giáo phận, Đức Cha Joseph Guo Xijin, là một Giám mục Công giáo hầm trú đã bị giam giữ khoảng một tháng trước Tuần Thánh vào năm 2017.
Trích dẫn các nguồn tin địa phương, Asia News cho biết phái đoàn Vatican đã yêu cầu vị Giám mục này tự nguyện chấp thuận một chức vụ với tư cách là Giám mục phụ tá dưới quyền Đức Giám mục Vincent Zhan Silu, một trong bảy Giám mục được bổ nhiệm bất hợp pháp được chính phủ ủng hộ. Đây cũng là một trong những điều kiện mà các quan chức Trung Quốc đã đề nghị đối với Đức Cha Guo trong thời gian Ngài bị giam giữ.
Theo Giáo luật, các Giám mục Phụ tá có quyền kế nhiệm vị Giám mục Địa phận của họ, có nghĩa là về nguyên tắc, Đức Cha Zhan cuối cùng có thể trở lại với vai trò lãnh đạo của một Giáo phận.
Đức Giám mục Zhan đã không xác nhận cuộc gặp gỡ với Asia News hoặc thảo luận về quy trình chấp thuận một cách chi tiết, nhưng ngài cho biết rằng có những cuộc họp thường xuyên giữa Vatican và các quan chức Trung Quốc về các cuộc đàm phán.
Hai vị Hồng y hàng đầu trong khu vực có những quan điểm khác nhau về công việc ngoại giao của Vatican tại Trung Quốc.
Trong một bài báo vào tháng 2 năm 2017 trên tờ Sunday Examiner của Hồng Kông, Đức Hồng Y John Tong Hon Địa phận Hồng Kông cho biết các Giám mục được bổ nhiệm bất hợp pháp đang sẵn lòng bày tỏ sự vâng phục Đức Giáo Hoàng. ĐHY John Tong Hon cũng đã bày tỏ sự lạc quan rằng Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc có thể chuyển đổi thành một cơ chế tự mang tính nguyện hơn.
Tháng 5 năm 2017, Đức Hồng Y Joseph Zen, nguyên Tổng Giám mục Địa phận Hồng Kông, đã tỏ ra hoài nghi về cách tiếp cận ngoại giao hiện nay của Vatican đối với Trung Quốc. Theo quan điểm của ĐHY Zen, các cố vấn của Đức Giáo Hoàng đang “đưa ra những lời khuyên hết sức tồi tệ”. Ngài cũng tỏ thái độ nghi ngờ thiện chí của chính phủ.
“Họ vẫn đang tiếp tục kiểm soát Giáo hội và họ muốn kiểm soát Giáo hội nhiều hơn nữa”, ĐHY Zen nói.
Tuy nhiên, Đức Hồng y Zen cũng đã bày tỏ sự lạc quan về hàng giáo sĩ của Hiệp hội Công giáo Trung Quốc được công nhận.
“Đa số các linh mục và Giám mục trong Giáo hội chính thức, họ có thể, trong thâm tâm của họ, vẫn còn hiệp nhất với Giáo hội hoàn vũ, thế nhưng họ lại bị kiểm soát một cách chặt chẽ”, ĐHY Zen phát biểu với CNA vào hồi tháng 2/2017.
Minh Tuệ chuyển ngữ