Trước thềm Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành, ĐTC Phanxicô cùng với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác cầu nguyện cho sự hiệp nhất

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự buổi cầu nguyện đại kết vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, trước thềm Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Đức Thánh Cha Phanxicô tham dự buổi cầu nguyện đại kết vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, trước thềm Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành (Ảnh: Truyền thông Vatican)

Trước thềm Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành rất được mong đợi, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng với các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác cầu nguyện để sự kiện này sẽ trở thành một tiến trình hợp nhất thoát khỏi sự chia rẽ về ý thức hệ và phân cực.

Chia sẻ trong buổi cầu nguyện đại kết vào ngày 30 tháng 9 tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu nguyện để Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành sẽ là “một kairós của tình huynh đệ, một nơi mà Chúa Thánh Thần sẽ thanh lọc Giáo hội khỏi những chuyện ngồi lê đôi mách, những ý thức hệ và sự phân cực”.

“Khi chúng ta tiến tới dịp kỷ niệm quan trọng của Công đồng Nicaea”, diễn ra vào năm 325, “chúng ta hãy cầu xin để chúng ta có thể biết cách, giống như các nhà đạo sĩ, cùng nhau tôn thờ, trong sự hiệp nhất và trong sự thinh lặng, Mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, một cách xác tín rằng chúng ta càng gần gũi với Chúa Kitô thì chúng ta sẽ càng hiệp nhất với nhau hơn”, Đức Thánh Cha nói.

Buổi cầu cầu nguyện đại kết hôm thứ Bảy được Cộng đồng Taizé tổ chức trước thềm khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục về Hiệp hành vào ngày 4 tháng 10, bế mạc vào ngày 29 tháng 10 và là cuộc họp đầu tiên trong số hai cuộc họp tại Rôma kết thúc tiến trình Thượng Hội đồng, cuộc họp thứ hai sẽ diễn ra vào tháng 10 năm 2024.

Sáng sớm hôm thứ Bảy, ngày 30 tháng 9, trước khi chủ sự Công nghị tấn phong 21 tân Hồng y, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tổ chức các cuộc gặp gỡ riêng với Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I của Tòa Thượng phụ Constantinople; Đức Tổng Giám mục Canterbury Justin Welby; và Đức Thượng phụ Chính thống Syria của Antioch Ignatius Aphrem II, và các phái đoàn của họ.

Ba nhà lãnh đạo tôn giáo đã đến Rôma để tham dự buổi cầu nguyện vào thứ Bảy, được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô và các tín hữu thuộc nhiều hệ phái khác nhau cũng đã được mời tham dự.

Tiến trình gồm nhiều giai đoạn được khai mạc vào tháng 10 năm 2021 và đã diễn ra ở cấp Giáo phận, quốc gia, lục địa và giờ đây là cấp độ toàn cầu, Thượng Hội đồng Giám mục có chủ đề là “Vì một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ”, và đã gây ra sự tranh cãi về một số vấn đề thảo luận nhất định, chẳng hạn như việc truyền chức linh mục cho phụ nữ, luật độc thân linh mục, việc chúc lành cho các cặp đồng giới và việc tiếp cận rộng rãi hơn với cộng đồng LGBTQ+.

Trong bài chia sẻ trong buổi cầu nguyện, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảm ơn các vị lãnh đạo và đại diện các Giáo hội hiện diện: “Chúng ta hãy cùng nhau bước đi, không chỉ những người Công giáo, mà tất cả mọi Kitô hữu, tất cả những người đã được rửa tội, toàn thể Dân Chúa, bởi vì chỉ có toàn thể Dân Chúa mới có thể có được sự hiệp nhất của tất cả mọi người”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy tư về tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong thinh lặng, đồng thời cho biết rằng phương pháp thinh lặng “là điều quan trọng và mạnh mẽ: Nó có thể bày tỏ nỗi buồn không tả xiết khi đối mặt với sự bất hạnh, nhưng cũng có thể bày tỏ, trong những giây phút vui mừng, một niềm vui không thể diễn tả bằng lời”.

Sự thinh lặng “là điều cần thiết cho đời sống của một tín hữu”, Đức Thánh Cha nói, vì nó nằm ở thời điểm bắt đầu cuộc hiện hữu trần thế của Chúa Giêsu, nơi máng cỏ và vào thời điểm cuối cuộc đời của Người, trên thập giá.

“Trong một thế giới đầy ồn ào náo động, chúng ta không còn quen với sự thinh lặng; thực sự đôi khi chúng ta phải đấu tranh với nó, bởi vì sự thinh lặng buộc chúng ta phải đối diện với Thiên Chúa và chính mình. Tuy nhiên, nó nằm ở nền tảng của lời nói và của cuộc sống”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng “sự thật không cần những tiếng kêu lớn để chạm đến trái tim con người”, và ngay cả trong Kinh Thánh, “Thiên Chúa không thích những lời tuyên bố và những tiếng hò hét, những lời nói hành và sự ồn ào: thay vào đó, Ngài yêu thích, như đã làm với ông Êlia, ngỏ lời với ‘giọng nói nhỏ nhẹ’, trong một ‘chuỗi thinh lặng cộng hưởng’”.

Các Kitô hữu, Đức Thánh Cha nói, “cần phải giải thoát mình khỏi quá nhiều sự ồn ào để có thể lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa. Vì chỉ trong sự thinh lặng của chúng ta, Lời của Người mới vang vọng”.

Sự thinh lặng cũng rất cần thiết trong đời sống của Giáo hội, đồng thời cũng cho biết thêm rằng sự thinh lặng trong cộng đồng Giáo hội “làm cho việc giao tiếp huynh đệ trở nên khả thi, trong đó Chúa Thánh Thần hòa hợp các quan điểm”.

“Trở nên hiệp hành có nghĩa là chào đón nhau theo cách này, với ý thức rằng tất cả chúng ta đều có điều gì đó để chia sẻ và học hỏi, cùng nhau lắng nghe Thần Khí sự thật để nhận biết Người nói gì với các Giáo hội”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết việc giữ thinh lặng “cho phép sự phân định thực sự” thông qua việc chăm chú lắng nghe lắng nghe “những tiếng rên xiết khôn tả” của Thánh Thần vang vọng, mà Đức Thánh Cha cho biết thường ẩn tàng, “trong Dân Chúa”.

“Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn lắng nghe cho các tham dự viên tham gia Thượng Hội đồng”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết sự thinh lặng cũng rất quan trọng trên hành trình hiệp nhất Kitô giáo, đồng thời gọi đó là khía cạnh “nền tảng” của việc cầu nguyện, và nhấn mạnh rằng “công cuộc đại kết bắt đầu bằng lời cầu nguyện và sẽ vô ích nếu không có cầu nguyện”.

“Thực vậy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện để các môn đệ của Người ‘được nên một’”, Đức Thánh Cha nói, “Việc cầu nguyện trong thinh lặng cho phép chúng ta đón nhận hồng ân hiệp nhất như Chúa Giêsu mong muốn, bằng những phương tiện mà Ngài muốn, chứ không phải như một thành quả độc lập từ những nỗ lực của chúng ta và theo những tiêu chuẩn thuần túy của con người”.

“Càng cùng nhau hướng về Thiên Chúa nhiều hơn trong lời cầu nguyện, Thiên Chúa càng thanh luyện chúng ta và hiệp nhất chúng ta vượt qua những sự khác biệt”, Đức Thánh Cha nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng ngài sẽ trao một số hạt giống cho mỗi nhà lãnh đạo tôn giáo hiện diện trong một cử chỉ mang tính biểu tượng, đồng thời cho biết rằng những hạt giống đó tượng trưng cho “những ân huệ khác nhau mà Chúa Thánh Thần ban cho các truyền thống Kitô giáo khác nhau: chính chúng ta phải gieo những hạt giống ấy, với sự xác tín rằng chỉ có Thiên Chúa mới làm cho chúng lớn lên”.

Những hạt giống này, Đức Thánh Cha nói, “sẽ là một dấu chỉ đối với chúng ta, những người được mời gọi lặng lẽ chết đi cho sự ích kỷ để có thể nảy nở sinh sôi, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, trong sự hiệp thông với Thiên Chúa và trong tình huynh đệ giữa chúng ta”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài chia sẻ của mình bằng lời cầu nguyện để giống như “các nhà thông thái từ phương Đông được một ngôi sao dẫn đến Bêlem, thì nguyện xin ánh sáng thiên đường cũng có thể hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu và đến với sự hiệp nhất mà Ngài đã cầu nguyện”.

Minh Tuệ (theo Crux)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết