Để tiếp tục theo đuổi con đường đưa tới sự hiệp thông trọn vẹn và đồng thời mang lại sự tin tưởng trong cuộc sống của các tín hữu Trung Quốc, cần cân nhắc những gì đem lại sự hiệp nhất, và từ đó tìm ra sức mạnh để vượt qua những điều gây ra sự chia rẽ, đồng thời mời gọi tất cả các bên cùng cộng tác để giải quyết một loạt các vấn đề.
Có nhiều vấn đề nảy sinh liên quan đến đời sống của Giáo Hội ở Trung Quốc; nhưng trong các cuộc đàm phán giữa Toà Thánh và Chính quyền Trung Quốc, một vấn đề đặc biệt nổi bật: việc đề cử các Giám mục, cụ thể là thủ tục lựa chọn các ứng viên Giám mục và cách thức Đức Giáo Hoàng chỉ định họ.
Rõ ràng là có nhiều vấn đề khác có liên quan đến chủ đề này. Trong số những vấn đề khác: việc chính quyền dân sự công nhận các Giám mục quen gọi là “hầm trú”; việc Toà Thánh công nhận các Giám mục được tấn phong mà không có phép của Đức Giáo Hoàng; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Giám mục Trung Quốc. Những vấn đề này phải là chủ đề của việc nghiên cứu và đối thoại tiếp theo.
Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong Thư gửi Giáo Hội Trung Quốc vào năm 2007, đã giải thích lý do tại sao chủ đề về các Giám mục lại quan trọng như vậy:
Như anh chị em biết, sự hiệp nhất sâu xa vốn đã gắn bó các Giáo Hội địa phương ở Trung Quốc lại với nhau, và tương tự như vậy họ hiệp thông mật thiết với các Giáo Hội địa phương khác trên khắp hoàn vũ. Sự hiệp thông đó có chung một nguồn gốc, không phải chỉ vì chung một niềm tin và một phép rửa tội, nhưng trên hết là do Bí tích Thánh Thể và cùng một chủ chăn. Cũng như vậy, sự hiệp nhất với vị chủ chăn, ‘trong đó có Đức Giáo Hoàng, đấng kế vị Thánh Phêrô, là nền tảng và nguồn gốc hữu hình đời đời’ sẽ tiếp tục qua nhiều thế kỷ với sự nối tiếp của các thánh tông đồ; đó là căn tính nền tảng của Giáo Hội qua mọi thời đại, một Giáo Hội được Chúa Kitô thiết lập mà thánh Phêrô và các thánh Tông đồ là nền móng.
Ngày nay, không ai nghi ngờ rằng các tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc có cùng một đức tin, cùng một Phép Rửa, một Bí tích Thánh Thể thành sự, và các vị chủ chăn kế vị các Tông Đồ. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc đã trải qua những khó khăn, thử thách và lo âu; Giáo Hội đã trải qua những đổ vỡ, và đồng thời đã bị tổn thương và chia rẽ. Nhưng điều này đã không xảy ra ở cấp độ của các Bí tích, vốn luôn luôn có hiệu lực về căn nguyên của chúng; mà đúng hơn là ở cấp độ thực tế đời sống, và ở cấp độ của các mối quan hệ huynh đệ. Tuy nhiên, những cấp độ này rất quan trọng đối với kinh nghiệm đã trải qua về đức tin và tinh thần bác ái, cũng như hiệu quả của sứ mạng chung và việc làm chứng của Giáo Hội trên thế giới.
Như mọi người đều biết, vào một thời điểm trong lịch sử, ở Trung Quốc, ngay tại trung tâm của Giáo Hội Công Giáo, đã xảy ra một cuộc khủng hoảng dẫn đến việc thành lập hai cộng đồng với số lượng lớn các Giáo phận: một bên quen được gọi là Cộng đồng “bí mật” hoặc “hầm trú”; và bên kia quen được gọi là cộng đồng “chính thức” hoặc “yêu nước” – mỗi cộng đồng đều có các mục tử riêng (các Giám mục và linh mục). Cuộc khủng hoảng này không bắt nguồn từ những lựa chọn nội bộ đối với Giáo Hội nhưng đã bị quy định bởi những tình huống về bản chất có cấu trúc chính trị.
Trong quá trình lịch sử hơn hai ngàn năm của mình, Giáo Hội Công Giáo thường bị đe doạ tự chia rẽ; và lý do của những sự chia rẽ đó thì rất đa dạng. Hoàn cảnh đặc biệt dẫn đến việc hình thành hai cộng đồng ở Trung Quốc không phải là một vấn đề luân lý và giáo lý theo nghĩa chặt, như trường hợp ở những thế kỉ đầu tiên của Giáo Hội và sau đó đặc biệt là ở Kitô giáo Châu Âu vào thế kỷ 16. Đó cũng không phải là một vấn đề phụng vụ và pháp lý như đã xảy ra giữa thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai.
Trường hợp Trung Quốc là một vấn đề về quan điểm chính trị xét theo bề ngoài. Không rơi vào chủ nghĩa xét lại dễ dàng liên quan đến trách nhiệm trong quá khứ, người ta có thể hỏi rằng liệu Giáo Hội ở Trung Quốc ngày nay có được mời gọi xem xét sự hiện diện và sứ mạng đặc biệt của nó trên thế giới bằng một cách thức mới mẻ hay không. Điều này cũng sẽ xảy ra bằng cách kết hợp những sự bén nhạy khác nhau vốn hiện diện trong Giáo Hội mọi thời đại và địa điểm: xu hướng “nhập thể” nhiều hơn, mà nếu như bị cô lập, có khuynh hướng hướng tới tính chất trần tục; và một xu hướng nặng về tâm linh vốn hướng chiều về những thực tại trừu tượng. Hai khuynh hướng này phải luôn gần gũi với nhau, phải cùng trò chuyện, hiểu biết, và cùng đồng hành với nhau vì lợi ích của Giáo Hội cũng như công cuộc truyền giáo.
Tuy nhiên, ngoài những khác biệt tinh thần khác nhau, chắc chắn cũng có những lựa chọn cụ thể, được tạo ra dựa trên những phương tiện thực tế khác để thể hiện những giá trị quan trọng, chẳng hạn như việc trung thành với Đức Giáo Hoàng, làm chứng cho Tin Mừng và việc theo đuổi những lợi ích của Giáo hội và các linh hồn.
Điều chắc chắn là, khi đối mặt với tình trạng không thống nhất có thể dễ dàng nhận thấy trong Giáo Hội ở Trung Quốc, mọi người đều phải chịu đựng, hoặc ít nhất là tự thấy mình không khỏi khó chịu: các nhà chức trách Giáo Hội, cộng đồng tín hữu, hoặc có lẽ là ngay cả chính phủ. Tình trạng khó hiểu và sự hiểu lầm đang diễn ra chẳng mấy tốt đẹp. Cứ đà này, tình trạng bất thường của một Giáo Hội không chỉ bé nhỏ về số lượng mà còn chia rẽ thành hai cộng đồng không công nhận giá trị của nhau và không yêu mến nhau đủ, sẽ khiến cho những người Công Giáo đeo đuổi con đường hoà giải càng thêm đau khổ. Chính từ tình yêu thương nhau bên trong các cộng đồng mà những người khác có thể hiểu rằng Thiên Chúa đang hiện diện giữa họ.
Trong bối cảnh này, thật dễ hiểu việc đề cử các Giám mục, và đặc biệt là sự hiệp nhất giữa họ, chính là những vấn đề quan trọng, chính xác là bởi vì chúng chính là trọng tâm của đời sống Giáo Hội ở Trung Quốc. Để có thể có được sự hiệp nhất này, hàng loạt những trở ngại cần phải được khắc phục; trước hết là “tình huống đặc biệt của Trung Quốc” xuất phát từ việc các nhà chức trách chính trị hạn chế, theo nhiều cách thức, đời sống và sứ vụ mục vụ của các Giám mục.
Một mặt, tình huống đó đã dẫn đến việc các Giám mục được Chính phủ ủng hộ nhưng lại được tấn phong mà không có sự ủy nhiệm của Giáo Hoàng (có nghĩa là, không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng); và mặt khác, nó gây ra việc các Giám mục được Tòa Thánh chỉ định nhưng lại không được Nhà nước công nhận. Tình huống khó khăn này không thể được khắc phục ngoại trừ bằng việc bắt đầu hai đường lối chính thức khác nhau, vốn dẫn đến việc công nhận của Giáo Hội và việc công nhận của chính phủ.
Do đó, việc tìm kiếm một thỏa thuận giữa các nhà chức trách Giáo hội và ác nhà chức trách chính trị về những điểm này, thậm chí ngay cả khi chỉ là những thoả thuận không hoàn hảo, là cực kỳ cần thiết và cấp thiết nhằm tránh sự tổn hại vì những sự tương khắc thêm nữa. Vì lý do này, những hành động của ba vị Giáo Hoàng trước đó đều được thực hiện theo cùng một đường lối: nuôi dưỡng tinh thần hiệp nhất của toàn thể cộng đồng Công giáo; giúp các Giám mục “bất hợp pháp” quay trở về với sự hiệp thông trọn vẹn; và, đồng thời, cổ võ sự trung thành của các Giám mục đó, dù là “chính thức” hay “bí mật”, những người đã hiệp thông với Giáo hội. Cuối cùng, họ đã tìm cách thực hiện một cuộc hành trình hướng tới một thực tế về việc Giáo Hội sống tinh thần hiệp thông trọn vẹn.
Đáp lại một câu hỏi về tình hình của Giáo Hội ở Trung Quốc, Đức Bênêđictô XVI đã trả lời như sau:
Hàng loạt những yếu tố đã cổ võ sự phát triển tích cực của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc … Một mặt, mong muốn cháy bỏng để được hiệp thông với Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ thiếu vắng trong số các giám mục được tấn phong bất hợp pháp. Điều này làm cho hoàn toàn có thể xảy ra việc tất cả họ sẽ bắt tay vào con đường hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn, một quá trình mà trong đó chúng ta phải kiên trì cùng đồng hành với họ và làm việc với họ ngày này qua ngày khác. Có một sự nhận thức cơ bản về Giáo Hội Công Giáo giữa họ, đó là một người chỉ thực sự trở thành một giám mục trong sự hiệp thông này. Mặt khác, các giám mục được tấn phong bí mật, những người không được nhà nước chấp thuận, giờ đây có thể hưởng lợi từ thực tế là, thậm chí ngay cả vì những lý do chính trị đơn thuần, chính phủ không còn có lợi gì khi cầm tù các giám mục Công Giáo và tước đoạt quyền tự do của họ chỉ vì họ trung thành với Roma. Đây chính là điều kiện tiên quyết không thể thương lượng, và đồng thời là một sự trợ giúp mang tính quyết định, việc tái lập sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai cộng đồng Công Giáo (“Ánh sáng của Thế giới: Giáo Hoàng, Giáo hội, và Những dấu chỉ của thời đại”, năm 2010, tr.42).
Minh Tuệ (theo Vatican News)