Trung Quốc tỏ lập trường cứng rắn hơn với Vatican

Các vòng đàm phán mới nhất đã không diễn ra suôn sẻ như mong đợi, theo các nhà bình luận

1499416255Bắc Kinh đã có một lập trường gay gắt đối với một tuyên bố của Tòa thánh về trường hợp mất tích của Đức Giám mục Peter Shao Zhumin Địa phận Ôn Châu; phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao bắc Kinh đã chỉ trích sự can thiệp của Tòa Thánh đối với vụ việc này.

Lu Kang, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, được các phương tiện truyền thông trích dẫn, đã nói rằng nếu Vatican chất vấn Trung Quốc về tình hình của Đức Giám mục Shao, “chúng tôi không nghĩ đây là một hành động hợp lý và đúng đắn nên làm”.

Ông Lu đã nhắc lại rằng Trung Quốc phản đối bất kỳ quốc gia nào sử dụng cái gọi là các trường hợp cá nhân để can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố hôm 26 tháng 6 vừa qua, bày tỏ “sự đau buồn sâu sắc” với vụ việc của Đức Cha Shao, người đã mất tích khoảng một tháng nay.

“Trung Quốc bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng và đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các hoạt động tôn giáo theo luật pháp. Nhưng đồng thời, cũng giống như bất kỳ quốc gia nào khác, chính phủ Trung Quốc cũng tăng cường việc quản lý tôn giáo theo luật”, ông Lu cho biết.

“Giáo hội Công giáo Trung Quốc đã luôn hành động phù hợp với lịch sử và truyền thống của mình, phù hợp với các luật và quy định có liên quan”, ông Lu tiếp lời.

Tuyên bố của Vatican và câu trả lời của Trung Quốc được đưa ra vào thời điểm vòng đàm phán mới giữa Trung Quốc và Vatican vừa mới kết thúc tại Roma.

Tờ Eglasie D’Asie (EDA), cơ quan của Hội Thừa Sai Paris, tường thuật hôm 28 tháng 6 rằng: “Sau vài ngày làm việc với các đối tác tại Vatican, các nhà thương thuyết Trung Quốc đã lên máy bay về Bắc Kinh cách đây vài ngày”. Tuy nhiên, báo cáo của EDA đã không đưa ra thời điểm chính xác của cuộc họp.

Mặc dù một số người có thể cho rằng tình hình của Đức Cha Shao chính là một trở ngại dẫn tới sự bế tắc gần đây, nhưng một nhà bình luận của Giáo hội tại Trung Quốc, một người yêu cầu được giấu tên, cho biết: “Đức cha Shao không phải là vị Giám mục Trung Quốc đầu tiên và duy nhất bị giam giữ trong những năm gần đây, thế nhưng Vatican vẫn duy trì thái độ im lặng”.

“Tuyên bố của Vatican và những chỉ trích của các quan chức Trung Quốc cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên. Một điều gì đó đã xảy ra trước đó hoặc trong những cuộc hội đàm bí mật mà những người bên ngoài vẫn chưa được biết. Thời điểm cho thấy vòng đàm phán mới nhất đã không diễn ra suôn sẻ như mong đợi”, nhà bình luận cho biết.

Ẩn ý trong lời tuyên bố của ĐCSTQ

Trong khi đó, bà Dai Chenjing, người đứng đầu bộ phận thứ hai của Vụ Tôn giáo Quốc gia (SARA), đã đưa ra lời tuyên bố mạnh mẽ về cam kết của Trung Quốc đối với việc điều hành Giáo hội khi phát biểu với 150 Giám mục, linh mục, nữ tu và giáo dân hôm 20 tháng 6 vừa qua.

Cuộc hội thảo đào tạo kéo dài bốn ngày do SARA tổ chức nhằm nghiên cứu các ưu tiên được vạch ra trong Hội nghị quốc gia về Công tác Tôn giáo do Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trì vào tháng 4 năm 2016. Hội nghị đã thiết lập đường lối chính sách chủ đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc khi thương thảo với các tôn giáo.

Bà Dai nhấn mạnh năm ưu tiên chính: Thường xuyên thúc đẩy việc ‘Hán hóa’ đối với Giáo hội tại Trung Quốc; Duy trì nguyên tắc “yêu mến tổ quốc và Giáo hội”; Nhấn mạnh về một Giáo hội độc lập, tự trị và tự quản; Tăng cường quản lý Giáo hội theo khuynh hướng dân chủ; Nhận thức chính xác tầm quan trọng của mối quan hệ Trung Quốc và Vatican.

Bà nhấn mạnh rằng việc đeo đuổi một Giáo hội độc lập chính là đòi buộc của hiến pháp Trung Quốc đối với tất cả các tôn giáo và là hướng cơ bản đối với công tác tôn giáo của ĐCSTQ. Nó thể hiện chủ quyền quốc gia đối với các vấn đề tôn giáo và nguyên tắc này “sẽ không và không thể thay đổi”, bà Dai cho biết.

Bà giải thích điều này có nghĩa là hàng giáo sĩ và giáo dân phải độc lập với các quyền lực nước ngoài trong các vấn đề liên quan đến chính trị, kinh tế và Giáo hội. Bà nhấn mạnh rằng trước khi mối quan hệ Trung Quốc-Vatican được cải thiện, Giáo hội Trung Quốc sẽ tiếp tục bầu chọn và sắc phong các Giám mục theo ý riêng. Điều này hàm ý rằng sẽ không có sự can thiệp từ Vatican.

Trong cùng một buổi hội thảo, Giám mục Joseph Ma Yinglin, Chủ tịch của cái gọi là Hội đồng Giám mục, lần đầu tiên đã xác định sự phân biệt giữa việc “hội nhập văn hóa” và việc “Hán hóa”. Vatican đã không công nhận Hội đồng Giám mục nước này cũng như Giám mục Ma, người đã được tấn phong bất hợp pháp không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng.

“Ý nghĩa chính của việc hội nhập văn hoá là mối quan hệ năng động giữa Giáo hội địa phương và nền văn hoá riêng của nó, trong khi việc Hán hóa lại là yêu cầu của Đảng Cộng Sản đối với tất cả các tôn giáo tại Trung Quốc, nhấn mạnh sự thích nghi trong lĩnh vực chính trị, các khía cạnh về văn hóa và thể chế xã hội”, Giám mục Ma nói.

Cách đây một năm, Giám mục Ma đã cho rằng việc “hội nhập văn hoá” và việc “Hán hóa” có thể hoán đổi cho nhau, và ông đã bị nhà bình luận Công giáo chỉ trích gay gắt.

Minh Tuệ (theo UcaNews)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết