Bài báo của Cha Lombardi trên tờ “La Civiltà Cattolica” nhân dịp kỷ niệm lần thứ X bức thư của Đức Ratzinger vạch ra con đường đối thoại và hiện thực cho một Giáo hội “hoàn toàn Trung Quốc và hoàn toàn Công giáo”.
Có một cách thế để Giáo hội Công giáo tại Trung Quốc trở nên “hoàn toàn Trung Quốc và hoàn toàn Công giáo”. Mười năm trước, Đức Bênêđíctô XVI đã chỉ ra điều này trong bức thư gửi các tín hữu Công giáo Trung Quốc vào một thời điểm khi mà, nhờ công việc kiên trì của Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, mối quan hệ với Bắc Kinh đã tạo ra những cơ hội đầy hy vọng. ĐTC Phanxicô đang bước đi trên con đường này, Ngài đã gửi những tín hiệu của sự quan tâm đặc biệt đến người dân Trung Quốc và đất nước vĩ đại của họ nhiều lần trong suốt Triều đại của mình. Cha Federico Lombardi, nguyên giám đốc Văn phòng Báo chí của Vatican và hiện nay là chủ tịch của Quỹ Ratzinger, đã đưa ra một phân tích sâu sắc trong số báo mới nhất của tờ “La Civiltà Cattolica”.
Trước hết, Cha Lombardi nhận xét rằng sự bận tâm của ĐTC Phanxicô “đã được đáp lại ở Trung Quốc”, cũng bởi vì trong mắt người dân Trung Quốc, “Đức Phanxicô có một số lợi thế so với vị tiền nhiệm của mình.
Ngài không phải là một người châu Âu, vì vậy Ngài không thuộc về lục địa thực hiện việc thực dân hóa những dân tộc, đặc biệt là vào thế kỷ 19 và 20, đã phô trương cho Trung Quốc thấy sức mạnh quân sự và tầm quan trọng của các lợi ích kinh tế; Ngài cũng không trực tiếp tham gia vào cuộc đối đầu lịch sử với hệ tư tưởng Cộng sản và các chế độ đã được truyền cảm hứng từ nó. Ngài là con của một người nhập cư đến từ một lục địa khác và bắt nguồn từ một thực tế phổ biến mà Ngài liên tục đề cập đến. Ngài là thành viên của một gia đình sùng đạo mà trong lịch sử đã tiếp cận Trung Quốc với sự tôn trọng và khả năng đối thoại hiệu quả, vốn đại diện cho hàng thế kỷ điểm nổi bật nhất của mối quan hệ giữa các quốc gia lớn của châu Á và phương Tây”. Tên tuổi của các linh mục dòng Tên như Matteo Ricci, Adam Schall, Ferdinand Verbiest và Giuseppe Castiglione chính là bằng chứng mạnh mẽ về điều này.
Cha Lombardi viết rằng “khi ĐTC Phanxicô phát biểu với sự xác quyết về sự cần thiết phải xây dựng hòa bình giữa các dân tộc, người Trung Quốc cảm nhận được tiếng vang của lý tưởng về sự “hòa hợp” vốn quen thuộc với họ, bởi vì Ngài không thể nắm giữ bất kỳ quyền lực quân sự hoặc kinh tế nào, họ có không có lý do để nghi ngờ về sự chân thành của Ngài”. Cũng nhờ “nền văn hoá gặp gỡ đó” mà Đức Bergoglio không chỉ đề xuất mà còn “cam kết thực hiện”.
Có những người coi những lời lẽ cởi mở và thông cảm của ĐTC Phanxicô đối với Trung Quốc là quá mức, chẳng hạn như trong cuộc phỏng vấn với Francesco Sisci của tờ Asia Times. Tuy nhiên, Cha Lombardi giải thích, những biểu hiện như “cái nhìn tích cực”, và “đồng cảm” – một thuật ngữ được ĐTC Phanxicô hết sức yêu thích – thách thức người đối thoại để thực hiện bước tiến cần thiết để vượt xa khỏi giới hạn mà cho đến nay đã hạn chế chúng và ngăn chúng lại. Trong số những Thông điệp của ĐTC Phanxicô vốn đã tạo ra sự quan tâm lớn nhất tại Trung Quốc đó chính là “việc nhấn mạnh đến tinh thần liên đới”, việc chú ý “đến những người nghèo cũng như tố cáo mọi hình thức bóc lột”, “việc lên án mạnh mẽ mọi hình thức tham nhũng” và việc chú ý đến sự quan tâm chăm sóc đối với “ngôi nhà chung” đã được minh hoạ Trong thông điệp Laudato Si’.
Trong bài báo của tạp chí Dòng Tên về tình hình Trung Quốc, có một sợ nhắc nhớ lại “những hậu quả hết sức nghiêm trọng của một thời gian dài truyền bá một cách có hệ thống hệ tư tưởng vô thần và chống tôn giáo cũng như việc phá hủy các giá trị xã hội và luân lý trong truyền thống, theo sau bởi việc thúc đẩy tiến bộ kinh tế, vốn lan truyền một tâm lý không kém duy vật hơn so với những giá trị trước đó. Kết cấu gia đình truyền thống cũng như sự cân bằng nhân khẩu học cũng đã bị xáo trộn sâu sắc và đồng thời bị lung lay bởi “chính sách một con” đầy khắc nghiệt. Đối diện với tất cả những vấn đề này, ở Trung Quốc có một “sự tái sinh của tôn giáo”, và các nhà chức trách chính trị cũng “nhận ra rằng chiều kích tôn giáo phải được công nhận như là một thành tố thường trực lâu dài của thực tế cuộc sống và là một đóng góp quan trọng cho sự hài hòa và sự gắn kết của xã hội”. Ở đây, sứ điệp về Lòng thương xót mà ĐTC Phanxicô lặp lại, mời gọi không chỉ những người Công giáo mà còn toàn thể mọi người dân Trung Quốc “hòa giải với lịch sử của họ, kể cả ánh sáng và bóng tối cũng như những sai lầm của họ”.
Về phía Giáo Hội Trung Quốc, Cha Lombardi nhắc lại tinh thần liên đới “luôn được các vị Giáo Hoàng bày tỏ một cách rõ ràng” cho các Kitô hữu của quốc gia đó. Trong một khoảng thời gian dài của “Cuộc Cách mạng Văn hoá” (1966-1976), cuộc bách hại đã liên kết tất cả mọi tín hữu Công giáo – không chỉ những người không phải là thành viên của Hiệp hội Công giáo Yêu nước, mà cả những người đã tham gia hiệp hội này – và, ngoài ra, tất cả các tín hữu thuộc mọi niềm tin tôn giáo. Theo Cha Lombardi, sứ điệp của Đức Bergoglio về Lòng thương xót và hòa giải, đỉnh cao trong Năm Thánh Lòng Thương Xót gần đây (mà ở Trung Quốc đã được nhiều người theo dõi, với việc mở hàng trăm “cánh cửa của Lòng thương xót” trên khắp đất nước), là “rất phù hợp với cộng đồng Công giáo Trung Quốc, vốn đã sống và phải tiếp tục sống trong đó, những sự chia rẽ và căng thẳng chính là kết quả của cuộc bách hại và áp lực phải chịu đựng cùng với những cách thức khác nhau mà trong đó họ phản ứng hoặc thích nghi với chúng”.
La Civiltà Cattolica “thu hút sự chú ý đối với tính liên tục rõ ràng” của ĐTC Phanxicô với vị tiền nhiệm của mình, vượt ra ngoài sự giải thích một phần và có thành kiến: bức thư của Đức Bênêđictô XVI đã “đặt tinh thần hiệp nhất của Giáo Hội lên hàng đầu và đồng thời chỉ ra đường hướng để hoàn thành điều này trong tinh thần hiệp thông, bác ái và sẵn sàng áp dụng những thái độ cụ thể và hỗ tương của Lòng thương xót và hòa giải ở các cấp độ khác nhau của đời sống Giáo Hội, giữa các Giám mục, linh mục và tín hữu”.
Thậm chí ngay cả khi tình hình đã được cải thiện, vẫn có những căng thẳng nội bộ, mặc dù có thể hiểu được dưới ánh sáng của quá khứ – cha Lombardi lưu ý – là một trong những chướng ngại chính trên con đường của việc làm chứng, sự tín nhiệm và sự thôi thúc tông đồ của cộng đồng Công giáo, do đó cần phải can đảm vượt qua”. Tác giả của bài viết nhắc lại “truyền thống oanh liệt của cam kết bác ái tích cực” của Giáo hội Trung Quốc, cũng như ở đây là “một bệnh viện thực địa”, như ĐTC Phanxicô đã hy vọng, và “điều này ủng hộ sự đón nhận tích cực của xã hội Trung Quốc”. Quan điểm chung giữa Đức Bênêđictô XVI và người kế nhiệm Ngài có thể được tóm tắt “qua việc tái khởi động công cuộc Phúc Âm hoá”.
Cộng đồng Công giáo được khai sinh, lớn lên, hoạt động và đóng góp vào thực tế Trung Quốc – Cha Lombardi viết – không chỉ bởi mối dây liên kết bên ngoài và nước ngoài, mà bởi hoa trái của hạt giống Tin Mừng … Cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc mong muốn và phải là những người Trung Quốc trọn vẹn, để đem lại cho nó Tin Mừng của Đức Giêsu mà không cần tìm kiếm bất cứ điều gì cho chính mình, nhưng chỉ để phục vụ lợi ích của người dân. Nhưng để thực sự được như vậy và đồng thời mang lại những thành quả, nó không thể tách rời khỏi cộng đồng Công giáo phổ quát, bởi vì nó xuất phát chính từ sự liên kết sống động với cộng đồng này, với cội rễ của đức tin cũng như sự phong phú của truyền thống và kinh nghiệm của nó, vốn đã rút ra sức sống và chiều sâu của nguồn cảm hứng và học thuyết của nó. Khi tách khỏi cộng đồng phổ quát, các Giáo hội cụ thể sẽ cảm thấy họ đang đánh mất một chiều kích thiết yếu”.
Theo quan điểm này, chúng ta có thể hiểu được “vấn đề tiếp xúc và đối thoại của cơ quan quản lý Giáo hội Công giáo toàn cầu – Toà Thánh – với chính quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, vốn đang được tiến hành hiện nay, và nhằm mục đích “bảo đảm cho cộng đồng Công giáo ở Trung Quốc những điều kiện thiết yếu để nó có thể là chính mình, sống và thi hành sứ vụ của mình một cách tốt nhất có thể, nghĩa là đồng thời vừa là một Trung Quốc trọn vẹn và vừa là một Giáo hội Công giáo trọn vẹn, được đưa vào người dân và chia sẻ trong cộng đồng phổ quát của Giáo Hội”.
Cha Lombardi nhắc lại “giai đoạn đầy khó khăn của sự chia rẽ giữa các tín hữu Công giáo và, trong nội bộ các Giám mục”, sau sự thành lập, vào năm 1957 của Hiệp hội Yêu nước và việc tấn phong các Giám mục hợp lệ nhưng không có sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng. Trong khi từ Rôma “những thẩm quyền đặc biệt” đã được trao cho các Giám mục vẫn còn hiệp thông với Ngai tòa Phêrô, để cho phép họ tấn phong các Giám mục mới một cách độc lập, trong tình trạng cần thiết. Một giai đoạn mà Tòa Thánh đã xem xét một cách dứt khoát, cho rằng chính Đức Ratzinger đã hủy bỏ “những thẩm quyền đặc biệt” này. Hiện nay, có một số lượng ngày càng tăng đối với các Giám mục “bất hợp pháp” – Cha Lombardi giải thích – là thành viên của Hiệp hội Công giáo Yêu nước, những người đã bí mật đề nghị để có được sự hiệp thông với Đức Thánh Cha, do đó họ tự thấy mình có thể được cả hai bên công nhận. Với tình huống này, đã được mô tả một cách không chính xác như là việc cùng nhau tồn tại của một “Giáo hội bí mật” và một “Giáo hội yêu nước” vốn đang hết sức căng thẳng với nhau, bức thư của Đức Bênêđictô XVI dự định chấm dứt và làm như vậy với một sự rõ ràng và quyết tâm”, đưa ra những chỉ dẫn đối với việc tham dự của các tín hữu trong các nghi lễ Thánh Thể với một “không gian khôn ngoan để đánh giá và phân biệt đối với các bên liên quan” và đồng thời đề xuất “một cách rõ ràng và không thể tranh cãi được mục tiêu đạt được một Hội đồng Giám mục thống nhất”.
Chính bức thư của Đức Bênêđictô XVI đã hy vọng một cách rõ ràng đối với việc “nối lại một cuộc đối thoại giữa Tòa Thánh và các nhà chức trách Trung Quốc, đồng thời thừa nhận rằng trong đời sống Giáo Hội, không nên coi điều này là bình thường khi tự nhận mình trong tình trạng ‘bí mật’”. Một cuộc đối thoại “trước tiên phải nhằm mục đích giải quyết những vấn đề mở về việc bổ nhiệm các Giám mục (cần phải thừa nhận rằng việc bổ nhiệm Giám mục phải đến từ Đức Giáo Hoàng); nó cũng có thể nhằm mục đích tạo điều kiện cho việc thực hiện đầy đủ đức tin của người Công giáo liên quan đến tự do tôn giáo đích thực, và cuối cùng là bình thường hóa quan hệ giữa Toà thánh và chính quyền Bắc Kinh”.
Sau vài năm lạnh lùng, cuộc đối thoại này “đã được nối lại một cách có hệ thống trong suốt Triều đại của ĐTC Phanxicô, nhờ một bầu khí mới đã được tạo ra”. “Chủ nghĩa hiện thực lành mạnh” mà ĐTC Phanxicô mời gọi chúng ta “ngụ ý ” – Cha Lombardi nhận xét – nói về một cái nhìn thận trọng về thực tế hiện tại, vốn thường không được mô tả một cách đầy đủ bằng các định nghĩa chính thức. Đây chính là những rủi ro của sự trừu tượng hoặc những ranh giới cứng nhắc, vốn không giải thích được sự phức tạp cũng như sự đa dạng của tình huống. Vì lý do này, cách tiếp cận của ĐTC Phanxicô nhấn mạnh vào “sự nhận định rõ ràng”, do đó trong việc áp dụng các nguyên tắc tổng quát vào các tình huống cụ thể, các trường hợp riêng biệt và các khía cạnh cụ thể sẽ được tính đến, để đạt được một sự đánh giá toàn diện hơn đối với những thái độ sẽ được thông qua và các quyết định được đưa ra”.
“Ở Trung Quốc, Giáo hội Trung Quốc trọn vẹn – bài báo kết luận – phải tham gia vào động lực mới trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, để đóng góp một cách có hiệu quả nhất cho lợi ích của người dân Trung Quốc, với thông điệp tôn giáo và luân lý của nó cùng với các hoạt động từ thiện cũng như các cam kết xã hội: đây chính là một sự cấp bách trước hết và lớn nhất. Công việc này được đi kèm và được hỗ trợ bởi sự chú ý và thông cảm chân thành của ĐTC Phanxicô đối với nhân dân Trung Quốc, và bởi sự liên đới và hiệp nhất thiêng liêng với Giáo hội Công giáo hoàn vũ. Cuộc đối thoại của Tòa Thánh với các nhà chức trách của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa nhằm mục đích đặt Giáo hội Công giáo Trung Quốc trong những điều kiện tốt nhất để thi hành sứ mạng này, phù hợp với bản chất tôn giáo của nó”.
Minh Tuệ chuyển ngữ