Việc Tổng Thống Donald Trump rút khỏi Hiệp định Paris được Đức Giám mục Marcelo Sanchez Sorondo – Giám đốc Giáo Hoàng Học viện, mô tả như là “một cái tát vào mặt” Vatican và ĐTC Phanxicô, đã thêm vào những căng thẳng đã có sẵn giữa Trump và ĐTC Phanxicô về vấn đề Cuba.
ROME – Chỉ vài ngày sau khi nhận được sự ủng hộ của nhóm Tin Lành da trắng trong bài phát biểu tại Diễn đàn Đức Tin và Tự Do được tổ chức tại Washington, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có thể sẵn sàng tạo ra những căng thẳng mới đối với một vị lãnh đạo tôn giáo mà ông đã có một mối quan hệ vừa yêu vừa ghét: ĐTC Phanxicô.
Theo các phương tiện truyền thông, Trump sẽ tới Miami vào hôm thứ Sáu tới để thông báo về phương án đảo ngược hoàn toàn những nỗ lực trước đó, hoặc chỉ thay đổi một vài phần trong chính sách đối với Cuba, vốn được xem là một mốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Obama. Bên cạnh đó, phục hồi những giới hạn về thương mại và du lịch. Quyết định này đã được lựa chọn cẩn thận, vì Miami vẫn là một thành trì của những người Cuba lưu vong và những người chống đối Castro.
Động thái này có thể sẽ được biện minh cho những lý do về nhân quyền và dân chủ. Tuy nhiên, theo như lời cảnh cáo thận trọng từ các quan chức, Tổng thống vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về Cuba, và kế hoạch đối với việc thông báo vẫn có thể thay đổi.
Không lâu sau khi nhậm chức, Trump đã ra lệnh cho đội ngũ an ninh quốc gia của mình tiến hành rà soát lại chính sách của Mỹ đối với Cuba với một cái nhìn hướng tới việc hủy bỏ một số chính sách mở cửa dưới thời Tổng thống Obama, và dự kiến sẽ đưa ra tuyên bố của mình vào thứ Sáu tới, như “việc giữ lời hứa” của mình.
Giả sử Tổng thống Trump kiên định theo đuổi kế hoạch này, không chắc nó sẽ được ĐTC Phanxicô đón nhận một cách nồng nhiệt.
Khi việc khôi phục quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba đã được thông báo vào tháng 12 năm 2014, cả Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và nhà lãnh đạo Cuba Raúl Castro đã ngỏ lời cảm ơn ĐTC Phanxicô về vai trò của Ngài trong việc tạo ra những mối dây liên lạc, sau khi ĐTC Phanxicô đã viết thư gửi đến cả hai nhà lãnh đạo để kêu gọi việc đối thoại.
Bức thư của ĐTC Phanxicô “đã tạo cho chúng tôi động lực và một sự thúc đẩy lớn hơn để chúng tôi hướng về phía trước”, một quan chức của Nhà Trắng cho biết vào thời điểm đó.
Để giúp mở đường cho việc tiến đến một thỏa thuận, Vatican đã tổ chức các cuộc đàm kín đáo giữa hai bên vào tháng 10 năm 2014.
ĐTC Phanxicô sau đó đã viếng thăm Cuba vào tháng 9 năm 2015, ngay trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ, được xem như là cách thế của ĐTC Phanxicô để khẳng định việc bình thường hóa giữa hai quốc gia và đồng thời khuyến khích tiến trình cần phải được tiếp tục.
“Trong vài tháng nay, chúng ta đã chứng kiến một sự kiện tràn ngập niềm hy vọng: quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai dân tộc sau nhiều năm bất hòa”, ĐTC Phanxicô chia sẻ trong một bài phát biểu trên đường băng sân bay quốc tế Jose Marti ngay sau khi đặt chân đến đảo quốc này.
“Tôi thúc giục các nhà lãnh đạo chính trị phải kiên trì trên con đường này, và đồng thời phát triển tất cả các tiềm năng của nó như là một minh chứng cho tinh thần phục vụ mãnh liệt mà họ đã được mời gọi, để thực hiện nhân danh hòa bình và phúc lợi của các dân tộc, của tất cả mọi công dân Hoa Kỳ, một mẫu gương về sự hòa giải cho toàn thế giới”, ĐTC Phanxicô nhấn mạnh.
Phụ tá hàng đầu của ĐTC Phanxicô, Đức Hồng Y Pietro Parolin người Ý, cho biết trong chuyến đi đó Vatican hy vọng mối quan hệ ngoại giao sẽ sớm được hồi phục theo sau những hành động dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ đối với Cuba, đây là một lệnh cấm trong khoảng thời gian lâu nhất thế giới.
Với tất cả những điều đó, có khả năng Vatican dưới thời ĐTC Phanxicô, trong việc giúp giảm bớt căng thẳng của Hoa Kỳ/Cuba, sẽ không thấy sự hồi phục những điều khoản tích cực.
Sự căng thẳng mới đây giữa Cuba có thể tạo ra những khác biệt khác giữa Nhà Trắng và Rome về những vấn đề khác, chẳng hạn như nhập cư, những nỗ lực chống đói nghèo và biến đổi khí hậu, bao gồm cả quyết định từ bỏ khỏi Hiệp định Paris gần đây của chính quyền Trump, Hiệp định mà ĐTC Phanxicô và Thông điệp Laudato Si về môi trường của Ngài đã giúp truyền cảm hứng.
Việc rút khỏi Hiệp định Paris được mô tả như là “một cái tát vào mặt” Vatican và ĐTC Phanxicô, dẫn lời của Đức Giám mục Marcelo Sanchez Sorondo – Giám đốc Giáo Hoàng Học viện về Khoa học và Học viện Khoa học Xã hội.
Bất chấp những điểm nóng này, Trump và ĐTC Phanxicô đã gặp nhau tại Vatican hôm 24 tháng 5 vừa qua, nhấn mạnh đến những điểm tương đồng cơ bản về những vấn đề như tự do tôn giáo, phẩm giá sự sống con người, quyền lương tâm và tầm quan trọng của việc bảo vệ các Kitô hữu bị bách hại tại Trung Đông.
Tuy nhiên, những thay đổi mới đối với Hiệp định Paris và, giờ đây là vấn đề Cuba, gợi ý rằng dường như sẽ còn nhiều vấn đề hơn nữa cần phải đối diện, những điều đó hứa hẹn sẽ trở thành một nhiệm vụ ngoại giao khá phức tạp khi Callista Gingrich, phu nhân cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich, được Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận là đại sứ của Trump tại Vatican.
Minh Tuệ chuyển ngữ