Một Giám mục ở Vương quốc Anh đang cảnh báo nỗ lực hợp pháp hóa trợ tử đang hoạt động thông qua Thượng nghị viện sẽ gửi đi thông điệp “rằng một số sinh mạng không còn đáng để chiến đấu nữa”.
Dự luật trợ tử của dân biểu của Nam tước Molly Meacher sẽ được tranh luận tại Thượng nghị viện vào mùa thu.
Luật được đề xuất sẽ cho phép những bệnh nhân mắc bệnh nan y trong sáu tháng cuối đời có thể nhờ đến trợ tử với sự cho phép của hai bác sĩ và một thẩm phán.
Đức Giám mục Patrick McKinney Địa phận Nottingham cho biết đây là “một trong những vấn đề luân lý cấp bách nhất của thời đại chúng ta”.
“Điều này có nghĩa là trong thực tế, những người bệnh nặng, trên khắp nước Anh và xứ Wales, có thể được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe NHS cung cấp các loại thuốc gây chết người, với mục đích cố ý giúp bệnh nhân tự kết liễu cuộc sống của họ. Những người nhiệt tình cho sự thay đổi trong luật pháp thích gọi một cách hoa mỹ rằng đề xuất gây tranh cãi này là ‘trợ tử’, trong khi thực tế những gì họ đang yêu cầu là trợ tử cho những người không khỏe mạnh, dễ bị tổn thương”, Đức Giám mục McKinney nói trong một tuyên bố video.
“Chúng ta vừa trải qua một đại dịch toàn cầu, trong đó tất cả chúng ta đều nắm giữ vai trò của mình, và nhiều người đã hy sinh rất nhiều, để bảo vệ những thành viên dễ bị tổn thương nhất trong xã hội của chúng ta khỏi một loại virus có khả năng gây chết người. Phản hồi này đã khẳng định một cách rõ ràng rằng, với tư cách là một xã hội văn minh, chúng ta đương nhiên coi trọng mạng sống của mỗi cá nhân, bất kể tuổi tác hay hồ sơ bệnh tật của họ”, Đức Giám mục McKinney nói.
Một dự luật tương tự nhằm cho phép trợ tử đã bị Hạ viện đánh bại vào năm 2015 với số phiếu 330-118. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Meacher cho biết rằng đề xuất của bà sẽ “tạo điều kiện cho những người mắc bệnh nan y, có năng lực tâm thần vượt quá khả năng chăm sóc giảm nhẹ có thể được trợ tử và theo điều kiện của riêng họ”.
Các nhà hoạt động ủng hộ bảo vệ sự sống hoàn toàn không đồng tình.
Đức Giám mục McKinney cho biết luật hiện hành “gửi đi một thông điệp rõ ràng: Chúng ta không được bắt tay vào việc dẫn đến cái chết của một người khác, bất kể họ có thể cảm thấy đau ốm hay thất vọng chán chường như thế nào”.
“Việc giới thiệu một hệ thống cấp phép trợ tử cho những người bệnh nan y sẽ gửi đi thông điệp – tuy không cố ý – rằng một số sinh mạng không còn đáng để chiến đấu nữa”, Đức Giám mục McKinney nói.
Vị Giám chức cho biết việc không cho phép an tử hoặc hỗ trợ tử là “cách chắc chắn nhất để bảo vệ những người sắp kết thúc cuộc đời khỏi bị ngược đãi, ép buộc hoặc thực sự là áp lực nội tâm để phải chọn trợ tử vì sợ gây ra gánh nặng cho người thân của họ”.
Đức Giám mục McKinney cũng cho biết thêm rằng theo luật pháp và thông lệ hiện hành của chúng ta ở Anh và xứ Wales, các bác sĩ có nhiệm vụ chăm sóc để làm mọi thứ trong khả năng của họ để biến cái chết trở thành một trải nghiệm bình an và phù hợp với phẩm giá.
“Thay vào đó, việc cung cấp cho những bệnh nhân tuyệt vọng một đơn thuốc gây chết người, sẽ thể hiện một sự thay đổi đáng lo ngại trong văn hóa chăm sóc của chúng ta”, vị Giám chức cho biết thêm.
Hơn nữa, Đức Cha McKinney cho biết rằng sẽ là một sự “ngây thơ” khi tin rằng một khi trợ tử được công nhận là hợp pháp, nó sẽ chỉ đơn giản là giới hạn cho những người đang hấp hối.
“Nếu mục đích của việc trợ tử là để giảm bớt đau khổ, thì tại sao lại chỉ giới hạn đối với người mắc bệnh nan y chỉ còn sống được sáu tháng? Các nhà vận động chắc chắn sẽ tranh luận rằng nó cũng nên được phép cho những người phải chịu đựng nhiều năm đau khổ, do bệnh mãn tính hoặc tàn tật. Kinh nghiệm của Canada chỉ là một ví dụ về mức độ nhanh chóng của luật hỗ trợ tử, với các biện pháp bảo vệ được cho là có thể mở rộng ra xa hơn những người bị bệnh nan y”, Đức Cha McKinney nói.
Đầu năm nay, luật pháp Canada đã thay đổi để cho phép những người tàn tật không bị bệnh nan y có thể tìm đến trợ tử; vào năm 2023, nó sẽ chỉ được cung cấp với lý do bệnh tâm thần.
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của YouGov đối với các thành viên của Hạ viện – cơ quan nắm quyền quyết định về luật pháp ở Anh – cho thấy chỉ có 35% ủng hộ việc cho phép trợ tử hoặc an tử.
Catherine Robinson thuộc tổ chức ‘Right to Life’ của Anh cho biết cuộc thăm dò quả thực “tuyệt vời để xem xét” trong bối cảnh cuộc tranh luận sắp tới về dự luật của Thượng nghị sĩ Meacher tại Hạ viện.
“Phần lớn các bác sĩ làm công việc chăm sóc cuối đời… tiếp tục phản đối vấn đề trợ tử. Từ kinh nghiệm, họ biết rằng điều những người dễ bị tổn thương cần vào cuối cuộc đời của họ là tình yêu và sự hỗ trợ, chứ không phải đề nghị hỗ trợ cái chết của họ”, bà Robinson nói.
“Chúng tôi cũng có ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy mong muốn được chết của mọi người chỉ là thoáng qua”, bà Robinson cho biết thêm, đồng thời trích dẫn Nghiên cứu theo chiều dọc của Ireland về Lão hóa (TILDA), đã khảo sát 8.174 người trên 50 tuổi và nhận thấy rằng 3,5% bày tỏ mong muốn được chết ở giai đoạn đầu của nghiên cứu. Tuy nhiên, 72% những người tham gia này không còn muốn chết khi được đánh giá lại hai năm sau đó.
“Chúng ta nên tìm cách quan tâm đến những người trải qua suy nghĩ tự tử, thay vì sự phê chuẩn của nhà nước về cái chết của họ”, bà Robinson nói.
“Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người khuyết tật nổi tiếng, nhiều nhóm quyền cho người khuyết tật, và nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe được kính trọng tiếp tục biểu tình phản đối việc giới thiệu trợ tử, vì nó đi ngược lại cốt lõi của phẩm giá và sự chăm sóc mà chúng ta phải dành cho mỗi con người hiện tại”.
Not Dead Yet UK, một tổ chức dành cho người khuyết tật phản đối vấn đề trợ tử, cho biết việc sử dụng thuật ngữ “trợ tử” trong dự luật của Thượng nghị sĩ Meacher là một cách nói hoa mỹ, vì luật “sẽ cung cấp cho các bác sĩ quyền pháp lý để giúp bệnh nhân tự kết liễu cuộc sống của họ, tự sát”.
Tổ chức cho biết các biện pháp bảo vệ được đề xuất của dự luật “sẽ hoạt động đủ tốt để chúng ta cảm thấy tin tưởng rằng sự thay đổi luật sẽ đảm bảo người khuyết tật được bảo vệ”.
“Điều này bao gồm sự bảo vệ khỏi sự ép buộc, khỏi việc cảm thấy như là gánh nặng, khỏi các nguồn lực hạn chế hoặc khỏi các chuyên gia quyết định một cách chủ quan cuộc sống của chúng ta là không đáng sống”, họ nói trong một tuyên bố.
“Chúng ta cần sự giúp đỡ để sống, chứ không phải là sự giúp đỡ để chết. Luật pháp nên được giữ nguyên như hiện tại và bảo vệ số đông, thay vì số ít những người có thể hưởng lợi từ dự luật này”.
Minh Tuệ (theo Crux)