Chủ tịch Hội đồng về Công lý và Hòa Bình Quốc tế của các Giám mục Hoa Kỳ đã có cuộc gặp với quan chức ngoại giao cấp cao nhất của nước này, ông Rex Tillerson, vào ngày 23 tháng 3 trong một cuộc đối thoại kéo dài 35 phút về các chính sách nhập cư, tình hình Trung Đông, Châu Phi và vai trò của Giáo hội trong những nổ lực hướng đến việc xây dựng “công ích”.
“Sau khi trò chuyện ngắn về Texas, chúng tôi đã thảo luận về vấn đề Trung Đông, về Iraq và Syria, tiếp đến vấn đề về Trung Mỹ và Mexicô, và cuối cùng là về tình trạng của Châu Phi,” Đức Giám mục Cantu của Las Cruces, New Mexico cho biết về cuộc gặp ở Washington với ông Tillerson, Ngoại trưởng Hoa kỳ, cùng có xuất thân từ Texas như Đức Giám mục Cantu.
Ngài cho biết cuộc gặp gỡ nhằm mục đích cho ông Tillerson biết được rằng “động cơ duy nhất của chúng tôi là giúp xây dựng công ích và chúng tôi không có bất cứ động cơ thầm kín nào khác,” đồng thời giải thích về hoạt động của các Giám mục thuộc Ủy ban công lý và hòa bình ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh và miền Viễn Đông.
Đức Giám mục Cantu, trong vài trò là Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc tế, đã lên tiếng về giải pháp song phương đối với sung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời phản đối việc xây dựng các khu định cư Do Thái của người Israel trên lãnh thổ Palestine. Ngài cũng thảo luận về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Hoa kỳ và đề cập đến những mối lo ngại về một mệnh lệnh hành pháp của chính quyền ông Donald Trump nhắm vào người nhập cư từ các quốc gia Hồi giáo.
“Tôi có những mối lo ngại,” ngài nói trong cuộc phỏng vấn với CNS, nhưng cũng có biết rằng cuộc gặp với ông Tillerson là để xây dựng một mối quan hệ hữu ích cho Giáo hội trong việc ủng hộ các chính sách có lợi cho công ích.
“Chúng tôi mang đến một góc nhìn độc đáo,” Đức Giám mục Cantu nói. “Một trong những nguyên tắc của chúng tôi trong Giáo huấn xã hội Công giáo chính là nguyên tắc công ích và điều này không chỉ phục vụ cho các nhu cầu của riêng Giáo hội.”
Đức Giám mục Cantu cho biết rằng ngài đã nói về những nổ lực của Giáo hội ở Côngô và ở Nam Sudan cũng như sự cần thiết có được ổn định bền vững ở những nơi như vậy. Văn phòng Liên Hợp Quốc đã đưa ra thông báo vào tháng 2 rằng nạn đói và chiến tranh ở những khu vực này đang đe dọa trực tiếp đến 5.5 triệu người trong khu vực.
Nhờ vào văn phòng nhân đạo của Giáo hội cùng những chuyến viếng thăm và mối liên kết lâu dài của cơ quan này với các chính phủ địa phương và người dân trên toàn thế giới, Giáo hội đã có tiếng nói đáng tin cậy Đức Giám mục Cantu chia sẻ.
“Ông Tillerson nói rằng ông rất vui khi có được những mối liên hệ với chúng tôi và được lắng nghe về quan điểm của chúng tôi đối với các sự việc,” Đức Giám mục Cantu cho biết.
“Hai vấn đề mà chúng tôi đặc biệt quan tâm đến chính là Trung Đông và các phương cách để tái xây dựng I-rắc cũng như Syria. Và chủ đề thứ hai mà ông muốn được nghe là quan điểm của chúng tôi về vấn đề dân nhập cư, cụ thể là làm thế nào để tiếp cận với Trung Mỹ và Mêxicô,” Đức Giám mục nói.
Ngài cũng đã nhấn mạnh với ông Tillerson về tầm quan trọng trong việc xây đựng nên các quốc gia mà trong đó các cộng đồng tôn giáo có được tiếng nói trong chính phủ, cũng như việc đầu tư xây dựng lại một số nước. Việc quản lí ngân sách hành chính của Trump đã bị chỉ trích vì kế hoạch cắt giảm ngân sách hoạt động của Bộ Ngoại giao đến 28% (10,9 tỉ đô la) và sự cắt giảm này sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến chương trình Lương thực vì Hòa bình của bộ. Trong khi đó, đề xuất gia ngân sách cho quân sự lại tăng đến 10% (54 tỉ đô la).
Đức Giám mục Cantu cũng cho biết ngài đã thông tin đến ông Tillerson về các mối lo ngại của Giáo hội đối với đề xuất ngân sách trên.
“Chúng tôi lo ngại về sự gia tăng rất lớn ngân sách dành cho quân sự và việc cắt giảm viện trợ nước ngoài. Chúng tôi rất quan ngại đối với những động thái đó. Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự phát triển ở các khu vực cần được ổn định”, ngài nói, “đó là những sự đầu tư khôn ngoan về cả thời gian lẫn ngân sách.”
Buổi gặp gỡ cũng bao gồm một cuộc bàn luận về các Kitô hữu ở Trung Đông, Đức Giám mục Cantu cho biết, và ngài cũng đã trao đổi rằng “các Kitô hữu không mong muốn sống trong một khu ổ chuột. Họ tin rằng điều quan trọng là được sống trong một xã hội an toàn và đảm bảo an ninh” để có được tiếng nói đối với chính quyền các cấp ở địa phương, khu vực và cả trung ương. Ngài cũng nhấn mạnh “có một thực tế rằng Giáo hội Công giáo ở Trung Đông có thể đóng vai trò đại diện cho tiếng nói của người dân ở khu vực giữa Sunnis và Shia” và tầm quan trọng của Giáo hội ở các khu vực như Irag và Syria.
“Bất cứ quan chức chính phủ khôn ngoan nào cũng muốn lắng nghe tiếng nói của những người có uy tín trong nhiều lĩnh vực khác nhau và nhận được những kinh nghiệm quí báu,” Đức Giám mục nói. “Chúng tôi có các anh chị em đang sinh sống trong Giáo hội ở chính những nơi đó. Và thực tế là chúng tôi đã mang đến một tiếng nói đáng tin cậy”.
“Chúng tôi đã đối thoại nhằm giúp mang đến sự khôn ngoan,” ngài nói. “Tầm nhìn của chúng tôi là xây dựng một xã hội bền vững, an bình và phù hợp với mục tiêu của bộ ngoại giao vì vậy tôi nghĩ rằng tiếng nói của chúng tôi có giá trị đối với bộ”.
Huỳnh Thanh Phi (theo CNS)