
ĐTC Phanxicô phát biểu trong một cuộc họp báo trên chuyến bay trở vềRome sau chuyến viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản, Thứ Hai, ngày 26 tháng 11 năm 2019 (Ảnh: Remo Casilli/ AP)
ROME – Trên đường trở về từ chuyến Tông du châu Á vào tháng trước, ĐTC Phanxicô đã được hỏi về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông. Ngài đã trả lời bằng cách cho biết rằng ngày nay nhiều khu vực hiện đang phải đối mặt với sự biến loạn xã hội, chẳng hạn như Chile, Pháp, Tây Ban Nha, Nicaragua và “các quốc gia Mỹ Latinh khác”.
“Đó là tình hình chung”, ĐTC Phanxicô nói. “ Tòa Thánh giải quyết vấn đề này thế nào? Tòa Thánh đã kêu gọi đối thoại và hòa bình”.
Về cơ bản, tại mỗi quốc gia này, Giáo hội đã tham gia vào việc đối thoại – với sự thành công của những nỗ lực đó, thường không phụ thuộc quá nhiều vào hiện trạng sẵn có của hàng Giáo phẩm mà là sự tín nhiệm của Giáo hội, cả về phía Vatican và các Giám mục địa phương.
Trong một số trường hợp, chẳng hạn như Nicaragua, có một nỗ lực trực tiếp của vị Đại diện Giáo hoàng, trong khi ở những nơi khác, Vatican đưa ra lập trường mang tính đứng sau hậu trường hơn trong khi các Giám mục địa phương công khai phản đối các chế độ cầm quyền, như trường hợp của Venezuela.
Tại đây, một kiểu mẫu từ khắp châu Mỹ Latinh, một khu vực mà chính ĐTC Phanxicô cho biết rằng “hiện đang trong tình trạng dầu sôi lửa bỏng”.
Nicaragua
Vào giữa tháng 11, Đức Hồng Y Leopoldo Brenes Địa phận Managua cho biết rằng ĐTC Phanxicô đã yêu cầu chính quyền của tổng thống Daniel Ortega và phu nhân Rosario Murillo trả tự do cho hơn 150 tù nhân chính trị mà chính phủ đã giam giữ kể từ khi cuộc nổi dậy xã hội bắt đầu vào năm ngoái.
“Tôi đã phát hiện ra rằng Đức Thánh Cha đã yêu cầu chính phủ về một cử chỉ thiện chí bằng cách lắng nghe yêu cầu của các bà mẹ của các tù nhân chính trị”, ĐHY Brenes nói.
“Tôi tin rằng lời đề nghị từ Đức Thánh Cha được đưa ra theo một cách rất riêng tư, và hy vọng tiếng nói của Đức Thánh Cha sẽ được lắng nghe và con cái của các bà mẹ này sẽ được trả tự do, đặc biệt là trong dịp lễ Giáng Sinh”, ĐHY Brenes cho biết thêm.
Hôm thứ Sáu, “Hiệp hội Ủng hộ Nhân quyền” của Nicaragua đã tuyên bố rằng Đại sứ Giáo hoàng, Đức Tổng Giám mục Waldemar Stanislaw Sommertag người Ba Lan, đang đàm phán về việc trả tự do cho những người bị chính phủ bỏ tù vì các cuộc biểu tình chống tổng thống Ortega.
“Hơn 150 tù nhân chính trị có thể được trả tự do thông qua các cuộc đàm phán”, theo một tuyên bố của nhóm được trích dẫn bởi hãng tin EFE của Tây Ban Nha.
Thông tin này đã được xác nhận bởi Sứ Thần Tòa Thánh, người cho biết rằng “rất nhiều công việc đang được thực hiện” để trả tự do cho những người mà ngài gọi là “các tù nhân chính trị”.
Không rõ các cuộc đàm phán đã tiến triển như thế nào, nhưng Crux đã có thể khẳng định rằng có một nỗ lực tích cực đối với những người hiện đang bị cô lập và không có ngày xét xử để được trở về nhà vào dịp lễ Giáng sinh (ngày 25 tháng 12).
Theo phe đối lập chính trị của đất nước, có ít nhất 172 tù nhân chính trị.
Đức TGM Sommertag là nhân chứng cho các cuộc đàm phán thất bại giữa chính phủ và phe đối lập vào năm ngoái. Tổng thống Ortega đã hứa sẽ trả tự do cho tất cả các thành viên bị cầm tù của phe đối lập, nhưng cuối cùng, chỉ có 62 người được trả tự do những vẫn tiếp tục bị quản chế.
Gần đây, hàng chục phụ nữ, mẹ của các tù nhân chính trị, đã tổ chức một cuộc tuyệt thực sau khi bị cấm rời khỏi nhà thờ San Miguel, ở Masaya, gần Managua. Những người phụ nữ đã tham dự một Thánh lễ được cử hành để cầu nguyện cho con cái của họ hiện đnag bị giam giữ sau những song sắt.
Một nhóm lớn hơn đã bị lực lượng cảnh sát chặn không được phép vào nhà thờ trước khi buổi cử hành phụng vụ bắt đầu. Những người bên trong bị buộc phải ở lại bên trong nhà thờ, không có nước uống hoặc điện sinh hoạt, bởi vì lực lượng an ninh và các nhóm bán quân sự bao vây tất cả mọi lối ra vào.
16 thanh niên nam nữ đã bị bắt giữ cách đây hai tuần trước khi họ cố gắng tiếp tế nước uông cho những người phụ nữ bị cô lập bên trong nhà thờ. Phiên tòa xét xử họ đã bắt đầu hôm thứ Năm tuần trước, nhưng nó đã bị một thẩm phán hoãn lại. Cảnh sát tuyên bố không có nước trong xe của nhóm nhưng họ đã tìm thấy vũ khí, bao gồm cả chất nổ tự chế, một cáo buộc phi lý mà các thành viên của nhóm đã phủ nhận.
Colombia
Ngày 2 tháng 12 đánh dấu ngày thứ tư của cuộc đình công tại Colombia sau 11 ngày biểu tình. Chính phủ của Tổng thống cực hữu Ivan Duque ban đầu đã cố gắng đàn áp các cuộc biểu tình bằng bạo lực, nhưng sau một nỗ lực thất bại, họ đã trở nên gần như hoàn toàn ôn hòa.
Hôm Chúa nhật, ông Duque một lần nữa đã cố gắng bêu xấu người biểu tình bằng cách tuyên bố rằng “những người mắc chứng cuồng phóng hỏa” (pyromaniacs) đang kích động bạo lực, nhưng không có bất kỳ báo cáo nào về tình trạng bạo lực.
Những người biểu tình muốn ông Duque và liên minh mỏng manh mà ông cầm đầu thay đổi mô hình kinh tế, bác bỏ những cải cách mà theo họ, sẽ gây hại cho tầng lớp lao động và người nghèo. Các liên minh dẫn đầu các cuộc biểu tình cũng từ chối mạnh mẽ kế hoạch của chính phủ không tôn trọng thỏa thuận hòa bình được ký bởi cựu Tổng thống Juan Manuel Santos với FARC, nhóm du kích đã giày xéo đất nước trong nhiều thập kỷ.
Đức Ông Rafael Cotrino, Đại diện Tổng Giáo phận Bogota, cho biết rằng điều đó cần thiết cho cả chính phủ và các nhà lãnh đạo của các cuộc biểu tình để gạt “sự kiêu ngạo” của họ sang một bên và cố gắng đối thoại trung thực.
“Tôi muốn nói rằng tất cả mọi người cần có một sự khiêm tốn”, Đức Ông Cotrino nói. “Mọi người ai ai cũng có chút kiêu ngạo, và sự kiêu ngạo thì không phải là một cố vấn tốt. Sự khiêm tốn giúp chúng ta thực sự nhìn vào con người và những gì chúng ta có thể làm, bởi vì chúng ta không chỉ yêu cầu họ [chính phủ và người biểu tình] trình bày những nhu cầu cấp thiết nhất mà còn tính đến những gì chúng ta có thể làm với tư cách là một quốc gia”.
Theo Đức Ông Cotrino, để Colombia thu hẹp khoảng cách của sự bất bình đẳng, điều cần thiết đối với tất cả mọi người đó chính là “từ bỏ một số đặc quyền nhất định” để giúp cải thiện “tình trạng của những người mỏng manh yếu đuối nhất”. Nếu một dân tộc muốn tiến lên với tư cách là một quốc gia, ngài nói, cần phải có “tầm nhìn về thiện ích chung” bởi vì nếu mỗi bộ phận tự cho mình là trọng yếu, sẽ không thể có sự cải thiện.
Nếu mỗi bộ phận chỉ ủng hộ những gì họ muốn, thì vào cuối bất kỳ cuộc cải cách nào, Đức Ông Cotrino nói, sự bất bình đẳng về hệ thống ở gốc rễ của cuộc nổi dậy sẽ vẫn còn.
Venezuela
Vào tuần trước, một phái đoàn gồm bốn thành viên đến từ Venezuela đã đến thăm một số quốc gia châu Âu tự xưng là đại diện của một “bàn đối thoại”, được thành lập vào tháng 9 năm ngoái để cố gắng tìm giải pháp cho quốc gia đang trong tình trạng hỗn loạn.
Trong số các điểm dừng chân trong chuyến đi đó là Vatican từ ngày 28-29 tháng 11, nơi mà nhóm này hy vọng được tiếp đón bởi Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Hồng y Pietro Parolin người Ý, hoặc một quan chức hàng đầu khác, có lẽ là Tổng Giám mục Venezuela Edgar Pena Parra người Venezuela.
Họ đã trao một lá thư trước cho ĐTC Phanxicô, mà trong đó họ cho biết rằng họ muốn nói chuyện “với tinh thần minh bạch”, về những tiến bộ chính trị ở nước này với nỗ lực “phục hồi nền hòa bình lâu dài”.
Tuy nhiên, cả bốn thành viên của đoàn tùy tùng đều là những đồng minh có tiếng của chính phủ Nicolas Maduro, và họ đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt ở những quốc gia mà họ đến thăm, bao gồm cả Vatican.
Thay vì Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, họ được chào đón bởi một quan chức của văn phòng nghi lễ, cơ quan tiếp nhận bức thư của họ và gửi đi.
Trong quá khứ, ĐTC Phanxicô đã bị một số người cáo buộc vì đã im lặng trước vấn đề của Venezuela. Việc ĐTC Phanxicô không muốn công khai lên án tổng thống Maduro, giống như Thánh Gioan Phaolô II đã tránh việc trực tiếp lên án nhà lãnh đạo Fidel Castro, đã được cả tổng thống và các nhà phê bình hiểu như một dấu hiệu ủng hộ.
Tuy nhiên, trong một số dịp, ĐTC Phanxicô cho biết rằng ngài sát cánh cùng với các giám mục Venezuela, được biết đến với lập trường đối đầu với tổng thống Maduro, và quan điểm ý kiến của họ cũng chính là của Ngài.
Điều này đã được xác nhận bởi Đức Tổng Giám mục Aldo Giordano người Ý, Dại diện Đức Giáo hoàng tại nước này kể từ năm 2013.
“ĐTC Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh: ‘Tôi nói thông qua các Giám mục Venezuela’”, Đức TGM Giordano phát biểu với tờ Religion Digital. “Và các Giám mục không bao giờ nói mà không chắc chắn về ý kiến của ĐTC Phanxicô. Sự hiệp thông này chính là một món quà của Giáo hội Venezuela, bởi vì chúng ta có rất nhiều vấn đề”.
Trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm Chúa nhật, vị Giám chức cho biết rằng sự đau khổ của người dân Venezuela chính là “vấn đề trước hết và là mối bận tâm duy nhất của chúng tôi”.
“Chúng tôi không có sự quan tâm về chính trị, chúng tôi có một sự bận tâm đối với người dân và quốc gia”, Đức TGM Giordano nói. “ĐTC Phanxicô cũng vậy. Luôn luôn, nỗ lực của chúng tôi là để Giáo hội trở nên gần gũi với mọi công dân”.
Các giám mục, những người đã rất thẳng thắn lên tiếng chống lại tổng thống Maduro, đã gọi ông là một nhà độc tài và kêu gọi tổng thống từ chức tổng thống, từ lâu đã tuyên bố rằng ĐTC Phanxicô đã luôn ủng hộ họ.
Minh Tuệ (theo Crux)