ROSARIO, Argentina – Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày trong bài giảng Thánh lễ mừng Chúa Giáng sinh của mình, Giáng sinh chính là khoảng thời gian thích hợp để suy niệm về mầu nhiệm Giáng sinh của Chúa Kitô. Các mục tử thường tận dụng những ngày này để nói lên mối quan ngại của họ về tình hình trên thế giới, trong nhiều trường hợp, chương trình nghị sự của mình cho năm tới.
ĐTC Phanxicô, từ ban công trung tâm tại Vương Cung Thánh Đường nhìn ra Quảng trường Thánh Phêrô đã công bố một sứ điệp gửi đến thành Rome và toàn thể thế giới, do đó tên gọi của phép lành mà Ngài ban cho mọi người sau đó được gọi là ‘Urbi et Orbi’.
ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện cho một giải pháp hai quốc gia cho cuộc xung đột Palestine và Israel, cho các trẻ em đã bị làm tổn thương bởi chiến tranh tại Syria và Iraq, và cho hòa bình ở nhiều quốc gia châu Phi, cũng như nhiều nơi khác.
Các Giám mục trên toàn thế giới cũng có những thông điệp riêng của mình, nhưng mang một ứng dụng địa phương hơn. Sau đây chúng ta sẽ điểm qua nơi mà những vị Giám chức trong nội bộ trước đây của ĐTC Phanxicô ở Châu Mỹ La tinh đó là dịp Giáng sinh này, nhìn vào các thông điệp đến từ El Salvador, Argentina và Venezuela.
Từ El Salvador, một thông điệp gửi đến Tổng thống Donald Trump
“Tôi ước mơ rằng đất nước này sẽ sớm được sống trong hòa bình; một sự thật không thể chối cãi được rằng, với cái nhìn của con người, điều đó quả là vô cùng khó khăn”, Đức Tổng giám mục Jose Luis Escobar Alas Địa phận San Salvador phát biểu trong bài giảng Thánh lễ Giáng sinh hàng năm của mình, trong đó Ngài kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ tôn trọng quyền của những người nhập cư Salvador.
“Chúng tôi mạnh mẽ thúc giục tổng thống Hoa Kỳ, Quốc hội và tất cả các cơ quan của quốc gia vĩ đại đó, nhân dịp Giáng sinh trọng đại này, họ cần phải nhìn nhận rằng quyền của các anh chị em di dân của chúng ta cần phải được tôn trọng”, Đức Cha Escobar Alas cho biết.
Thực tế rằng nhiều người không phải là những người nhập cư hợp pháp không biến họ trở thành những kẻ tội phạm, Đức Cha Escobar Alas nói: “Tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau”.
Thông điệp của Đức Cha Escobar Alas, được đưa ra tại một cuộc họp báo sau Thánh lễ Chúa nhật vào cuối tuần qua, khi Nhà Trắng xem xét việc chấm dứt Tình trạng Bảo vệ Tạm thời (TPS) cho 190.000 người Salvador phải sống trong cảnh bần cùng sau hai trận động đất xảy ra vào năm 2001. Chương trình TPS có niên đại từ năm 1990.
TPS là một hình thức cứu trợ nhân đạo, được cung cấp cho các công dân của các quốc gia đang phải vật lộn với hậu quả của chiến tranh, thiên tai hoặc các cuộc khủng hoảng nhân đạo khác. Hiện tại, nó có lợi cho 10 quốc gia – El Salvador, Haiti, Honduras, Nepal, Nicaragua, Somalia, Sudan, Nam Sudan, Syria và Yemen – mặc dù chính quyền đã thông báo với các công dân Haiti và Nicaragan rằng chương trình sẽ chấm dứt đối với họ, và một số quóc gia khác thì đang trong tình trạng lấp lửng, bao gồm El Salvador và Honduras.
Đức Tổng Giám mục Escobar Alas cũng đề cập đến tình trạng bạo lực của quốc gia này trong sứ điệp của mình, đồng thời cho biết rằng việc yêu cầu chấm dứt những vụ giết người được “rất ít người nhắc đến”.
Ước tính khoảng 3.500 người đã bị giết hại tại El Salvador trong năm nay, lý do tại sao Đức TGM Escobar Alas cho rằng mặc dù chính phủ đã nỗ lực làm việc để hạn chế tỷ lệ này, Ngài mơ ước về một quốc gia “sớm có thể được sống trong hòa bình. Quả thực rằng điều này là vô cùng khó khăn, nhưng chúng ta phải cầu nguyện với Thiên Chúa và đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng”.
“Thật đáng tiếc rằng xã hội chúng ta hiện đang phải trải qua một mùa Giáng sinh trong bầu không khí lo lắng, mất an ninh, đau đớn và chết chóc”, Đức TGM Escobar Alas nói.
Venezuela, cầu nguyện cho việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài
Đức Hồng y Jorge Urosa Savino, người đã công khai phê bình Tổng thống Nicolas Maduro, một lần nữa đã nhắc lại trong bài giảng Thánh lễ Giáng sinh của mình, kêu gọi tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là chính phủ, phải chấm dứt cuộc khủng hoảng vốn “đang gây ra sự đau đớn, những bi kịch và sự chết chóc, đặc biệt là trong số những người yếu thế nhất, đó là con cái của những người nghèo”.
Trong bài giảng Thánh lễ của mình, Đức Hồng y Urosa cũng cho biết rằng mọi tín hữu Công giáo được mời gọi để nỗ lực làm việc vì hòa bình, bằng cách sống Mười Điều Răn, giúp đỡ những người thân cận của mình để truyền đạt đến họ “tình yêu của Thiên Chúa bằng một cách thức cụ thể”.
“Lời mời gọi này hiện nay là vô cùng cấp bách và rõ ràng, khi Venezuela chưa từng bao giờ trước đó phải chứng kiến tình huống của việc thiếu lương thực, thuốc men, và những thứ thiết yếu cho đời sống xã hội như khí đốt, một điều vô cùng khó tin ở một quốc gia sản xuất dầu”, ĐHY Urosa cho biết.
Vị Giám chức thừa nhận rằng nghĩa vụ lớn nhất thuộc về các nhà chức trách, những người có “nghĩa vụ hiến pháp để bảo vệ người dân, đặc biệt là những người yếu thế nhất và đồng thời đảm bảo cho tất cả mọi người dân quyền được ăn uống, sức khoẻ, đi lại, tự do, thông tin: Nói tóm lại, nhân quyền”.
Tuy nhiên, trách nhiệm cũng thuộc về các nhà lãnh đạo của các lĩnh vực khác nhau trong xã hội, bao gồm giới trí thức, các học giả, các doanh nhân, các chuyên gia truyền thông, giới nghệ sĩ và những người làm việc trong các lực lượng an ninh quốc gia, tất cả đều có nghĩa vụ “nỗ lực làm việc vì hòa bình và mở lòng ra với những người thiếu thốn”.
Đã từng là một trong những quốc gia Mỹ Latinh giàu có nhất, Venezuela hiện đang ở dưới cùng của hầu hết các chỉ số hiệu quả kinh tế xã hội. Là chủ sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, hôm thứ Ba vừa qua, chính phủ đã đặt ra các giới hạn về doanh số bán xăng ở khu vực phía tây của nước này để hạn chế việc buôn lậu mà họ đã đổ lỗi cho việc thiếu hụt cung cấp không đủ.
Các nhà phê bình đã đổ lỗi cho đảng Xã hội Chủ nghĩa đang cầm quyền và ông Maduro đối với cuộc khủng hoảng của nước này, đồng thời cáo buộc rằng họ đã khăng khăng thực hiện các chính sách thất bại trong một thời gian dài, trong khi lại nhắm mắt làm ngơ để vơ vét tham nhũng. Mặt khác, chính phủ đã đổ lỗi cuộc khủng hoảng cho các đối thủ chính trị cũng như các thế lực nước ngoài cánh hữu, người mà ông Maduro cho biết rằng họ đã đang tiến hành “cuộc chiến tranh kinh tế” với nỗ lực nhằm hạ bệ ông.
Hết sức bận tâm đến quốc gia Mỹ Latinh này, hôm thứ Hai vừa qua, ĐTC Phanxicô đã cầu nguyện cho Venezuela, Ngài nói rằng: “Chúng ta hãy phó thác Venezuela trong tay Chúa Giêsu Hài Đồng, nguyện xin cho quốc gia này có thể nối lại một cuộc đối thoại thanh bình giữa các yếu tố trong xã hội vì lợi ích của tất cả mọi người dân Venezuela thân yêu”.
Tại Argentina, một dụng ngữ từ điển về Giáo Hoàng Phanxicô
Thông điệp từ Hội đồng các Giám mục địa phương tại Argentina – mà đôi khi được nhận thấy trái ngược với một người con bản địa của mình, Giáo Hoàng Phanxicô – bao gồm những từ ngữ từ dụng ngữ từ điển về Giáo Hoàng, chẳng hạn như: người nghèo, sự bình đẳng, các khu vực ngoại vi, những người nhập cư và những người cao tuổi.
Trong thông điệp của mình, các Giám mục đã bày tỏ sự đau đớn đối với “nỗi thống khổ của nhiều người dân trong nước”, cam kết đối với việc “cùng đồng hành” với những người đau khổ khi họ bảo vệ quyền lợi của người dân, và đồng thời kêu gọi để không ai “cảm thấy bị loại trừ nơi đất nước này”.
“Nguyện xin cho những người nghèo, những người nhập cư, những người cao tuổi, những đứa trẻ, những người bị tù đày, những người mà gần đây đã mất đi người thân yêu, những người lao động, những người đang tìm kiếm công ăn việc làm và những người yếu đuối nhất trong xã hội, cảm thấy được yêu thương và được coi trọng nơi phẩm giá cao quý của họ”, các Giám mục viết trong một thông điệp được phát hành vào giữa tháng 12, vào cuối cuộc họp của ủy ban thường trực của HĐGM.
Các Giám mục kết thúc thông điệp bằng lời cầu nguyện với Đấng Bảo Trợ của Argentina, Đức Mẹ Lujan, “Đấng cùng đồng hành với chúng ta và đưa chúng ta đến gần hơn với sự dịu dàng của Chúa Giêsu Hài Đồng”.
Đức Giám Mục Oscar Ojea, Chủ tịch Hội đồng Giám mục, cũng đã công bố sứ điệp của mình trước dịp lễ Giáng Sinh, mời gọi các tín hữu nhìn vào Chúa Giêsu nơi Hang đá và suy nghĩ về mỗi đứa trẻ như là “hình ảnh của Chúa Giêsu” và đồng thời cầu xin Thiên Chúa để “mỗi đứa trẻ có được những điều cần thiết” để bảo vệ nhân phẩm của chúng.
“Chớ gì chúng ta đừng đánh cắp thời thơ ấu khỏi tay con cái của chúng ta, cũng như những ước mơ và những trò chơi của chúng”, Đức Cha Ojea viết, đồng thời cầu nguyện để chúng sẽ không trở thành “những đứa trẻ già cỗi, những đứa trẻ già trước tuổi, những đứa trẻ không có tuổi thơ, những đứa trẻ không có tình cảm, những đứa trẻ không có khả năng lớn lên, những đứa trẻ không có tầm nhận thức, những đứa trẻ không có học vấn. Vì vậy, nhiều trẻ em ở nước ta thiếu đi những điều cơ bản nhất”, Đức Cha Ojea nói.
Mặc dù số liệu mới nhất từ trung tâm thống kê quốc gia cho thấy mức nghèo đói đang giảm đi, khoảng 30% trong tổng số 44 triệu dân Argentina đang sống dưới chuẩn nghèo, gần ba triệu người sống trong cảnh đói nghèo cùng cực, thiếu những nhu yếu phẩm cơ bản nhất.
Minh Tuệ chuyển ngữ