Một học viện ở Benin đã nỗ lực giúp các em học sinh tại hơn 190 trường Công giáo nhận thức được “trách nhiệm của họ trong việc thay đổi môi trường của mình”.
Ước mơ của một Linh mục Công giáo ở Benin cách đây khoảng 25 năm trước là “phổ biến Học thuyết Xã hội của Giáo hội giữa mọi thành phần xã hội” ngày nay đã đến với các lớp học tại hơn 190 trường thuộc các Giáo xứ ở quốc gia Tây Phi này.
Cha Raymond Goudjo, một nhà thần học nổi tiếng của Tổng Giáo phận Cotonou, đã thành lập Học Viện Công lý và Hòa bình (IAJP) vào ngày 22 tháng 12 năm 1997 nhằm giúp Giáo huấn Xã hội Công giáo (CST) dễ tiếp cận hơn với “giới tinh hoa chính trị, các giám đốc điều hành, sinh viên, trẻ em” của Benin”. Cha Goudjo g đã được truyền cảm hứng để làm như vậy bởi tấm gương của Đức Tổng Giám mục Isidore de Souza (1934-1999), người đã truyền chức Linh mục cho ngài vào năm 1987.
“Khi nghĩ về việc giáo dục hòa bình, các giá trị xã hội và gia đình, những người tiên phong của học viện đã nhận thức được từ rất sớm rằng cần phải bắt đầu với trẻ em”, Cha Eric Aguénounon, hiện là Giám đốc IAJP, cho biết. Dự án thí điểm ban đầu đã được triển khai cách đây 13 năm tại 20 trường học Công giáo. Con số đó hiện đã tăng lên 193. “Theo đánh giá thống kê đến năm 2021, trong bốn giai đoạn, mỗi giai đoạn ba năm, dự án này đã tiếp cận 47.394 trẻ em Benine”, Giám đốc IAJP cho biết.
Giai đoạn thứ năm của dự án, vừa được khai trương trong năm nay, có ba mục tiêu. Đầu tiên, dự án hy vọng sẽ “phát triển ở học sinh nhận thức rõ hơn về trách nhiệm thay đổi môi trường sống của mình”. Thứ hai, dự án tìm cách “làm cho các em học sinh thấm nhuần văn hóa về các giá trị nhân văn trong các mối tương quan giữa các cá nhân”. Và cuối cùng, dự án mong muốn “khuyến khích các em học sinh giữ gìn vệ sinh và bảo vệ môi trường”.
Nội dung của dự án
Các trường học tham gia dự án được lựa chọn trên cơ sở hướng dẫn của các Giám đốc giáo dục Công giáo của Giáo phận và các thành viên của ban chỉ đạo IAJP. Các giáo viên của dự án được đào tạo và trang bị bởi học viện. Với việc sử dụng các sách hướng dẫn, áp phích và những chiếc thẻ do IAJP thiết kế, họ tìm cách giúp học sinh thực hiện các cam kết dựa trên Giáo huấn Xã hội Công giáo.
Alain Gnansounou, điều phối viên của IAJP, cho biết học sinh được dạy một số nguyên tắc cơ bản như “quản lý tốt vai trò nhiệm vụ và tiền bạc được giao; tránh chủ nghĩa địa phương; tôn trọng ý kiến của người khác; tránh gian lận và trộm cắp; luôn giúp đỡ những người yếu thế nhất, những người khuyết tật và người cao tuổi; trồng và chăm sóc cây xanh và hoa lá”.
Năm tháng sau khi học sinh thực hiện các cam kết này, một đánh giá được thực hiện trên cơ sở một biểu mẫu giám sát-đánh giá. Trong bối cảnh này, phụ huynh được yêu cầu đóng góp bằng cách bày tỏ ý kiến của họ về những thay đổi được ghi nhận trong hành vi của con cái của họ.
“Những công dân tốt trong tương lai đã được chuẩn bị ngay từ hôm nay”
“Có nhiều lý do để hài lòng”, ông Gnansounou nói. “Trong các chuyến thăm thực địa định kỳ của chúng tôi, chúng tôi nhận thấy các em vui như thế nào khi gặp lại chúng tôi, khi các em nói về các khái niệm về Giáo huấn Xã hội Công giáo mà các em đã nhận được nhờ dự án IAJP này”.
“Dự án này đặt ra một thách thức lớn không chỉ đối với Giáo hội mà còn đối với xã hội”, Cha Aguénounon, Giám đốc IAJP cho biết. “Thông qua dự án này, chúng tôi đang thức tỉnh nơi những đứa trẻ này, ngay bây giờ, phản xạ của sự cảnh giác thận trọng trong bối cảnh nhiều bậc cha mẹ đang từ bỏ việc giáo dục con cái”, Cha Aguénounon chỉ ra. “Những công dân tốt trong tương lai đã được chuẩn bị ngay từ hôm nay”, Giám đốc IAJP nhấn mạnh.
Dự án được hỗ trợ bởi Misereor, nhánh phát triển của Giáo hội Công giáo ở Đức, và Missio, một chi nhánh của Hội Giáo hoàng Truyền giáo.
Cha Aguénounon cho biết ước mơ của ngài đó là “mở rộng dự án để tiếp cận được nhiều người hơn và khiến trẻ em ‘tiêm nhiễm’ cha mẹ chúng những giá trị của Học thuyết Xã hội của Giáo hội vốn đã thấm nhuần trong chúng”.
Minh Tuệ (theo La Croix)