Tổng thư ký WMO: 'Chúng tôi chia sẻ sự bận tâm của Đức Thánh Cha Phanxicô về vấn đề biến đổi khí hậu'

Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới đã trả lời phỏng vấn Vatican News về cuộc trò chuyện của bà với Đức Thánh Cha Phanxicô, trong đó họ thảo luận về tính cấp thiết của những nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Bà Celeste Saulo, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô vào thứ Sáu (Ảnh: Vatican News)

Bà Celeste Saulo, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới gặp gỡ Đức Thánh Cha Phanxicô vào thứ Sáu (Ảnh: Vatican News)

Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ bà Celeste Saolo, Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), cơ quan của Liên Hợp Quốc chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động khí tượng, thủy văn và các hoạt động liên quan.

Trong cuộc trò chuyện, họ đã thảo luận về những mối bận tâm chung về vấn đề biến đổi khí hậu và nhất trí về tính cấp thiết của hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu với Vatican News sau buổi tiếp kiến, bà Saulo cho biết cơ quan của Liên Hợp Quốc mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với Tòa Thánh và các tôn giáo khác về vấn đề quan trọng này, một vấn đề đại diện cho thách thức lớn đối với hành tinh và nhân loại của chúng ta.

Biến đổi khí hậu: mối bận tâm chính của Đức Thánh Cha Phanxicô

“Đức Thánh Cha Phanxicô rất quan tâm đến những gì đang xảy ra với khí hậu”, bà Saolo nói, “và tôi nghĩ rằng Tổ chức Khí tượng Thế giới có thể làm nhiều việc cùng với Vatican để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta”.

Bà Saulo giải thích rằng tất cả các chỉ số do WMO theo dõi, dù là nhiệt độ toàn cầu tăng, mực nước biển dâng cao hay sông băng tan chảy, đều đang trở nên tồi tệ hơn, điều “có nghĩa là chúng ta đang đi sai hướng”. Điều này, bà nói thêm, “sẽ có tác động rất lớn đến vấn đề di cư, trẻ em, phụ nữ, người bản địa, những người dễ bị tổn thương nhất và là những người phải chịu đựng nhiều nhất”.

Thay đổi mô hình thời tiết ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất

Bà giải thích rằng các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là Châu Phi, Đông Nam Á, Châu Mỹ Latinh và Caribe, cùng với các quốc đảo nhỏ đang phát triển, là tuyến đầu của mực nước biển dâng cao. “Chúng ta cần giúp họ tránh được hậu quả của biến đổi khí hậu”, bà Saulo nhấn mạnh.

Sự đóng góp của các tôn giáo đối với hành động ứng phó với biến đổi khí hậu

Theo bà Saulo, tôn giáo có thể đóng góp quan trọng vào hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng hy vọng: “Hành động phải dựa trên khoa học, nhưng phải được thúc đẩy bởi đức tin”, bà nói.

Bà Saulo đã bày tỏ hy vọng về sự hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai với Tòa Thánh: “Chúng ta có chương trình nghị sự chung và có thể cùng nhau làm việc để bảo vệ sự sống và sinh kế của người dân”, bà nói.

Thiên Ân (theo Vatican News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết