Tổng Thư ký Bộ Đối thoại Liên tôn Vatican kêu gọi đối thoại và tình hữu nghị trong các xã hội chia rẽ

Đức Ông Indunil Kodithuwakku, Tổng thư ký Bộ Đối thoại Liên tôn của Vatican, phát biểu trong phiên họp nhóm nhỏ tại Hội nghị Quốc tế về các Xã hội Gắn kết ở Singapore, ngày 24 tháng 6 (Ảnh: MCCY qua Catholic News SG)

Đức Ông Indunil Kodithuwakku, Tổng thư ký Bộ Đối thoại Liên tôn của Vatican, phát biểu trong phiên họp nhóm nhỏ tại Hội nghị Quốc tế về các Xã hội Gắn kết ở Singapore, ngày 24 tháng 6 (Ảnh: MCCY qua Catholic News SG)

Một quan chức cấp cao của Tòa Thánh đã kêu gọi các cộng đồng tôn giáo trở thành “những người xây những cầu nối và kiến tạo hòa bình” bằng cách thúc đẩy đối thoại và tình thân hữu, đặc biệt là trong các xã hội đa văn hóa và chịu ảnh hưởng bởi xung đột.

“Chúng ta cần đi đầu trong vai trò những người xây dựng cầu nối và kiến tạo hòa bình”, Đức Ông Indunil Kodithuwakku, Tổng Thư ký Bộ Đối thoại Liên tôn của Tòa Thánh, phát biểu.

Theo bản tin của Catholic News SG, trang tin chính thức của Giáo hội tại Singapore, Đức Ông Kodithuwakku nhấn mạnh rằng những hành động tử tế giản đơn — chẳng hạn như trao đổi thức ăn trong các dịp lễ tôn giáo – có thể góp phần nuôi dưỡng sự thiện chí giữa những người lân cận thuộc các tín ngưỡng khác nhau.

Chia sẻ từ chính kinh nghiệm của mình tại Sri Lanka, Đức Ông Kodithuwakku kể rằng gia đình Công giáo của ngài và những người hàng xóm Hồi giáo thường xuyên trao đổi bữa ăn vào dịp lễ Ramadan và lễ Giáng Sinh. Theo thời gian, điều này đã dẫn đến sự hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa, tín ngưỡng và giá trị của nhau, đồng thời giúp xây dựng sự tin tưởng và sự tôn trọng lẫn nhau.

Vị quan chứcTòa Thánh đã trình bày những nhận định này tại Hội nghị Quốc tế về Các xã hội Gắn kết được tổ chức vào tháng trước tại Trung tâm Hội nghị Raffles City ở Singapore.

Sự kiện kéo dài ba ngày này do Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tổ chức, với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Cộng đồng và Thanh niên, quy tụ hơn 1.000 tham dự viên đến từ hơn 50 quốc gia.

Đức Ông Kodithuwakku đã viện dẫn nỗ lực hòa giải sau chiến tranh tại Sri Lanka như một minh chứng cho việc đối thoại liên tôn có thể chữa lành sự chia rẽ như thế nào. Sau cuộc nội chiến, những người dân từ miền bắc chịu ảnh hưởng của chiến tranh đã được kết nối với các cộng đồng ở miền nam.

Dù nói những ngôn ngữ khác nhau—Sinhala và Tamil—các vị lãnh đạo tôn giáo, bao gồm cả các tu sĩ Phật giáo, đã cùng sống trong các ngôi làng để tìm hiểu nhau sâu sắc hơn. Khi đến lúc chia tay, nhiều người đã bật khóc, vì nhận ra rằng những định kiến kéo dài bấy lâu là vô căn cứ.

Dù tôn giáo thường bị đổ lỗi là nguyên nhân của nhiều xung đột trên thế giới, Đức Ông Kodithuwakku nhận định rằng các nguyên nhân sâu xa thường là sự bất bình đẳng kinh tế xã hội, sự phân cực chính trị và sự suy thoái môi trường. “Chúng ta cần giải quyết tận gốc các nguyên nhân của phần lớn các vấn đề”, ngài nói.

Đức Ông Kodithuwakku nhấn mạnh sự cần thiết phải cổ võ một “nền văn hóa gặp gỡ”, đặt nền tảng trên việc lắng nghe và tôn trọng lẫn nhau.

Theo ngài, điều này có nghĩa là dấn thân đối thoại với những người có tư duy khác biệt hoặc theo niềm tin khác, không phải để tranh luận, nhưng để hiểu biết nhau.

“Trong một cuộc đối thoại, một người lắng nghe kinh nghiệm đức tin của người kia mà không cố chứng minh rằng họ sai, với một tâm hồn rộng mở”, Đức Ông Kodithuwakku giải thích. “Khi một người nói xong, người còn lại chia sẻ kinh nghiệm đức tin của mình, và người đầu tiên tiếp tục lắng nghe, mà không có ý tranh biện”.

Hoàng Thịnh (theo LICAS News)

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết