Tông thư của ĐTC Phanxicô nhân kỷ niệm 100 năm Thông điệp Maximum Illud về hoạt động của các nhà truyền giáo trên thế giới

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên kế hoạch cho Tháng Truyền giáo đặc biệt vào tháng 10 năm 2019 nhằm thức tỉnh sự cam kết đối với sứ mạng truyền giáo và đồng thời biến đổi các hoạt động mục vụ thông thường theo suốt chiều dài của đường lối truyền giáo. Mục đích là để thoát khỏi sự mệt mỏi, chủ nghĩa hình thức và bản năng tự bảo toàn. Từ Sắc lệnh Ad Gentes của Đức Benedict XV cho tới Vatican II, từ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho đến Tông Huấn Evangelical Gaudium, đây chính là “nhiệm vụ thiết yếu” của Giáo Hội.

Pope_Francis-childrenĐức Thánh Cha Phanxicô đã viết một lá thư cho ĐHY Fernando Filoni, Tổng Trưởng Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các Dân tộc, được Văn phòng Báo chí Vatican công bố hôm qua, Chúa nhật 22/10. Trong đó, ĐTC Phanxicô đã công bố “Tháng Truyền giáo đặc biệt sẽ được cử hành vào tháng 10 năm 2019 nhằm mục đích nâng cao nhận thức về sứ vụ ad gentes và một lần nữa bắt đầu lại sự hăng hái đổi mới truyền giáo đối với đời sống cũng như hoạt động mục vụ của Giáo hội”. Điều quan trọng cần lưu ý là “việc Tân Phúc Âm hóa” đối với các dân tộc theo truyền thống Kitô giáo lâu đời đang diễn ra trong “sự cam kết đối với sứ mạng phổ quát của Giáo hội”, vốn là để hướng vào “việc truyền bá Phúc Âm hoá cho thế giới ngày nay hơn là để tự bảo toàn mình”.

Năm 2019 đã được chọn để đánh dấu kỷ niệm 100 năm Thông Điệp Maximus illud của Đức Bênêdictô XV (ngày 30 tháng 11 năm 1919) về các hoạt động được thực hiện bởi các nhà truyền giáo trên khắp thế giới. Năm đó, sau cuộc xung đột bi thảm toàn cầu mà Đức Bênêđíctô XV đã gọi là “cuộc tàn sát vô ích”, Ngài đã công nhận sự cần thiết phải có một cách tiếp cận mang tính Tin Mừng hơn đối với công việc truyền giáo trên toàn thế giới, để nó có thể gột sạch bất kỳ một sự gợi ý mang tính thuộc địa nào và đồng thời tránh xa các mục tiêu của chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa quốc quyền vốn đã cho thấy một sự thảm khốc đến thế. “Giáo Hội của Thiên Chúa mang tính phổ quát; Giáo Hội ấy không hề xa lạ đối với bất cứ ai”, ĐTC Phanxicô viết, đồng thời mạnh mẽ kêu gọi bác bỏ bất kỳ hình thức quan tâm đặc biệt nào, bởi vì việc loan báo Tin Mừng và tình yêu của Chúa Giêsu, được lan truyền bởi sự thánh thiện nơi đời sống cũng như những việc lành phúc đức của một người nào đó, chính là mục đích duy nhất của hoạt động truyền giáo”.

Trong bức thư của mình, ĐTC Phanxicô lưu ý rằng công việc của Công đồng Vatican II (đặc biệt là Ad Gentes) nhắc lại rằng sứ mạng truyền giáo chính là “một nhiệm vụ thiết yếu” và Giáo Hội “tự bản chất là phải truyền giáo”.

Mặc dù một thế kỷ đã trôi qua, thế nhưng “vẫn còn một nhiệm vụ truyền giáo vô cùng to lớn để Giáo hội phải hoàn thành”. Trích dẫn những lời của Đức Gioan Phaolô II trong Thông Điệp Redemptoris Missio, ĐTC Phanxicô viết rằng “sứ mạng của Đấng Cứu Thế, được giao phó cho Giáo Hội, vẫn còn chưa được hoàn thành”, quả thực, “một cái nhìn tổng quát về nhân loại cho thấy rằng sứ vụ này vẫn chỉ mới bắt đầu và chúng ta phải cam kết hết lòng phục vụ”.

Một lần nữa sứ mạng ad gentes vẫn còn phổ biến và hết sức cần thiết. Không những thời của các nhà truyền giáo vẫn chưa chấm dứt, mà động lực truyền giáo phổ quát còn hết sức cần thiết để thức tỉnh sứ vụ mục vụ, mà đôi khi chúng ta có thể nhận thấy sự mệt mỏi và chủ nghĩa hình thức. Một lần nữa nhắc lại những lời của Đức Gioan Phaolô II, ĐTC Phanxicô lưu ý rằng “hoạt động truyền giáo ‘canh tân Giáo hội, đem lại sức sống mới cho đức tin và căn tính Kitô giáo, và đồng thời mang lại sự nhiệt huyết và động lực mới. Đức tin được củng cố khi nó được trao ban cho người khác! Đó chính là cam kết đối với sứ mạng phổ quát của Giáo hội rằng việc Tân Phúc Âm hóa của các Kitô hữu sẽ tìm thấy nguồn cảm hứng cũng như sự hỗ trợ”.

Đây chính là một trong những điểm chính của Tông Huấn Evangelii Gaudium, trong đó ĐTC Phanxicô nhấn mạnh rằng “việc tiếp cận của các truyền giáo chính là kiểu mẫu cho tất cả các hoạt động của Giáo Hội”. Trên thực tế, “chính quyền giới hạn không còn đủ. Trên toàn thế giới, chúng ta hãy ‘luôn luôn trong tình trạng phải truyền giáo’” [12]. Chúng ta đừng sợ hãi khi thực hiện, với sự tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa cũng như sự can đảm lớn lao, “một lựa chọn truyền giáo có khả năng biến đổi mọi thứ, để các phong tục, cách thức thực hiện, thời gian và lịch trình, ngôn ngữ và cấu trúc của Giáo hội có thể được chuyển hướng một cách phù hợp đối với việc Tân Phúc Âm hóa thế giới ngày nay hơn là để tự bảo toàn mình.

“Thông Điệp Maximum Illud kêu gọi việc vượt qua biên giới mọi quốc gia để làm chứng, với tinh thần tiên tri và sự can đảm vì Tin Mừng, cho Thánh ý cứu độ của Thiên Chúa qua sứ mạng phổ quát của Giáo Hội. Chớ gì việc tiến gần đến với biến cố kỉ niệm bách chu niên sắp tới của Thông Điệp đó được xem như một động lực để chống lại sự cám dỗ tuần hoàn ẩn núp dưới bất cứ hình thức nào của việc tự thu mình, tự rút lui vào các khu vực an toàn, chủ nghĩa bi quan trong mục vụ và sự nuối tiếc vô ích đối với quá khứ. Thay vào đó, chúng ta có thể trở nên cởi mở với sự mới mẻ mang lại niềm hân hoan của Tin Mừng. Trong những ngày này, những thời kỳ khó khăn của chúng ta, sự chia rẽ bởi những bi kịch chiến tranh và bị đe doạ bởi xu hướng nguy hại nhằm nhấn mạnh sự khác biệt và kích động xung đột, chớ gì Tin Mừng nơi ơn tha thứ của Chúa Giêsu sẽ chiến thắng trên mọi tội lỗi, sự sống sẽ đánh bại cái chết và tình yêu chinh phục sự sợ hãi, được công bố cho thế giới với một niềm hăng hái mới mẻ, và đồng thời làm thấm nhuần sự tin tưởng và hy vọng nơi tất cả mọi người”.

“Vì vấn đề này, chấp nhận đề xuất của Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm cho các dân tộc, nhờ đó tôi kêu gọi Tháng Truyền giáo đặc biệt sẽ được cử hành vào tháng 10 năm 2019, với mục đích tăng cường việc nâng cao nhận thức đối với sứ vụ truyền giáo và một lần nữa bắt đầu lại với sự hăng hái đổi mới truyền giáo đối với đời sống cũng như hoạt động mục vụ của Giáo hội. Tháng Truyền giáo vào Tháng Mười năm 2018 có thể được xem như là một sự chuẩn bị tốt cho việc cử hành biến cố này bằng cách cho phép tất cả mọi tín hữu để tâm đến việc loan báo Tin Mừng và để giúp cho các cộng đồng của họ phát triển trong sự nhiệt tâm truyền giáo và rao giảng Tin Mừng. Chớ gì tình yêu đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, vốn là “một tình yêu tha thiết đối với Chúa Giêsu và tình yêu tha thiết đối với người dân của mình”, [14] phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết!”. 

Thánh Bộ Truyền giảng Phúc Âm và Hội Truyền Giáo Giáo Hoàng sẽ được giao nhiệm vụ với “công việc chuẩn bị cho sự kiện này, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức của các Giáo Hội đặc biệt, các Tu Hội Dòng Sống Đời Thánh Hiến và các Tu Hội Đoàn Sống Đời Tông Đồ, và giữa các hiệp hội, các phong trào, các cộng đồng và các các tổ chức Giáo hội.

Cuối cùng, “Nguyện xin cho Tháng Truyền giáo đặc biệt trở thành một dịp dồi dào của ân sủng, thúc đẩy các sáng kiến và trên hết là việc cầu nguyện, linh hồn của tất cả mọi hoạt động truyền giáo. Cũng như vậy, xin cho biến cố này cũng có thể thúc đẩy việc rao giảng Tin Mừng, suy tư về Kinh thánh và thần học về sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, các công việc bác ái Kitô Giáo, và những công việc thực tiễn của việc hợp tác và liên đới giữa các Giáo Hội, để ngọn lửa nhiệt huyết truyền giáo có thể được tái sinh và không bao giờ thiết đi nơi mỗi chúng ta”.

Minh Tuệ chuyển ngữ

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết