Tổng thống Kenya William Ruto đã cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi hòa bình tại Châu Phi, bao gồm cả việc chấm dứt xung đột ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Sudan và Nam Sudan.
Phát biểu trước các thành viên G7 ở Apulia, Ý, Tổng thống Kenya đã vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại về một thế giới bị tàn phá bởi xung đột và những thiệt hại nhân đạo khủng khiếp mà chúng đã gây ra cho nhân loại.
“Ở Sudan, hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng; hàng triệu người phải di tảnvà đối mặt với nạn đói. Tại Trung Đông, xung đột ở Gaza đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người, tàn phá sinh kế của hàng triệu người và gây ra những làn sóng chấn động kinh tế toàn cầu”, ông Ruto nói hôm 15 tháng 6.
“Châu Âu đang vật lộn với một cuộc xung đột lớn gây ra sự tàn sát không thể tưởng tượng được và sự gián đoạn kinh tế trên diện rộng”, ông Ruto nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng thế giới đang “ở trong sự kìm kẹp của những thách thức toàn cầu không ngừng nghỉ ở mức độ chưa từng có”.
“Chỉ có hành động tập thể hiệu quả của cộng đồng quốc tế mới có thể mang lại cơ hội thích hợp để xoay sở và vượt qua những thách thức này”, ông Ruto nói.
Ông Ruto thu hẹp nó vào cuộc xung đột ở Nam Sudan, đồng thời nhấn mạnh vai trò của “Sáng kiến Hy vọng Tumaini” được đồng tài trợ bởi chính phủ Kenya và Cộng đồng Sant’Egidio có trụ sở tại Rôma – một hiệp hội Công giáo giáo dân chuyên cung cấp dịch vụ xã hội và giữ vai trò phân xử xung đột.
Sáng kiến bắt đầu vào ngày 9 tháng 5 tại Nairobi là cuộc đàm phán hòa bình ở Nam Sudan giữa chính phủ và các đảng đối lập không ký thỏa thuận hòa bình năm 2018 do chính phủ Kenya tạo điều kiện theo yêu cầu của Tổng thống Salva Kiir.
“Chúng tôi được khuyến khích rằng Sáng kiến Tumaini được đồng tài trợ bởi Cộng đồng Công giáo Sant’ Egidio ở Rôma, Ý và chính phủ Kenya đang thu được những thành quả trong việc mang lại nền hòa bình lâu dài ở Nam Sudan”, ông Ruto nói sau cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô vào ngày 14 tháng 6.
Vào ngày 13 tháng 6, các đảng đối lập tham gia cuộc đàm phán ở Nairobi đã đưa ra một tuyên bố nêu rõ những kỳ vọng của họ từ các cuộc thảo luận.
“Nam Sudan đang bấp bênh trên bờ vực của thảm họa. Tất cả các bên đều đồng ý về sự cần thiết phải giải cứu nó. Vì lý do này, chúng tôi hoan nghênh Sáng kiến Tumaini như một cơ hội vàng cuối cùng để giải cứu Nam Sudan khỏi sự sụp đổ và tan rã”, theo nội dung tuyên bố.
Tuyên bố kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Nam Sudan trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình và chuyển đổi suôn sẻ sang nền dân chủ và ổn định, đặc biệt là với các cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
“Chúng tôi mong muốn giải cứu Nam Sudan khỏi bóng ma của sự sụp đổ và hỗn loạn, đồng thời bắt tay vào quá trình song song của việc xây dựng nhà nước và quốc gia nhằm mang lại một Nam Sudan hòa bình, công bằng và thịnh vượng cho tất cả mọi người”, tuyên bố cho biết.
Xung đột ở Nam Sudan bắt đầu như một cuộc tranh chấp chính trị vào tháng 12 năm 2013 trong nội bộ Quân đội Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLA) cầm quyền, leo thang thành một cuộc nội chiến với các khía cạnh sắc tộc. Những bất đồng giữa Tổng thống Salva Kiir và cựu Phó Tổng thống Riek Machar đã dẫn đến tình trạng bạo lực lan rộng, nhắm vào dân thường dựa trên sắc tộc và lòng trung thành chính trị. Chiến tranh đã khiến gần 400.000 người thiệt mạng, xé nát cơ cấu xã hội của đất nước, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và để lại những vết sẹo sâu sắc về sức khỏe tâm thần cho những người sống sót.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Nam Sudan đã hoan nghênh Sáng kiến Tumaini và nói rằng họ hy vọng sáng kiến này sẽ mang lại nền hòa bình lâu dài.
Cha John Gbemboyo, Điều phối viên Truyền thông Xã hội của Hội đồng Giám mục Công giáo Sudan (SCBC), cho biết “đó là một sáng kiến hữu hiệu và chúng tôi luôn biết ơn khi nghe về một sáng kiến vì nền hòa bình lâu dài ở đất nước chúng tôi”.
“Các cuộc đàm phán hòa bình mang đến cho chúng tôi một thông điệp hy vọng. Chúng tôi vẫn chưa biết chi tiết về những gì họ đang thảo luận, nhưng chúng tôi biết rằng bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào nhằm mục đích vì lợi ích của đất nước và người dân trong nước, đặc biệt đối với chúng tôi đều được hoan nghênh, và chúng tôi đánh giá cao động thái này, và chúng tôi hy vọng rằng trong tương lai họ sẽ cung cấp cho chúng tôi thông tin chi tiết về các cuộc thảo luận và chúng tôi sẽ vui mừng khi biết những tiến bộ đã đạt được cho nền hòa bình trường tồn trong nước, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Cha Gbemboyo nói với Crux.
Cha Gbemboyo cho biết việc quay trở lại hòa bình là hết sức quan trọng nếu đất nước phải có khả năng đối phó với một cuộc khủng hoảng kinh tế lan rộng.
Cha Gbemboyo cho biết các công chức đã 7 tháng không được trả lương và đồng thời lưu ý rằng “cuộc sống ở Nam Sudan được Thiên Chúa sắp xếp ngân sách vì bạn không thể tưởng tượng được có người không nhận lương mà vẫn sống”.
Cha Gbemboyo đã nói về nạn đói kém và việc người ta phải ăn lá cây và trái cây dại để tồn tại.
“Thật không may, nhiều người đã chết vì những thói quen ăn uống này”, Cha Gbemboyo nói với Crux. Ngài cảnh báo rằng mùa mưa sắp tới sẽ dẫn đến lũ lụt, làm trầm trọng thêm tình trạng đói kém vốn đã nghiêm trọng.
Sau cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô, Tổng thống Ruto bày tỏ sự tin tưởng rằng các bên tham chiến sẽ đồng ý ngừng chiến đấu và tạo cơ hội cho hòa bình.
Minh Tuệ (theo Crux)