“Đối với nhiều người dân Ấn Độ, sự kết nối của cộng đồng Kitô giáo với lĩnh vực y học và điều dưỡng, và với việc dạy học và giáo dục dường như là tự nhiên”
MUMBAI, Ấn Độ – Lưu ý rằng cộng đồng Kitô giáo ở bang Kerala là một trong những cộng đồng lâu đời nhất không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở bất cứ nơi nào trên thế giới, Tổng thống Ấn Độ hôm thứ Ba 7/8 đã chia sẻ rằng di sản và lịch sử của Giáo hội chính là một niềm tự hào to lớn cho toàn thể Quốc gia.
Tổng thống Ram Nath Kovind đã phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập trường Đại học Thánh Tôma ở Thrissur, thành phố được coi như thủ đô văn hóa của Kerala.
Nằm trên bờ biển Malabar phía tây nam của Ấn Độ, Kerala là nơi mà Thánh Tôma Tông Đồ được cho là đã viếng thăm trong các chuyến hành trình truyền giáo của Ngài. Tiểu bang này có dân số Kitô giáo lớn nhất ở Ấn Độ, với gần 20% dân số thuộc về một trong các giáo phái Kitô giáo khác nhau: Tinh số trung bình quốc gia là hơn 2% một chút.
Trường Thánh Tôma được thành lập như một trường học dành riêng cho nam sinh vào năm 1889 và được nâng lên trở thành một trường Đại học vào năm 1919. Nó thuộc thẩm quyền của Tổng Giáo phận Công giáo Syro-Malabar Thrissur.
Trong bài phát biểu của mình, ông Kovind cho biết Ấn Độ có một “cam kết không thể thương lượng đối với sự đa dạng và tính đa nguyên của nó”.
“Mọi cư dân của Kerala, bất kể nền tảng, đều là người có liên quan trong sự thành công bền vững cũng như mọi tiến triển của Đại học Thánh Tôma. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây đó chính là phải đánh giá cao vai trò của Giáo Hội trong việc thành lập và quản lý trường đại học này, và trong việc đưa nó lên một tầm cao như vậy”, tổng thống Kovind nói.
Ông cho biết cộng đồng Kitô giáo đã đạt được “nhiều bước ngoặt” trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục và y tế.
“Đối với nhiều người dân Ấn Độ, sự kết nối của cộng đồng Kitô giáo với lĩnh vực y học và điều dưỡng, và với việc dạy học và giáo dục dường như là tự nhiên”, ông Kovind nói.
Tổng thống cho biết sự nhiệt tâm được cảm nhận đối với các Kitô hữu tại Kerala chính là một hiện tượng quốc tế.
“Vào năm 2017, tôi đến thăm Ethiopia, như một phần trong chuyến viếng thăm cấp chính phủ đầu tiên của tôi sau khi trở thành Tổng thống Ấn Độ. Rất cảm động khi thấy người dân tại Ethiopia nhớ lại những nỗ lực của các giáo viên Ấn Độ, những người đã mạo hiểm đến với những khu vực xa xôi ở nước này cách đây 50 năm trước. Họ đã giáo dục các thế hệ trẻ em Ethiopia và trẻ em nơi đây vẫn còn ghi nhớ và biết ơn điều đó. Nhiều người trong số những giáo viên đó đều đến từ Kerala và trên thực tế đến từ khu vực này và cộng đồng Kitô giáo này”, ông Kovind nói.
Ông Kovind cũng lưu ý đến phương châm của trường đại học này, được lấy ý tưởng từ Tin Mừng Gioan: ‘Sự thật sẽ giải thoát anh em’.
“Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng giá trị đích thực của giáo dục không nằm trong các kỳ thi và bằng cấp – nhưng nằm ở việc chúng ta học biết cách giúp đỡ những anh chị em đồng loại và việc chăm sóc cho những người kém may mắn hơn hoặc cần đến những gì chúng ta có và có thể chia sẻ với họ”, Tổng thống nói.
“Tôi luôn tin rằng việc phụng sự Thiên Chúa tuyệt vời cũng chính là việc giúp đỡ một người khác, chữa lành một người khác và lan truyền ánh sáng tri thức cho một người khác”, ông Kovind tiếp tục.
“Nhiệm vụ này phải tiếp tục hướng dẫn chúng ta khi chúng ta nỗ lực để giáo dục và xây dựng xã hội của chúng ta và đồng thời hướng Kerala và Ấn Độ đến với những giấc mơ của chúng ta. Các cơ sở giáo dục chẳng hạn như trường Đại học Thánh Tôma là vô cùng quan trọng đối với cuộc hành trình đó”, ông Kovind nói.
Chuyến viếng thăm trường Cao đẳng Công giáo của ông Kovind xảy ra khi Giáo hội hiện đang phải đối diện với sự áp lực ngày càng gia tăng ở Ấn Độ.
Kể từ năm 2014, quốc gia này đã được cai trị bởi Đảng Bharatiya Janata (BJP), được liên kết với Rashtriya Swayamsevak Sangh (RSS), một tổ chức dân tộc chủ nghĩa Hindu.
Các Kitô hữu và các nhóm thiểu số khác đã phàn nàn về tình trạng sách nhiều hiện đang ngày càng gia tăng kể từ khi Đảng Bharatiya Janata tiếp quản, và gần đây các quan chức của đảng này đã cáo buộc một số lãnh đạo Giáo hội về việc kích động sự chia rẽ giáo phái do việc ban hành những lá thư mục vụ kêu gọi Ấn Độ duy trì hiến pháp thế tục của nó.
Tổng thống Kovind, người từng là phát ngôn viên quốc gia của đảng này, thường ca ngợi sự đóng góp của Giáo hội đối với xã hội Ấn Độ kể từ khi ông đảm nhận vai trò tổng thống chủ yếu mang tính nghi lễ vào tháng 7 năm 2017.
Minh Tuệ chuyển ngữ