Đức Giêsu thường xuyên giao du với những kẻ bị coi là tội lỗi, ăn uống với họ, công bố ơn Thiên Chúa tha thứ cho họ… Và Người được những người tội lỗi yêu mến và tin tưởng. Nhưng thái độ và cách hành xử đó của Đức Giêsu đối với người tội lỗi đã luôn bị các địch thủ của Người chống đối quyết liệt. Họ luôn tìm dịp để gài bẫy Người.
Ngày nọ, “vừa tảng sáng, Đức Giêsu trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8, 2-6a).
Đức Giêsu bị đặt vào một hoàn cảnh đặc biệt. Quả thực ngoại tình là một tội nặng, không thể xem thường. Chính Đức Giêsu cũng đã từng đề cao tính bất khả phân ly của hôn nhân và không chấp nhận tình trạng bất trung trong hôn nhân. Đàng khác, cũng chính Người rất thương yêu các tội nhân. Vì thế, những người Pharisêu và các kinh sư quyết định lợi dụng một vụ xét xử người phụ nữ phạm tội ngoại tình để gài bẫy và tìm cách lên án Đức Giêsu. Họ đưa người đàn bà ấy đến với Đức Giêsu, trước mặt đám đông. Nếu Đức Giêsu kết án chị ta, là Người công nhận lập trường khắc nghiệt của các kinh sư và những người Pharisêu đối với kẻ tội lỗi, và Người tự phủ nhận những lời giảng dạy của chính mình về ơn cứu độ, về lòng thương xót, về sự tha thứ và về lòng yêu mến của Người đối với những người tội lỗi. Nhưng nếu Người tha cho người phụ nữ tội lỗi này, là Người vi phạm Lề Luật và bị coi là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
“Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (c.6b). Người im lặng. Người không nhìn mấy ông kinh sư và mấy ông Pharisêu. Cũng chẳng nhìn người phụ nữ. Người làm như thể không có bất cứ ai chung quanh. Mọi người đều chờ đợi câu trả lời của Người: mấy ông kinh sư và Pharisêu đắc thắng, người phụ nữ sợ hãi, đám đông căng thẳng. Nhưng Người chẳng đưa ra câu trả lời nào. Người chỉ viết trên đất. Phải chăng Người đang lâm vào thế bí? Có lẽ không. Hay Người đang phân tích các yếu tố và các khía cạnh khác nhau của sự kiện để tìm cách trả lời có lợi nhất? Có lẽ không. Người muốn tỏ ra bình tĩnh và thản nhiên? Hay Người đang cố ý tạo một quãng thời gian thinh lặng để buộc mọi người phải suy nghĩ? Người muốn gửi đến họ thông điệp gì khi Người lấy tay viết trên đất?
Nhưng cuối cùng, Người cũng lên tiếng. “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (c.7). Những kinh sư và người Pharisêu chỉ nhìn Lề Luật và tội lỗi của người đàn bà. Họ quá chắc chắn về mình và quá tự mãn nơi mình. Nhưng Đức Giêsu mời gọi họ quay trở về với lương tâm của mình. Người kêu gọi họ ý thức về tội lỗi của chính họ: họ không thể làm như mình vô tội và không cần lòng thương xót của Thiên Chúa. Đức Giêsu đã đặt cuộc tranh luận sang một bình diện khác. Trước Nhan Thiên Chúa, mọi người đều là tội nhân và đều cần ơn tha thứ. Đức Giêsu kéo các kinh sư và người Pharisêu trở lại với dữ kiện thực tế mà họ đã lãng quên đó.
Thánh Augustinô viết: “Chúa Giêsu không nói: ‘Đừng ném đá cô ta’, vì Người không muốn làm ra vẻ nói ngược với luật. Nhưng Người cũng cẩn thận không nói: ‘Phải ném đá cô ta’, bởi vì Người không đến để làm mất cái đã tìm lại được, nhưng để đi tìm cái đã mất… Nhưng Người khiến các ông (kinh sư và Pharisêu) phải băn khoăn suy nghĩ biết chừng nào! Thủ đoạn của các ông chỉ ở bên ngoài thôi, các ông không nhìn vào tận đáy lòng mình. Các ông thấy người thiếu phụ ngoại tình, nhưng chính các ông không tự nhìn vào mình. Mà bất cứ ai chăm chú tự nhìn vào mình thì sẽ khám ra mình là người tội lỗi. Đó là điều chắc chắn”.
“Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất” (c.8). Người để mọi người đối diện với chính bản thân mình. Người dành thời gian cho họ tự suy nghĩ và nhận định. Người tỏ lòng lân mẫn thương xót ngay cả với những người vừa nhao nhao đòi kết án chị phụ nữ và vừa giăng bẫy hại Người. Người cũng muốn dành thời gian cho người phụ nữ tội lỗi có thời gian suy nghĩ về tội lỗi của mình. Có thể chị đã chẳng có lúc nào được yên kể từ lúc bị bắt quả tang phạm tội. Vậy đây là lúc chị có thể suy nghĩ mà nhận ra sự nặng nề của việc mình đã làm. Bây giờ đối diện với sự nhân hậu của Đức Giêsu, chị có cơ hội thấm thía hơn về tình yêu tha thứ của Thiên Chúa, và vì thế, thấm thía hơn về tính cách nghiêm trọng của tội mà chị đã phạm.
“Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (c.9a). Thánh Augustinô viết: “Bị đức công chính cật vấn như một mũi đòng đâm thâu, các ông trở về với chính mình, khám phá ra mình là những người tội lỗi, nên lần lượt rút lui, kẻ trước người sau.”
“Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa” (c.9b). Thánh Augustinô bình luận: ‘sự khốn cùng’ đối diện với ‘lòng lân tuất’.
“Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giêsu nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (cc.10-11). Từ đầu câu chuyện đến giờ, Đức Giêsu hình như chỉ để ý đến những người Pharisêu và các kinh sư đang ra sức tố cáo người phụ nữ và giăng bẫy hại Đức Giêsu. Bây giờ Người ngước mắt lên, nhìn thẳng vào người phụ nữ tội lỗi. Hai câu hỏi của Người cho thấy một tình cảnh hoàn toàn mới mẻ đã xuất hiện: mọi người tố cáo người phụ nữ đều đã rút lui và không ai ném đá tử hình chị. Một cách vô tình, nguồi phụ nữ đã trả lời rất chính xác: không ai lên án chị. Kể cả Đức Giêsu, Đấng duy nhất vô tội. Người là Đấng từng tuyên bố: “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” (Ga 8,15). “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Bởi vì, như Đức Giêsu đã nói về chính mình: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).
Điều chúng ta phải tin trong Kinh Tin Kính không phải là tội lỗi, mà là việc tha thứ tội lỗi. Thực ra, chính sự tha thứ giúp biết tội. Chúng ta thực sự nhận thức được tội của mình ngay vào lúc mình biết rằng tội đã bị triệt tiêu. Khoảnh khắc mà người phụ nữ ngoại tình hiểu những gì chị đã làm, không phải là khi chị đối diện với cơn say máu của các người Pharisêu và các kinh sư. Lúc mà chị hiểu sự đáng bị khinh bỉ của chị nhất có lẽ chính là lúc Đức Giêsu ngước mắt nhìn chị và nói : “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Vào giờ đó, chị không còn đối diện với một bộ luật, mà là với tình yêu và lòng xót thương của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Chính tình yêu và lòng xót thương ấy đã cho chị thấy tội lỗi của chị hơn là mấy ông kinh sư và những khoản luật mà các ông ấy viện dẫn. Cũng chính tình thương và lòng thương xót đó đã làm cho các ông kinh sư và Pharisêu nhận biết tội lỗi của họ.
Giuse Nguyễn Thể Hiện, C.Ss.R.