Mùa Vọng năm 2010 tôi có những thay đổi trong công việc, chính tại thời điểm này, tôi mới nhẫn nại hay nói cách khác là tôi bị hút vào những suy tư, và đặc biệt lần này những suy tư đó trở thành một sức mạnh buộc tôi phải luôn suy nghĩ về nó.
Tôi miên man nghĩ về những người tôi quen, cả Công giáo và không Công giáo:
Với những người rất thành đạt theo tiêu chuẩn mặc định của xã hội ngày nay, họ có đủ các điều kiện vật chất mà nhiều người mơ ước, có địa vị xã hội, con cái học thành tài ở Mỹ, gia đình không xào xáo, thậm chí có cả nhà riêng tại Mỹ. Nhưng tôi vẫn thấy ở họ sự băn khoăn, hối tiếc và bất an.
Họ chợt nhận ra rằng những tiêu chuẩn thành đạt mà xã hội hiện nay mặc định cho con người là những điểm giới hạn của chính họ. Họ không biết có thật sự sống vì những tiêu chuẩn đó hay không, hay những tiêu chuẩn đó đang biến họ thành ‘người chết khi đang sống’.
Đặc biệt, trong những người tôi quen, có gia đình của anh bạn thân ở trong một căn hộ chung cư với ba thế hệ: ba mẹ và em gái, hai vợ chồng và hai đứa con. Ba anh dạy Pháp văn cho người lớn tại nhà (căn hộ chung cư), người học đa phần là bác sĩ. Mẹ anh, sau bao năm tần tảo bán thuốc tây chợ trời nuôi cả nhà, nay bà ở nhà trông cháu nội.
Điều tôi muốn nói ở đây, chính là đại gia đình tam đại đồng đường đều toát lên niềm vui, sự yêu đời, có sức thu hút mọi người. Mỗi khi tôi sa sút tinh thần, nơi tôi cần ghé là gia đình anh. Ở đó, tôi cảm nhận cả gia đình họ đầy sức sống. Họ sống theo tiêu chí “mọi người vì một người” một cách tự nhiên, không gượng ép. Tôi tìm hiểu và biết được công thức ‘sô’ng’ của họ là “biết tôn trọng ý thích của nhau”.
Từ những thực tế trên, tôi loay hoay đi tìm ý nghĩa đúng của cuộc sống. Tôi đi vào hành trình ‘Hãy Tự Biết Lấy Mình’, mà có lần một vị linh mục đã nói với tôi: “Mỗi người, Chúa đều cho một cái hẹn, không chóng thì chày, đó là thời điểm mà người đó tự đi gặp gỡ chính Chúa một cách đích thực ngay tại trần thế này”.
Tôi tham gia vào nhóm mục vụ giáo dân của một anh bạn, mà bản thân anh ta cũng là một câu chuyện. Trước đây, anh ta là một tay chơi kèn Saxophone chuyên nghiệp, chuyên tư vấn cho tôi cũng như những người bạn khác cùng lứa các ngóc ngách của Saigon, nay tôi lại được anh ta hướng dẫn để cầu nguyện và sinh họat cùng nhóm mà anh ta thành lập. Chúa đã ‘đánh động’ tôi, để tôi dễ dàng nhận ra Chúa.
Một ngày bình thường của năm 2011, tôi tìm thấy ngay trong nhà tôi cuốn ‘Tóm lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Gíao ‘ bản đầy đủ, xem qua và hỏi mọi người trong nhà không ai biết, tôi đoán rằng, cuốn sách này tôi đã mua tại nhà sách Công giáo lúc nào đó mà tôi cũng chẳng nhớ, và tôi mua cuốn đó có lẽ là do mấy chữ ‘Học thuyết xã hội… Công giáo’. Đọc qua cuốn sách, tôi chỉ lưu tâm xem Giáo hội Công giáo đưa ra hệ thống cụ thể nào hoặc chí ít cũng có những phương pháp kỹ thuật cụ thể để quản trị xã hội, tôi chẳng tìm được gì, nhưng tôi ý thức rằng đây là vấn đề mới mà tôi cần lưu tâm.
Tháng 8 năm 2011, tôi coi trên mạng, Dòng Chúa Cứu Thế mở khóa Tìm Hiểu Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo, tôi ghi danh và tham gia. Trong khóa học này, điều đánh động tôi lớn nhất là bài nói chuyện của cha Matthêu, cha nói: “Điểm nổi bật của Giáo huấn Xã hội Công giáo là nói về con người, lấy ‘con người’ làm gốc và làm trung tâm, lâu nay chúng ta chỉ lấy Thiên Chúa làm gốc và nói về Ngài”.
Cái mà lâu nay tôi băn khoăn, miên man suy nghĩ về nó là đây. Tôi chỉ được dạy ‘giữ đạo, nhưng còn ‘sống đạo’ trong hòan cảnh xã hội cụ thể thì sao đây và đặc biệt là trước các vấn nạn của xã hội thực tại.
Xã hội loài người hì hục làm mọi việc, nhưng xã hội vẫn phát triển theo hướng bất an. Của cải ngày càng được làm ra nhiều hơn trước, thế giới bây giờ đã phẳng, nhưng tại sao con người chẳng thấy hạnh phúc hơn hay nói một cách nào đó, tôi tin có Chúa, có Đấng Tối Cao, nhưng tôi phải làm gì để tôi hạnh phúc ngay đời này hoặc ít nhất tôi thấy cõi trần này là qùa tặng của Thiên Chúa, chứ không phải là gánh nặng trần ai.
Nghiền ngẫm cuốn ‘Tóm lược HTXH của GHCG’ và đặc biệt qua những lần sinh hoạt nhóm, tôi nhận thấy:
Từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thế giới bùng nổ một nền kinh tế hàng hóa, khi đó con người biết sản xuất hàng hóa ra hàng loạt, nhưng chính con người lại là bi kịch của sự phát triển này. Con người không hạnh phúc hơn khi hàng hóa làm ra thì được nâng niu, trân trọng, còn con người thì như những bóng ma phất phơ, điển hình và dễ nhận diện nhất là những bộ phim hài của Sac-lô thời đó đã cảnh báo cho cả nhân loại. Con người đang trở thành ‘phương tiện’ và chẳng lẽ hàng hóa hay giá trị thế gian nào là mục đích của con người?
Đến nay, ngay cả thời đại mà thế giới đã đưa ra ‘chỉ sổ hạnh phúc’ cho nhân loại, con người thực sự hạnh phúc không? Ngày nay nền kinh tế được gọi là nền kinh tế tri thức, lại nổi cộm lên hai vấn đề quan trọng: Tri thức ở đây được phục vụ cho sự ‘ma mãnh’ về tài chánh để chi phối kinh tế kéo theo sự suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay – Xuất hiện sự đào thải, sự loại trừ những ai không bắt nhịp với quan niệm sống của một bộ phận ‘tri thức’ xã hội loài người quy định. Vậy đâu là nơi con người bám víu để phục vụ đúng giá trị khi họ có khả năng và đâu là nơi con người được quyền sống với khả năng giới hạn dưới con mắt loài người, hoặc chính loài người đã xô đẩy để khả năng của họ không phát triển?
Trước những vấn đề trên, GHXHCG đóng vai trò gì khi tôi là một người Công giáo:
- Kinh Thánh là bản đồ hướng dẫn con người đến với Chúa. Thiên Chúa nói với chúng ta về Ngài.
- Giáo lý là bản trình bày đức tin của Giáo hội và đạo lý Công giáo, được Kinh Thánh cũng như Truyền Thống Tông Đồ và Huấn quyền Giáo hội xác nhận hoặc soi sáng 1. Giáo hội nói với chúng ta về Thiên Chúa.
- Giáo huấn Xã hội Công giáo đặt nền tảng trên mạc khải Kinh Thánh và Truyền thống Giáo hội 2 để hiểu, phê phán và định hướng con người sống Đức Tin trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể. Giáo huấn này lấy “con người duy nhất và toàn diện với thể xác và linh hồn, với tình cảm và lương tâm, với lý trí và ý chí” làm trung tâm để phục vụ3.
Chính vì lấy con người làm trung tâm, trong GHXHCG nêu rõ: “Phải hiểu con người trong sự độc đáo và không thể sao chép, cho nên không thể chấp nhận bất cứ toan tính nào muốn giản lược thân phận con người bằng cách ép con người đi vào trong các phạm trù được dự tính trước hay vào các hệ thống quyền lực đã có sẵn, dù có thuộc ý thức hệ hay không. Do đó, con người là mục tiêu tối hậu của xã hội, trật tự xã hội và sự phát triển của xã hội phải luôn luôn nhắm tới lợi ích của con người và phải lệ thuộc vào trật tự con người, chứ không theo cách ngược lại4. Nhưng con người muốn phát triển toàn diện, thì con người không chỉ sống ‘với’ mà còn sống ‘cho’ người khác5, họ thực sự đều phải chịu trách nhiệm về tất cả mọi người” 6.
Muốn được như trên, tôi phải sống làm sao thì mới đúng với tinh thần của GHXHCG, Giáo huấn này đã chỉ ra:
- Những nguyện tắc để suy tư
- Những tiêu chuẩn để phán đoán
- Những chỉ dẫn để hành động
1. Các nguyên tắc và các giá trị cơ bản để suy tư, đó là:
* Nguyên tắc nền tảng của GHXHCG: Nguyên tắc Nhân vị.
* Nguyên tắc tổ chức xã hội: Nguyên tắc bổ trợ – Nguyên tắc liên đới.
* Con người với xã hội: Nguyên tắc công ích – Mục tiêu phổ quát của tài sản – Sự tham gia.
* Những giá trị luân lý trong việc tổ chức xã hội: Sự thật – Tự do – Công lý và Bác ái.
2. Các tiêu chí để phán đoán: cho các hệ thống, định chế, tổ chức kinh tế có sử dụng các dữ liệu thực nghiệm. Vd: đánh giá của Giáo hội về Chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa tự do, thần học giải phóng, chủ nghĩa chủng tộc, toàn cầu hóa, đồng lương xứng đáng…
3. Các hướng dẫn hành động: các ý kiến, nhận định về các sự kiện lịch sử. Đây không chỉ là diễn dịch mang tính logic và tất yếu, xuất phát từ các nguyên tắc, mà còn là kết quả các kinh nghiệm mục vụ của Giáo hội và một cái nhìn Kitô giáo về thực tại; một sự ưu tiên chọn lựa người nghèo, vấn đề đối thoại, và tôn trọng thẩm quyền chính đáng của các thực tại chính trị, kinh tế và xã hội. Vd: các đề xuất tha nợ quốc tế, cải cách nông nghiệp, thành lập các hợp tác xã…(“Gaudium et Spes” 67-70) 7.
Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã cho con gặp được GHXHCG, tức là con tìm thấy phương thế để gặp gỡ chính Chúa đích thực và ngay tại trần thế này. Amen.
Giuse MT
Trích từ Tập san GHXHCG số mở đầu
Chú thích:
- Trang 15 GLHTCG /
- số 74 cuốn Tóm lược HTXH của GHCG
- số 13 cuốn Tóm lược HTXH của GHCG
- số 131, 132 cuốn Tóm lược HTXH của GHCG
- số 165 cuốn Tóm lược HTXH của GHCG
- sô 193 cuốn Tóm lược HTXH của GHCG
- Trích trang 15 số ra mắt Truyền thông Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo (Lm Thomas Williams – Đan Quang Tâm dịch)