"Tôi chỉ mong ngày nào đó không phải làm việc này!"

“Tôi chỉ mong ngày nào đó không phải làm việc này!”

Câu nói trên là của anh Phụng – người đàn ông làm công việc chăm sóc mộ phần của các trẻ em vô danh tại nghĩa trang đồng nhi Pleiku – chia sẻ với tôi khi tiễn tôi ra khỏi nơi chôn cất các thái nhi bị bỏ rơi.

Nhưng có lẽ, đó chỉ là một mong ước không bao giờ có thể trở thành hiện thực khi số lượng thai nhi bị phá bỏ năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cách đây 3 năm số lượng mộ có bia mộ “Vô Danh” ở nghĩa trang mới chỉ là xấp xỉ 14.000, vậy mà lần này tôi trở lại, đã vượt con số 18.000 ngôi mộ như thế.

dongnhi1Ngay lúc tôi đang trò chuyện cùng anh Phụng, thì một người phụ nữ chạy xe máy tới, và đưa cho anh một túi xốp màu đen và nói ngắn gọn: 3 bé nhé. Tôi thấy lạnh cả người khi nghe điều đó. Theo chân anh Phụng đi đào mộ chôn các em, tôi được biết thêm, bình quân mỗi năm anh nhận hơn 1.000 thai nhi bị phá bỏ như thế. Chỉ từ hôm mồng một Tết đến giờ, anh đã chôn hơn 200 thai nhi.

Với anh, không có ngày lễ tết gì cả, ngay sáng mồng một Tết, anh đã nhận được “món quà đầu năm” là một thai nhi nặng 3kg, tượng hình gần như hoàn chỉnh, không hiểu vì sao lại bị phá bỏ, chỉ biết qua lời kể rằng mẹ của em là một cô gái cỡ 19 tuổi, đã cố gắng giữ em đến được gần khi sinh thì không còn chịu nổi sức ép của gia đình nên đành chấp nhận Kovac ?!

Món quà ngày mùng một tết Bính Thân – Anh Phụng được nhận lúc 7g sáng

Món quà ngày mùng một tết Bính Thân – Anh Phụng được nhận lúc 7g sáng

Trả lời câu hỏi của tôi về số liệu thống kê của anh những khoảng thời gian nào là cao điểm nhất, anh Phụng cho biết thường khoảng thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 hàng năm và khoảng thời gian sau tết trung thu một tháng là cao điểm nhất. Những thời điểm đó có những ngày anh phải đón nhận tới 15 em – anh cười và nói thêm –các bạn trẻ mà, họ không kềm chế được bản thân mình. 

Đứng nhìn những ngôi mộ bạt ngàn nối tiếp nhau trải dài đến hết tầm mắt, tôi tự hỏi, mỗi ngày trên đất nước Việt Nam mình có bao nhiêu trẻ em bị chết một cách tức tưởi như vậy? Theo tôi biết, có không  dưới 10 tỉnh thành có những nghĩa trang đồng nhi như thế này.

Người đàn ông gắn bó với công việc chôn cất thai nhi

Người đàn ông gắn bó với công việc chôn cất thai nhi

Có nghĩa là, mỗi năm chúng ta có một số không dưới cả chục ngàn những em bé đã bị giết chết trước khi kịp nhìn thầy ánh mặt trời một lần. Nhưng hình như, cả xã hội chẳng bận tâm gì đến điều đó cả. Nếu so với số người chết vì tai nạn giao thông thì con số trẻ bị giết chết chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều. Có những chiến dịch tuyên truyền rầm rộ để kéo giảm con số người chết vì tai nạn giao thông, nhưng có vẻ như chẳng có được một hoạt động nào do chính các cơ quan hữu quan tổ chức để nói về những nạn nhân của vấn nạn phá thai : những em bé vô tội.

Rời nghĩa trang đồng nhi khi mặt trời lặn khuất, hình ảnh ám ảnh nhất tôi mang theo chính cảnh một phụ nữ trạc cỡ 29 – 30 tuổi, dáng sang trọng, mặc bồ đồ đen bằng loại vải đắt tiền, ngồi khóc lặng lẽ bên một ngôi mộ trên bia đề dòng chữ “ Trần Vô Danh – Sinh ngày 12/3/2006 – Tử ngày 12/3/2006”.

Ngút tầm mắt, những ngôi mộ nhỏ có chung một cái tên trên bia “VÔ DANH”

Ngút tầm mắt, những ngôi mộ nhỏ có chung một cái tên trên bia “VÔ DANH”

Anh Phụng cho biết, người phụ nữ này chiều nào vào giờ này cũng lên ngồi khóc bên ngôi mộ đó. Qua tìm hiểu anh được biết, cách đây khoảng 10 năm, vì lý do “”danh dự gia đình””, cô gái đã phải cắn răng giết chết đứa con mình đang mang trong bụng – theo yêu cầu của nhà chồng – để có thể tổ chức đám cưới rình rang, nở mày nở mặt cho gia đình 2 bên. Trớ trêu thay, từ ngày đó dù đã chạy chữa nhiều thầy thuốc, khắp nơi trong ngoài nước, nhưng mỗi lần có thai thì cái thai không hề tồn tại quá 2 tháng, đúng như thời điểm cô đã giết đứa con đầu lòng của mình. Mặc dù không biết đích xác đứa con mình chôn ở đâu, nhưng người phụ nữ đó đã chọn một nấm mồ thai nhi có ngày sinh – tử đúng ngày cô đã phá thai và coi đó là mộ của con mình, để rồi mỗi buổi chiều, mỗi dịp lễ tết, cô lên đó chăm sóc ngôi mộ, khóc và cầu xin sự tha thứ từ đứa con đã mất vì quyết định của chính mình.

Giá như, mỗi bạn trẻ nam nữ, trước khi quyết định quan hệ tình dục trước hôn nhân, trước khi hủy diệt chính đứa con ruột của mình, hãy một lần bước đến một nghĩa trang đồng nhi nào đó, để được nhìn thấy những ngôi mộ nhỏ xếp hàng, để đọc được dòng chữ “Chúng con tha thứ cho cha mẹ” và để gặp được những nhân chứng sống như người phụ nữ áo đen trong câu chuyện trên.

Có lẽ lúc đó, các bạn trẻ sẽ có trách nhiệm hơn với những hành động mình sắp làm chăng?

Chỉ mong sao, mơ ước của anh Phụng – người cha chung của các đồng nhi – sẽ có ngày trở thành hiện thực

Jos Phú Thi

Bài liên quan

Bài mới

Facebook

Youtube

Liên kết